CÂN NHẮC CÁC QUY ĐỊNH TRONG CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ ĐỐI VỚI CÁC LOẠI HÌNH DỊCH VỤ VIỄN THÔNG, DỮ LIỆU MỚI BẢO ĐẢM KHẢ THI, PHÙ HỢP

14/04/2023

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật, cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý đến các quy định mới của dự thảo luật về việc quản lý dịch vụ OTT viễn thông, cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tính toán mức độ quản lý phù hợp, đảm bảo chặt chẽ, khả thi, hạn chế việc tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 12/4: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: SỬA ĐỔI LUẬT VIỄN THÔNG BẢO ĐẢM THỂ CHẾ HÓA CHỦ TRƯƠNG, QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA, TUÂN THỦ CAM KẾT QUỐC TẾ

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật

Xu hướng phát triển rất nhanh của viễn thông chuyển đổi thành hạ tầng số với sự xuất hiện của các loại hình dịch vụ, mô hình kinh doanh mới đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện quy định quản lý để thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây theo hướng phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, phổ cập và tiết kiệm năng lượng, hình thành hạ tầng số.

Các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (gọi tắt là OTT viễn thông - các dịch vụ trên Internet cung cấp tính năng tương tự dịch vụ viễn thông như gọi điện thoại, nhắn tin,...) được sử dụng ngày càng phổ biến, có khả năng thay thế cho các dịch vụ viễn thông trong khi pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin.

Pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây. Vì vậy chưa phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, theo đó trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây cùng với hạ tầng viễn thông tạo thành hạ tầng số thống nhất, quan trọng của nền kinh tế số, cung cấp các dịch vụ lưu trữ, xử lý và truyền đưa thông tin.

Do đó, tại dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật đã bổ sung xác quy định nhằm điều chỉnh các mô hình, dịch vụ mới như xác định hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây là một phần quan trọng của hạ tầng số; điều chỉnh hoạt động bán buôn trong viễn thông để đảm bảo thúc đẩy thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, bền vững; bổ sung quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT viễn thông).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số mà Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy. Do pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý sẽ dẫn đến việc không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin, do đó dịch vụ OTT cần phải được quản lý theo cách thức phù hợp. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến băn khoăn về cách thức quản lý như quy định của dự thảo Luật.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu chỉnh lý các quy định nêu trên để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp; rà soát việc quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT cần gắn với quyền lợi của các doanh nghiệp này. Đề nghị cân nhắc, chỉ nên luật hóa những nội dung đã được đồng thuận, đối với những nội dung chưa có sự thống nhất, chỉ nên quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật và sẽ được cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn để bảo đảm tính linh hoạt trong thực tế.

Về cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây (Điều 24) và cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 25) đề nghị cần cân nhắc, rà soát, sửa đổi theo hướng chi tiết cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi, không tạo ra gánh nặng nghĩa vụ đối với doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp

Đồng tình với nội dung thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về 3 lĩnh vực phạm vi mở rộng của luật này đối với dịch vụ qua Internet, hội thoại, hội đàm, nhắn tin trên mạng Internet, điện toán đám mây, trung tâm xử lý dữ liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý vấn đề cần quan tâm như chi phí tuân thủ doanh nghiệp có tăng lên hay không, tác động ảnh hưởng thế nào tới hoạt động của các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài; cùng với đó phạm vi điều chỉnh của Luật này với  Luật Công nghệ thông tin cũng cần được minh định.

Nhất trí việc dự thảo Luật sẽ điều chỉnh thêm các vấn đề về dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông trên Internet, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng cho rằng quy định của dự thảo luật về các dịch vụ này hiện nay còn chưa cụ thể. Do đó, cần quy định cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ và khách hàng thụ hưởng, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước và bảo vệ bí mật đời tư cá nhân.

Bên cạnh đó, một số quy định cần xem xét tính khả thi, như quy định về việc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có số lượng người sử dụng dịch vụ hoặc phát sinh lưu lượng dịch vụ tại thị trường Việt Nam vượt mức ngưỡng phải có biện pháp bảo đảm sự hoạt động ổn định của dịch vụ tại khoản 1 Điều 23 của dự thảo. Sự ổn định của dịch vụ, chất lượng internet cũng phụ thuộc vào doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet chứ không chỉ có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. Vấn đề này phải xem xét cụ thể hơn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại phiên họp

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, từ phía cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn xuyên quốc gia cho đến những doanh nghiệp trong nước quan tâm đến một số chế định lớn của Luật Viễn thông. Trước hết việc mở rộng dự thảo Luật Viễn thông ra một số một số lĩnh vực mới với các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet như Zalo, Viber, hay những phần mềm họp trực tuyến như Zoom, Teams, nhiều phần mềm khác nữa.

Chia sẻ với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý an toàn thông tin, song đại diện của VCCI cho rằng cần phải quản lý nhưng quản lý bằng luật nào. Hiện có nhiều Luật để thực hiện vấn đề quản lý này như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay nhiều luật khác nữa.

Việc mở rộng điều chỉnh quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, cũng có một số doanh nghiệp băn khoăn là liệu Trung tâm dữ liệu điện toán đám mây này có đúng với khái niệm viễn thông trong Luật Viễn thông hay không và liệu Luật Viễn thông có điều chỉnh hết được tất cả các vấn đề trong lĩnh vực về Trung tâm dữ liệu điện toán đám mây hay không? Bởi vì Trung tâm dữ liệu điện toán đám mây có liên quan đến cơ sở dữ liệu, an toàn thông tin và rất nhiều chế định kèm theo. Các doanh nghiệp cũng cho rằng mở rộng điều chỉnh ở Luật Viễn thông hiện có ít nước làm, chưa phổ biến, cho nên cũng cần phải làm rõ hơn kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn tham gia góp ý

Về cách thức quản lý, đại diện VCCI cho biết, hiện nay khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về những quy định ràng buộc của dự thảo Luật như việc quy định phải có hiện diện thương mại hay phải có thỏa thuận thương mại với các doanh nghiệp viễn thông trong nước. Dưới góc nhìn của các nhà kinh doanh cho rằng điều này ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của họ bởi thỏa thuận thương mại chắc chắn là can thiệp vào quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện không công bằng các nhà cung cấp dịch vụ OTT.

