SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤU THẦU ĐỦ RÕ, ĐỦ CỤ THỂ ĐỂ LỰA CHỌN NHÀ THẦU CÓ CHẤT LƯỢNG VỚI GIÁ HỢP LÝ

06/04/2023

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (từ 5-7/4), các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đa số đại biểu đánh giá dự thảo luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh sửa nghiêm túc, gần tiến tới các tiêu chí về minh bạch, liêm chính. Tuy nhiên, quy định về chỉ định thầu là nội dung tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý hoàn thiện dự thảo luật.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 05/4: HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI) VÀ DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật bổ sung nhiều trường hợp chỉ định thầu, giảm trường hợp đấu thầu là không phù hợp, về lâu dài sẽ không tạo ra tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch của thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ xảy ra tiêu cực. Do vậy, cần quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và quy định tiêu chí cụ thể, tránh lạm dụng. Có ý kiến đề nghị quy định về hạn mức chỉ định thầu ngay tại dự thảo luật thay vì “theo quy định của Chính phủ”; có ý kiến đề nghị nâng hạn mức chỉ định thầu so với mức hiện nay quy định tại Nghị định. Một số ý kiến đề nghị chỉ quy định trình tự, thủ tục chỉ định thầu, còn trường hợp nào chỉ định thầu thì phải theo luật chuyên ngành và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Một số đại biểu đề nghị quy định rõ thẩm quyền quyết định các trường hợp chỉ định thầu; giao Chính phủ quy định rõ thẩm quyền xác định giá gói thầu để giao thầu trong trường hợp cấp bách; đề nghị cần có cơ chế báo cáo, giám sát chặt chẽ đối với chỉ định thầu và chế tài xử lý nghiêm khắc trong trường hợp cố tình chỉ định thầu gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước. Có ý kiến đề nghị cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với thuốc, vật tư, thiết bị y tế trong trường hợp trên thị trường chỉ có một nhà sản xuất, cần tổ chức đàm phán và công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Ngoài đấu thầu, cần nghiên cứu, bổ sung các hình thức mua sắm khác đối với việc cung cấp thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế...

Cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu đánh giá cao sau kỳ họp, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ tiếp thu đối đa các ý kiến góp ý và giải trình những nội dung đại biểu nêu. Đặc biệt, dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về phạm vi điều chỉnh tại khoản 1 Điều 23, theo đó thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu so với dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và so với Luật Đấu thầu hiện hành.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Khẳng định chỉ định thầu là hết sức cần thiết, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu thực tế phần lớn các chủ đầu tư không dám chỉ định thầu, vì có rất nhiều quy định ràng buộc và phải chịu trách nhiệm nếu dự án không hoàn thành, hoặc chậm triển khai do nhiều nguyên nhân, do vậy cần có sự cân nhắc quy định rõ ràng, cụ thể để các chủ đầu tư dám chỉ định thầu.

“Tôi nghĩ rằng, chỉ định thầu cũng phải có giảm giá, nếu tỷ lệ đấu thầu chỉ giảm giá dưới 1% thay vì giảm giá 5%, 10% như chỉ định thầu, tại sao chúng ta không thực hiện chỉ định thầu mà lại tổ chức đấu thầu?”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị cân nhắc quy định chỉ định thầu đối với gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia áp dụng hình thức chỉ định thầu theo nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu cho biết, Luật Đầu tư công quy định Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án, chủ trương này khác với chủ trương chỉ định thầu. Chủ trương theo Luật Đầu tư công gắn với phát triển kinh tế - xã hội, gắn với an sinh xã hội, gắn với quốc kế dân sinh khác với chủ trương cho chỉ định thầu với mục tiêu để thực hiện. Vì vậy, quy định như dự thảo luật chưa đúng chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và hệ thống pháp luật hiện hành.

Trong khi đó, đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị cần tách “gói thầu cấp bách cần triển khai ngay nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia” với gói thầu “để thực hiện phục vụ ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng". Theo đó, gói thầu về an ninh quốc gia là đặc biệt có thể phải chỉ định thầu trong suốt quá trình thực hiện, nhưng gói thầu về khắc phục sự cố thiên tai hoặc bất khả kháng thì chỉ cần thực hiện trong thời gian ngắn. Việc tách gói thầu như vậy, các chủ đầu tư không thể lợi dụng việc chỉ định gói thầu về thiên tai nhưng cách 2 năm sau vẫn tiến hành chỉ định thầu, đại biểu Đinh Ngọc Minh cho biết.

Đại biểu Lê Văn Khảm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Đặc biệt quan tâm đến những điều khoản liên quan đến mua sắm trong lĩnh vực y tế, đại biểu Lê Văn Khảm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương khẳng định, những cơ chế, chính sách và quy định của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này đã tạo ra cơ hội rất tốt cho người hành nghề y, cơ sở khám, chữa bệnh, cũng như người bệnh sử dụng các dịch vụ phòng bệnh, chữa bệnh.

Điều 23 của dự thảo luật về chỉ định thầu quy định đối với gói thầu cung cấp dịch vụ để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh phải triển khai ngay. Đại biểu Lê Văn Khảm cho rằng, điều này hoàn toàn đúng nhưng về mặt kỹ thuật đề nghị luật nên ghi là "cấp cứu người bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh". Bởi, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã nêu rõ thế nào là tình trạng cấp cứu và các quy định liên quan đến hoạt động cấp cứu ở ngoại viện cũng như ở tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung áp dụng chỉ định thầu trong một trường hợp người hành nghề là bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc và vật tư y tế để điều trị cho người bệnh nhưng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có sẵn danh mục thuốc và vật tư y tế mua sắm tại cơ sở; hoặc có kế hoạch mua sắm nhưng không được, do có nhiều trường hợp bệnh lý phức tạp hoặc cơ sở khám, chữa bệnh rất hiếm gặp các bệnh này nên khả năng các nhà thầu từ chối không cung cấp thuốc, vật tư y tế.

Để hạn chế tình trạng người hành nghề có thể lạm dụng chỉ định điều trị để chỉ định thầu, đại biểu đề xuất quy định theo hướng sau khi có hội chẩn chuyên môn. Trong Luật Khám, chữa bệnh đã quy định thế nào là hội chẩn và hội chẩn gồm những biện pháp gì, hình thức nào, trong đó có cả hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh và hội chẩn từ xa. Có như vậy mới phát huy được năng lực của tuyến dưới và đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân.

 “Tôi đề nghị bổ sung một trường hợp nữa là trường hợp bác sĩ đã chỉ định sử dụng thuốc và vật tư y tế nhưng cơ sở không có sẵn thì được quyền chỉ định thầu để kịp thời điều trị cho bệnh nhân”, Đại biểu Lê Văn Khảm nêu ý kiến.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn.

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến quy định về chỉ định thầu, trong đó khẳng định cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo sẽ rà soát và tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý và báo cáo đại biểu Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Về chỉ định thầu tại Điều 23 của dự thảo luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, hầu hết đại biểu thống nhất theo hướng thu hẹp phạm vi trường hợp chỉ định thầu. Các đại biểu cũng thống nhất quan điểm xây dựng luật đủ rõ, đủ cụ thể để lựa chọn được nhà thầu với chất lượng đảm bảo và giá hợp lý. Đặc biệt, xây dựng luật cần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các nhà sản xuất, các nhà cung cấp được tham gia vào các gói thầu của khu vực công cũng như khu vực ngoài nhà nước./.

Lan Hương