LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ: CẦN GIẢI THÍCH RÕ RÀNG, CỤ THỂ VỀ KHÁI NIỆM PHÒNG THỦ DÂN SỰ

06/04/2023

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án luật, các đại biểu đề nghị cần giải thích rõ ràng, cụ thể về khái niệm "phòng thủ dân sự".

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Trước đó, tại phiên họp tháng 2/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự. 

Tham gia phát biểu tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, so với phiên bản đầu tiên, dự thảo Luật trình lần này đã có bước tiến lớn về nội dung các quy định, đảm bảo chặt chẽ hơn, chất lượng cao hơn. Trưởng Ban Công tác đại biểu đánh giá cao Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tích cực tiếp thu các nội dung được cho ý kiến, nhất là về cấp độ phòng thủ dân sự. 

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Về khái niệm “phòng thủ dân sự”, Trưởng Ban Công tác đại biểu tán thành với khái niệm được quy định trong dự thảo Luật, theo đó, phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. 

Về nội dung được đề nghị bổ sung thêm vào phần giải thích khái niệm, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng nội dung bổ sung đó đã được luật hóa trong dự thảo Luật tại một số Điều, khoản khác, vì vậy không cần thiết phải bổ sung thêm nội dung đó vào phần giải thích khái niệm “phòng thủ dân sự”. Về nội dung quy định liên quan đến Quỹ phòng thủ dân sự, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, việc quản lý và sử dụng quỹ này trong thực tế có xuất hiện những vướng mắc, bất cập, chồng chéo. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế cho thấy cần thiết phải có Quỹ này.

Toàn cảnh phiên họp

Cùng tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự năm 2030 năm tiếp theo có nêu một trong những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể là xây dựng Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó chú trọng bổ sung cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chủ trương, chính sách trưng thu, trưng dụng, huy động lực lượng, phương tiện vật chất cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Đặc biệt, trong lĩnh vực phòng chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa sự cố thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm. Qua đối chiếu với yêu cầu này cho thấy dự thảo Luật đã được tiếp thu một bước so với dự thảo ban đầu. 

Về giải thích từ ngữ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cơ bản tan thành với giải trình về nội dung giải thích từ ngữ nhất là 3 từ ngữ quan trọng nhất ở trong dự thảo này là phòng thủ dân sự  - sự cố - thảm họa. Liên quan đến cấp độ phòng thủ dân sự quy định tại Điều 5 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy Ủy ban Pháp luật cho rằng nếu phân định các dạng thảm họa sự cố bằng nguyên nhân dẫn đến thảm họa sự cố do chiến tranh, do thiên tai, do dịch bệnh thì thực tế không có nhiều ý nghĩa.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Về đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa sự cố dự thảo Luật gắn luôn với cả phòng thủ dân sự theo từng cấp độ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định như dự thảo Luật lần này là tương đối rõ và cách thể hiện lần này là gọn hơn và dễ theo dõi hơn. Dự thảo luật đề ra có 4 tiêu chí để xác định cấp độ phòng thủ dân sự là về phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng hậu quả có thể xảy ra sự cố thảm họa; đặc điểm vị trí địa lý dân cư, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; diễn biến mức độ gây thiệt hại và thiệt hại do sự cố thảm họa gây ra và khả năng phó khắc phục hậu quả. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng khi có quy định về tiêu chí thì quy định các cấp độ phòng thủ dân sự cũng phải gắn với đầy đủ 4 tiêu chí trên. Do đó cần rà soát và bổ sung thêm những dấu hiệu, những tiêu chí để đánh giá cấp độ phòng phủ đảm bảo đầy đủ, cụ thể hơn để vận dụng trong thực tiễn. 

Góp ý hoàn thiện dự án Luật, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, khoản 4, Điều 2 của dự thảo Luật quy định: Đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ sự cố, thảm họa so với những nhóm người khác trong cộng đồng. Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, người nghèo, người mất năng lực hành vi dân sự và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm 

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, về đối tượng dễ bị tổn thương, cần bổ sung thêm đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống trong điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vì người dân ở đây thu nhập thấp, mặt bằng dân trí không cao, có rào cản ngôn ngữ, là đối tượng dễ bị tổn thương, cần có sự hỗ trợ kịp thời. Về Quỹ phòng thủ dân sự, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, nên có Quỹ phòng thủ dân sự để có sẵn nguồn lực dự phòng cho công tác hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, địch họa, phục hồi kinh tế sau sự cố, thảm họa. Việc phục hồi cần thu hút nguồn lực rộng lớn, Luật cần có quy định chặt chẽ, khả thi để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tế.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự trách nhiệm, nỗ lực, cầu thị của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành nhiều nội dung dự thảo Luật sau khi chỉnh lý, các nội dung cơ bản bám sát chủ trương đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết của Bộ Chính trị, các quy định khác của pháp luật, bảo đảm tính khả thi trong thực tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đưa nhiều ý kiến liên quan đến nguyên tắc áp dụng, sự thống nhất của dự thảo Luật với các luật khác có liên quan, phạm vi điều chỉnh, về giải thích từ ngữ xây dựng hệ thống công trình, quỹ phòng thủ dân sự, trách nhiệm quản lý nhà nước, bảo hiểm rủi ro, việc huy động, điều động lực lượng, cơ quan chỉ huy. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh phối hợp chặt chẽ với ban soạn thảo, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu xây dựng luật, sớm hoàn thiện dự thảo đạt chất lượng cao.

Minh Hùng