Theo Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, quy định về vấn đề này cần phải tính bài toán tổng thể  bởi liên quan đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, sự thuận lợi của môi trường kinh doanh.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh của pháp luật Việt Nam là cần thiết, nhưng cách thức thiết kế thế nào để các doanh nghiệp, các tập đoàn hiểu rằng là việc điều chỉnh này để thúc đẩy sự phát triển của ngành một cách mạnh mẽ hơn và đưa ra thông điệp là giảm nghĩa vụ thực thi và giảm chi phí tuân thủ một cách tối thiểu nhất và đảm bảo quản lý nhà nước. Do đó cần có giải pháp khác mềm hơn và uyển chuyển hơn để phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài, nhập khẩu công nghệ như Việt Nam.

Báo cáo làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ trước đây, cung cấp dịch vụ viễn thông phải có hạ tầng viễn thông. Quản lý doanh nghiệp hạ tầng mạng là quản lý luôn được dịch vụ viễn thông. Ngày nay, trên nền Internet có thể cung cấp được các dịch vụ viễn thông cơ bản, cung cấp dịch vụ viễn thông mà không cần hạ tầng mạng và còn có thể cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới. Vấn đề đặt ra là các công ty cung cấp dịch vụ này không có hạ tầng mạng nên không bị quản lý. Vậy chúng ta có quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản mà họ cung cấp hay không. Đây chính là vấn đề quản lý dịch vụ OTT viễn thông.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo làm rõ vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm

Cùng với đó là làm cách nào để phát triển hạ tầng mạng khi các OTT ngày một giàu lên, còn các nhà mạng đang nghèo đi. Những thay đổi lớn và rất nhanh ở trên đòi hỏi cấp thiết phải có thể chế mới, nhất là các quy định cho phép sự linh hoạt của Chính phủ, Bộ, ngành. Đó là lý do mà Luật Viễn thông phải được trình Quốc hội để sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Liên quan đến quản lý dịch vụ viễn thông nhưng chạy trên nền internet, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ hiện nay dịch vụ viễn thông chạy trên mạng viễn thông thì quản lý rất chặt chẽ, nhưng dịch vụ viễn thông chạy trên nền internet lại không quản, dẫn đến khó khăn về quản lý. Đồng thời, việc quản lý không bình đẳng giữa doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp OTT, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp xuyên biên giới. Cùng là cung cấp dịch vụ nhưng một bên thì quản, một bên thì không quản. Hiện nay đang có tình trạng bảo hộ ngược, doanh nghiệp trong nước thì quản chặt, doanh nghiệp nước ngoài thì thả lỏng. Với quan điểm cùng loại hình dịch vụ thì quản lý giống nhau giữa trong nước và ngoài nước, để thúc đẩy phát triển các dịch vụ OTT, Ban soạn thảo Luật đã cố gắng đưa ra phương án quản lý một cách vừa phải, không quản lý quá chặt.

Trước nhiều ý kiến khác nhau về trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, công nghệ thông tin là việc xử lý thông tin để cung cấp dịch vụ. Nếu cung cấp dịch vụ qua mạng viễn thông, qua Internet thì gọi là dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng. Trong khi đó, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây không phải xử lý thông tin để cung cấp dịch vụ mà là cho thuê hạ tầng máy tính, bộ nhớ dưới dạng vật lý hoặc ảo hóa. Thay vì mua máy tính, bộ nhớ để xử lý thông tin thì nay thuê máy tính, bộ nhớ của trung tâm dữ liệu. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, rồi sẽ đến một ngày mọi người dân sẽ không ai có máy tính nữa mà sẽ thuê máy tính trên đám mây, người dân chỉ sở hữu màn hình, bàn phím và kết nối đến đám mây, khi đó điện toán đám mây sẽ trở thành hạ tầng thiết yếu như điện, nước.

Toàn cảnh phiên họp

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, dịch vụ IDC (Trung tâm dữ liệu Internet), cloud (đám mây) hiện nay đã khoảng 60% so với dịch vụ viễn thông và có tốc độ tăng nhanh hơn khoảng 5 đến 6 lần so với dịch vụ viễn thông. Bởi vậy, cần phải quản lý IDC, cloud ở mức nhất định để đảm bảo sự phát triển bền vững. Vì dữ liệu là tài nguyên quan trọng nhất của nền kinh tế số, do đó, Ban soạn thảo đề xuất là quản nhẹ hơn hạ tầng viễn thông nhưng chặt hơn ứng dụng công nghệ thông tin. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nghiên cứu, tìm cơ sở lý luận để tiếp tục đề xuất giải pháp phù hợp nhất, xem xét xử lý chi tiết ở tầm dưới luật vì IDC và cloud là vấn đề mới nhưng quan trọng.

Trao đổi thêm về kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đa số các nước xử lý ở mức dưới luật, xếp IDC, cloud vào một trong các nhóm dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng đã được quy định ở luật và sau đó Chính phủ hoặc bộ chuyên ngành xử lý chi tiết. Cách tiếp cận của Ban soạn thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) hiện nay cũng đi theo hướng này. Qua ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tiếp thu để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, tránh mâu thuẫn với các luật khác đã có hoặc đang sửa./.

Bảo Yến

Các bài viết khác