THU HÚT VÀ KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC BẤT ĐỘNG SẢN

19/04/2023

Dự án luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 22 vừa qua, dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Để hoàn thiện dự án luật đạt chất lượng cao, cơ quan soạn thảo đã chủ động tham khảo những góc nhìn từ pháp luật quốc tế về thu hút và kiểm soát hiệu quả đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản.

KHAI MẠC PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT THÁNG 4/2023 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản

Dự án luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 22 vừa qua, dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Trong quá trình xây dựng luật, việc tham khảo kinh nghiệm phát triển và quản lý thị trường bất động sản của một số nước trên thế giới là cần thiết để đảm bảo dự án luật đạt chất lượng cao, đảm bảo tính hài hòa pháp luật trong quá trình hội nhập quốc tế.

Để hoàn thiện dự án luật đạt chất lượng cao, cơ quan soạn thảo đã chủ động tham khảo những góc nhìn từ pháp luật quốc tế về thu hút và kiểm soát hiệu quả đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản. Theo đó, Singapore từ lâu luôn coi việc lợi dụng vốn đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế như một quốc sách. Tùy vào từng giai đoạn khác nhau mà chính phủ xác định những ngành kinh tế mũi nhọn, cần ưu tiên phát triển và có những chính sách khuyến khích đầu tư thích hợp. Chính phủ Singapore thực hiện chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm phục vụ cho mục đích đẩy mạnh xuất khẩu ngay từ khi mới thành lập.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Các biện pháp khuyến khích đầu tư của Chính phủ Singapore bao gồm: Chính phủ xây dựng các ngành, các lĩnh vực ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ưu tiên lĩnh vực sử dụng công nghệ phát triển có nguồn từ Tây Âu và Nhật Bản; Miễn thuế bản quyền, bằng phát minh sáng chế từ bên ngoài vào. Miễn thuế đầu tư vào đào tạo nghề, nghiên cứu khoa học, nâng cấp công nghệ; Cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được quyền sử dụng 100% vốn của mình trong các dự án đầu tư, được phép tự do chuyển lợi nhuận về nước, được tuyển dụng lao động ở nước ngoài.

Các nhà đầu tư nước ngoài được miễn thuế khi vay vốn. Những doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình kinh doanh nếu bị thua lỗ sẽ không bị nộp thuế cước phí trong 3 năm và có thể kéo dài thời hạn miễn thuế nếu liên tiếp làm ăn thua lỗ. Nếu doanh nghiệp mở rộng sản xuất sẽ được miễn giảm thuế một phần. Miễn giảm toàn bộ mức thuế thu nhập công ty (22%) trong 5-10 năm đối với các dự án đầu tư chế tạo và dịch vụ áp dụng công nghệ cao. Thành lập tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài giúp các nhà đầu tư nước ngoài hoàn tất các thủ tục pháp lý để nhận giấy phép đầu tư, tháo gỡ các tranh chấp đối với người dân nước sở tại. Đồng thời là cầu nối tiếp cận với các cơ quan nhà nước một cách nhanh chóng. Nới lỏng lĩnh vực đầu tư nước ngoài, mở cửa đối với các lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Quy định những ưu đãi riêng cho những dự án sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao.  Tất cả các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài có lợi nhuận đều có thể xin miễn thuế.

Các đại biểu tại phiên họp

Tận dụng ưu thế sẵn có, Singapore đã tự biến mình thành một cảng biển quan trọng, nơi chu chuyển hàng hoá lý tưởng từ Tây sang Đông, cơ sở chế biến sản phẩm trước khi xuất khẩu rất thuận lợi. Do đó, Singapore đã trở thành một khu thương mại tổng hợp hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Ngày nay, Singapore đang phát triển công nghiệp nặng như công nghiệp đóng tàu, lọc dầu, đồng thời đưa các sản phẩm như điện dân dụng, điện tử cơ khí chế tạo, vật liệu xây dựng, đồ chơi... trở thành những mặt hàng chủ lực, có sức cạnh tranh với những nước tư bản phát triển.

Tạo lập và phát huy các nhân tố hấp dẫn đầu tư

Bên cạnh Singapore, Malaysia cũng là nước Đông Nam Á khá thành công trong việc thu hút FDI. Trong nhiều nhân tố tác động đem lại kết quả đó thì môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn đóng góp một phần đáng kể nhằm phát huy lợi thế so sánh để thu hút các nhà đầu tư.

Đối với việc tạo lập và phát huy các nhân tố hấp dẫn đầu tư, nguồn nhân lực của Malaysia rất dồi dào, tỷ lệ tham gia lao động năm 1990 là 66%, trình độ người lao động được nâng cao nhờ hệ thống giáo dục nề nếp, lao động có năng suất, kỷ luật cao. Lực lượng lao động qua giáo dục trung học và đại học không ngừng tăng lên, đạt 36% vào năm 1995. Malaysia xây dựng và phát triển các trung tâm và cơ sở dạng nghề đặc biệt là các khu vực có quy mô lớn về thu hút FDI nhằm đào tạo lực lượng lao động phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư.

Toàn cảnh phiên họp

Tuy nhiên, do sự chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế sang ngành chế tạo dẫn đến tình trạng thiếu lao động, Malaysia phải nhập khẩu lao động từ nước ngoài, cùng với xu hướng tăng tiền lương và thu nhập của người lao động trong thời gian gần đây dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh đã tạo ra lực cản thu hút FDI. Chính phủ Malaysia đang tăng cường vốn đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đưa Malaysia trở thành trung tâm tốt về giáo dục, phục vụ cho sự phát triển kinh tế, trong đó có chủ trương “xóa mù” tiếng Anh và Internet, thông qua chương trình chính sách đặc biệt khuyến khích công dân mua và sử dụng máy vi tính.

