TÁN THÀNH VIỆC HỢP NHẤT BAN CHỈ ĐẠO, BAN CHỈ HUY VỀ PHÒNG THỦ DÂN SỰ

06/04/2023

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Phòng thủ dân sự, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc hợp nhất các Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy về phòng thủ dân sự là cần thiết nhằm thu gọn đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 06/4: HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ VÀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự

Dự án Luật Phòng thủ dân sự đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại 3 phiên họp. Về nội dung luật có ý nghĩa và phạm vi tác động sâu rộng đến nhiều mặt đời sống xã hội, đến an nguy của người dân, cộng đồng hoặc của cả nền kinh tế. Mặt khác, đây là một dự án luật có phạm vi rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều văn bản pháp luật hiện hành.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng luật theo hướng quy định các nguyên tắc, cơ chế và chính sách chung về phòng thủ dân sự, những nội dung đặc thù, những nội dung còn thiếu trong hệ thống pháp luật có liên quan đến phòng thủ dân sự thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự. Quá trình tiếp thu, chỉnh lý yêu cầu phải rà soát kỹ lưỡng để quy định chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi.

Dự thảo luật trình các đại biểu Quốc hội chuyên trách tại hội nghị này có 7 chương và 57 điều. So với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 đã giảm 14 điều; đồng thời, nhiều nội dung đã được chỉnh lý, bổ sung mới và sắp xếp, bố cục lại các điều, mục trong các chương của dự thảo luật cho hợp lý, thống nhất.

Tăng dần các biện pháp theo từng cấp độ phòng thủ dân sự

Đáng chú ý, trước các ý kiến của đại biểu về các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4 (Điều 23, 24, 25, 26), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng, việc quy định cụ thể các biện pháp cần áp dụng trong từng cấp độ phòng thủ dân sự là cần thiết để thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đồng thời bảo đảm tính bao quát chung đối với các dạng sự cố, thảm họa.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới

Trên cơ sở ý kiến đại biểu, qua rà soát, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng áp dụng các biện pháp tăng dần theo từng cấp độ phòng thủ dân sự và quy định cụ thể thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh và Thủ tướng Chính phủ áp dụng các biện pháp trong từng cấp độ và có thể tiếp tục đồng thời áp dụng các biện pháp của cấp độ thấp hơn.

Đồng thời, để thống nhất với pháp luật có liên quan, dự thảo luật đã bổ sung khoản 3 quy định: “Người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa phương thiết quân luật căn cứ tình hình thực tế quyết định áp dụng các biện pháp quy định tại Điều 23, Điều 24 và Điều 25 của Luật này, quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, quy định của pháp luật về thiết quân luật và biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này"...

Hợp nhất Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy để thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động

Qua thảo luận tại Hội nghị, Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự (Điều 35) là nội dung được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến sôi nổi tại các phiên họp của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó.

Nhấn mạnh về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ: Qua kết quả khảo sát thực tế nhận thấy, hiện nay hệ thống tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự ở Trung ương và các bộ, ngành, địa phương chưa thống nhất, nên công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự khó thông suốt, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, việc hợp nhất các Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy là cần thiết, nhằm thu gọn đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này.  

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, tính đến tháng 3-2023 đã có 58/63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; còn 5 tỉnh chưa kiện toàn.

Các đại biểu tại Hội nghị

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và thể chế hóa Nghị quyết số 22-NQ/TW, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thống nhất với cơ quan chủ trì soạn thảo sửa Điều 37 thành Điều 35 đổi tên là “Cơ quan chỉ đạo quốc gia, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự” và thống nhất sử dụng cụm từ "Ban chỉ đạo quốc gia", "Ban chỉ huy phòng thủ dân sự "; bổ sung quy định: “Ban chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự có chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước. Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia ”.

Đồng thời, bổ sung các quy định: “Ban chỉ huy phòng thủ dân sự được thành lập ở các bộ, cơ quan ngang bộ, có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng thủ dân sự trong phạm vi, lĩnh vực quản lý.”; “Ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương các sở, ban, ngành chịu trách nhiệm tham mưu, chỉ huy, chỉ đạo theo lĩnh vực được phân công đối với sự cố chưa có nguy cơ dẫn tới thảm họa.” Từ đó, bảo đảm chức năng tham mưu chuyên sâu, xuyên suốt theo từng lĩnh vực được phân công của các Bộ, ngành tại Trung ương và các sở, ban, ngành tại địa phương...

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh- Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá dự thảo Luật đã khá hoàn thiện, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Nhất trí về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh- Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhận thấy, dự thảo Luật đã có sự phân định rõ về phạm vi điều chỉnh, không chồng chéo với các luật hiện hành.

Về cơ quan chỉ đạo quốc gia, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự tại Điều 35 dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cơ bản tán thành việc sửa Điều 37 thành Điều 35 như báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nêu và cho rằng việc hợp nhất các Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy là cần thiết.

Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, hiện nay phòng thủ dân sự ở cấp Trung ương có 3 tổ chức gồm: Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong khi đó, ở cấp bộ, ngành, địa phương chỉ có một tổ chức là Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đồng thời là Ban chỉ huy phòng thủ dân sự.

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Xét về chức năng nhiệm vụ, 3 tổ chức trên đều làm nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Hơn nữa, thành viên của 3 tổ chức này đều là lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đều chỉ đạo một tổ chức ở bộ, ngành địa phương, do đó gây ra sự chồng chéo. Như vậy việc hợp nhất sẽ bảo đảm tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Góp ý liên quan đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đề nghị, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự lần này cũng cần quy định rõ cơ quan thường trực ở địa phương, nhất quán với quy định cơ quan thường trực ở trung ương để bảo đảm tính rõ ràng trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện, áp dụng luật./.

Thu Phương