CUỘC LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỚI BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Công tác khám chữa bệnh dần phục hồi sau 2 năm phòng chống dịch Covid-19
Thời gian qua, việc triển khai các giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang được triển khai hết sức quyết liệt, khẩn trương và toàn diện. Các Tổ công tác đã liên tục có những cuộc làm việc với đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương để nắm bắt thông tin tồng thể, làm rõ các vấn đề quan trọng, góp phần đem lại cái nhìn toàn cảnh về những vấn đề nóng bỏng được giám sát.
Tại cuộc làm việc vừa qua của Tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” với đại diện Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ Y tế đã tích cực thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Cụ thể, Bộ đã tiếp tục xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện. Xây dựng các đề án, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á; Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở nguồn vốn WB... Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế tăng từ 91,0% năm 2020 lên 96% năm 2022.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chú trọng tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo chăm sóc sức khoẻ toàn dân; đẩy mạnh hệ thống theo dõi và khám chữa bệnh trực tuyến; đảm bảo hiệu quả phòng chống bệnh lây nhiễm, truyền nhiễm; cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em; nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Tiếp tục công tác chỉ đạo tuyến; chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Tổ chức tập huấn công tác điều trị sốt xuất huyết dengue; bệnh viêm gan vi rút, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm soát nhiễm khuẩn… Công tác khám bệnh, chữa bệnh thông thường đang dần hồi phục sau hơn 2 năm phòng chống dịch COVID-19.
Quang cảnh cuộc làm việc
Nhằm đảm bảo hiệu quả phòng chống bệnh lây nhiễm, truyền nhiễm, Bộ đã trình ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ về Lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1286/QĐ-TTg ngày 25/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030”; Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025.
Nâng cao trình độ cán bộ y tế, cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ, trẻ em
Hướng đến cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em, Bộ Y tế đã tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên môn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, trẻ sơ sinh, sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và trẻ em nhằm nâng cao năng lực trình độ cán bộ y tế, góp phần giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em, giảm suy dinh dưỡng trẻ em: tập huấn về chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, tập huấn về can thiệp Kangaroo, đào tạo cô đỡ thôn bản, tập huấn chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho vị thành niên/thanh niên...
Đối với việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cải thiện vệ sinh hộ gia đình, Bộ Y tế cho biết đã xây dựng, trình ban hành Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”; Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nhìn chung, hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm đã hình thành được cơ chế, hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh thực phẩm, cơ bản đã đầy đủ quy đinh pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm.
Các đại biểu tại cuộc làm việc
Thêm vào đó, Bộ cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các tổ chức kinh tế thực hiện và tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Tăng cường công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm, phổ biến kiến thức, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, tin xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Cùng với đó, Bộ cũng có những nỗ lực nhằm cải thiện vệ sinh hộ gia đình. Tỷ lệ bao phủ nhà tiêu trên toàn quốc đã có sự thay đổi rõ rệt qua từng năm, qua từng giai đoạn. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu tăng từ 77% năm 2010 lên 96,6% năm 2021. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 77,8% năm 2021, tăng 17,8% so với năm 2010, trung bình mỗi năm đều tăng từ 1-2%. Tuy nhiên, tỷ lệ này phân bố không đồng đều giữa các vùng sinh thái, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ nhà tiêu HVS cao nhất 95%, tiếp theo là Đồng bằng sông Hồng 89,7% và Duyên hải Nam Trung Bộ 84,5%. Miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long là những khu vực có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh thấp nhất với 70,4% và 64,8%.
Tháo gỡ vướng mắc từ vấn đề tài chính
Tại cuộc làm việc, các thành viên tổ công tác, các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhận định, tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình còn chậm so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Tiến độ phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn còn chậm, kinh phí sự nghiệp năm 2022 phải chuyển sang năm 2023 tiếp tục thực hiện.
Một số ý kiến phản ánh, Chương trình “Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ ngày 02/11/2018, trong đó có vốn vay ADB thực hiện theo phương thức hòa đồng ngân sách nhà nước để thực hiện CTMTQG xây dựng NTM, tuy nhiên do Hiệp định được ký kết vào thời điểm cuối giai đoạn 2016-2020 nên phải chờ được đưa vào giai đoạn 2021-2025. Theo Hiệp định vay ký với ADB, ngày đóng sổ khoản vay là ngày 31/3/2020, đến nay đã phải đề nghị ADB, báo cáo Chủ tịch nước gia hạn 3 lần, lần thứ 3 là đến ngày 31/3/2022 và không thể gia hạn thêm.
Các thành viên Tổ công tác cho ý kiến tại cuộc làm việc
Ngày 14/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 659/NQ-UBTVQH15, trong đó bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho CTMTQG xây dựng NTM để thực hiện Chương trình Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ về việc giao bổ sung kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025 thực hiện 03 chương trình MTQG trong đó bao gồm vốn nước ngoài để thực hiện Chương trình. Tuy nhiên đến nay chưa được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định, làm cơ sở để Bộ Tài chính rút vốn ADB.
Để triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này, nhiều đại biểu, chuyên gia cho rằng cần sớm ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao bổ sung kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025 để thực hiện Chương trình Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn vay vốn ADB. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính cần tiến hành các thủ tục cần thiết để đảm bảo khoản vay được rút vốn trước ngày đóng sổ khoản vay 31/3/2023.