Văn hóa đa sắc tộc đã tạo nên sự đa dạng phong phú về thị trường tiêu thụ, có khả năng tạo ra nguồn nhân lực phát triển cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng luôn được quan tâm đầu tư, phát triển và hiện nay đang đứng vào hàng bậc nhất Đông Nam Á. Những nơi cần thu hút FDI thì càng phải quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thật tốt cùng với hệ thống dịch vụ thuận lợi, hấp dẫn.

Chính phủ Malaysia ước tính trong giai đoạn 1996 - 2000, đầu tư tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng đã đạt con số kỷ lục và đầu tư công cộng đạt mức cao. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, lạm pháp thấp, tỷ giá hối đoái ổn định và linh hoạt hệ thống tài chính - ngân hàng - bảo hiểm không ngừng được mở rộng.

Tích cực tiếp nhận kỹ thuật, công nghệ hiện đại, kiến thức quản lý tiên tiến

Malaysia cũng thực hiện đa dạng hóa kết hợp với có trọng điểm các lĩnh vực, hình thức và đối tác đầu tư phù hợp với từng giai đoạn. Malaysia trong chiến lược thu hút FDI không chỉ nhằm tạo được nguồn vốn để đầu tư phát triển, mà còn hướng đến tiếp nhận được những kỹ thuật, công nghệ hiện đại, kiến thức quản lý, kinh doanh tiên tiến. Để đạt mục tiêu này, Malaysia đề ra những chính sách cụ thể về thu hút đầu tư nước ngoài đối với từng lĩnh vực đầu tư mà trong từng thời kỳ đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp hóa, phát triển đất nước.

Hiện nay Chính phủ Malaysia đã xác định lựa chọn và có những chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế tạo, trong đó chủ yếu là điện và điện tử; chú trọng thu hút FDI vào các ngành có hàm lượng kỹ thuật cao, giảm mạnh trong các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, lao động rẻ, đòi hỏi trình độ thấp.

Malaysia xây dựng và phát triển các trung tâm và cơ sở dạng nghề đặc biệt là các khu vực có quy mô lớn về thu hút FDI

Về hình thức đầu tư, Malaysia rất quan tâm phát triển hình thức liên doanh, nhằm mở rộng sự tham gia trực tiếp của các nhà đầu tư trong nước vào các dự án FDI. Các nhà đầu tư trong nước sẽ tiếp cận, học hỏi nhanh kiến thức quản lý, kinh doanh tiên tiến, đồng thời đảm bảo quyền lợi về chia lợi nhuận kinh doanh do các dự án đem lại, đảm bảo quyền sở hữu vốn các dự án FDI cho người bản địa. Nhưng thực tế cho thấy, các nhà đầu tư trong nước còn hạn chế về vốn (chủ yếu góp vốn bằng tiền cho thuê đất) kiến thức kinh doanh, kinh nghiệm quản lý thấp, cho nên trong doanh nghiệp liên doanh họ lại bị lép vế, bị động trước đối tác nước ngoài, bị thua thiệt và ngay cả việc học tập kinh nghiệm cũng rất hạn chế.

Vì vậy, bài học kinh nghiệm được rút ra ở đây là khi các nhà đầu tư trong nước còn hạn chế về năng lực đầu tư thì Chính phủ nước chủ nhà cũng không nên quá chú trọng vào hình thức liên doanh mà phải tôn trọng mục tiêu hàng đầu trong lựa chọn hình thức đầu tư đó là hiệu quả kinh tế của dự án.

Về đối tác đầu tư, Malaysia đã chủ động đa phương hóa, đa dạng hóa trong thu hút đối tác đầu tư phục vụ yêu cầu của công nghiệp hóa, trong đó rất chú trọng vào các nước công nghiệp phát triển, những đối tác có tiềm năng đầu tư lớn. Malaysia xác định những đối tác này mới thực sự đem lại hiệu quả cao trọng việc đáp ứng nguồn vốn đầu tư cũng như chuyển giao công nghệ, kiến thực quản lý kinh doanh.

Thực tế, đến nay có khoảng 50 nước trên thế giới tham gia đầu tư vào Malaysia và đã có sự chuyển dịch từ châu Âu sang Châu Á, nhưng Nhật Bản và Hoa Kỳ là hai nước kinh tế lớn, tiên tiến vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổn số FDI vào Malaysia. Trong những năm gần đây, Malaysia đã chú trọng thu hút FDI từ các nước công nghiệp mới (NICs) thuộc khu vực châu Á để tăng số lượng và sự cạnh tranh giữa các đối tác phục vụ cho công nghiệp hóa.

Đồng thời, Malaysia cũng đã thực hiện nhiều biện pháp thu hút FDI có hiệu quả. Chính phủ Malaysia rất chú trọng công việc đi vận động đầu tư ở nước ngoài với các hoạt động xúc tiến đầu tư rất đa dạng, tổ chức các đoàn ra nước ngoài giới thiệu cơ hội và vận động đầu tư, tạo điều kiện cho các công ty trong nước ra nước ngoài học tập, trao đổi với các đối tác ở các thị trường có tiềm lực công nghệ mạnh như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Bỉ… Chính phủ còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo đầu tư ở trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Chính phủ Malaysia đã thành lập trung tâm đầu tư, mở rộng các văn phòng đại diện của tổ chức phát triển công nghiệp ở nước ngoài để tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành hoạt động đầu tư vào Malaysia và có chính sách miễn giảm thuế để đẩy mạnh thu hút FDI; được miễn giảm thuế đầu tư trong vòng 10 năm; miễn giảm thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị cho các khu chế xuất và các dự án hướng về xuất khẩu.

Minh Hùng