CẦN CÓ GIẢI PHÁP HỮU HIỆU QUẢN LÝ NỘI DUNG CỦA GAME ONLINE KHÔNG PHÉP, GAME PHÁT HÀNH XUYÊN BIÊN GIỚI

30/03/2023

Đóng góp vào việc xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều doanh nghiệp, hiệp hội nêu quan điểm, để thị trường game online phát triển lành mạnh và không ảnh hưởng tới người tiêu dùng, cần có giải pháp hữu hiệu quản lý nội dung của game online không phép, game phát hành xuyên biên giới.

GÓC NHÌN NHIỀU CHIỀU QUANH VIỆC ĐƯA GAME ONLINE LÀ ĐỐI TƯỢNG PHẢI CHỊU THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của những đối tượng chịu tác động về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những điểm mới của dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài chính soạn thảo là đề nghị đưa dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có game online.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội game cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không đạt được mục đích định hướng tiêu dùng và hạn chế dịch vụ. Vấn đề quan trọng cần thực hiện kịp thời hiện nay là phải có giải pháp quản lý game online không phép, game phát hành xuyên biên giới. Việc làm này nhằm để thị trường game online phát triển lành mạnh và không ảnh hưởng tới người tiêu dùng.


Ông Lê Đức Anh - Phó Giám đốc Phát triển kinh doanh, Công ty cổ phần Giải trí và thể thao điện tử Việt Nam (Garena).

Ông Lê Đức Anh - Phó Giám đốc Phát triển kinh doanh, Công ty cổ phần Giải trí và thể thao điện tử Việt Nam (Garena) nêu quan điểm: Với các Trò chơi trên mạng (game online) phát hành trong nước, các đơn vị phát hành trong nước đang đáp ứng tính tuân thủ rất cao, qua đó giúp hạn chế rất nhiều các trò chơi có nội dung bạo lực, độc hại và tạo ra một môi trường chơi game Online lành mạnh, thậm chí đã có nhiều game online phát triển theo hướng Thể thao điện tử phù hợp với xu thế của thế giới thời gian gần đây. Vấn đề trong việc quản lý các game online là việc quản lý các game online không phép, có nội dung bạo lực, độc hại, hoặc thậm chí là nội dung xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia của Việt Nam.

Theo ông Lê Đức Anh, số lượng trò chơi trực tuyến trên kho ứng dụng Google Play và Apple Store là hàng trăm nghìn. Trong khi đó, cũng theo báo cáo của Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), số lượng game online được phát hành hợp pháp trong nước chỉ ở mức khiêm tốn là 1.327 game online và trong số các game online hợp pháp này có đến 471 trò chơi đã dừng hoạt động, tương ứng với 35,5% tổng số game online được phát hành hợp pháp.

Khi so sánh giữa hàng trăm ngàn game online không phép với chỉ hơn 800 game online hợp pháp hiện tại, có thể thấy việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online gần như không có tác dụng đối với mục đích giảm việc chơi game của người dùng, nhất là 99% game online hiện nay theo mô hình chơi không phải trả tiền. Việc tác động đến hành vi chơi sẽ chủ yếu nằm ở việc quản lý kho ứng dụng Google và Apple. Thêm vào đó, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online có thể tạo ra tác dụng “định hướng tiêu dùng ngược”, thay vì khuyến khích người dùng chơi game online hợp pháp. Tuy nhiên, vì chi phí chơi game online hợp pháp sẽ tăng cao do phải chịu mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, người dùng sẽ chuyển sang chơi game online không phép, game phát hành xuyên biên giới và hiện là vấn đề nan giải về quản lý nội dung.

Một khía cạnh khác của tác dụng ngược từ phía các đơn vị phát hành là, các đơn vị là chủ sở hữu game online thay vì lựa chọn hợp tác với nhà phát hành Việt Nam để phát hành hợp pháp tại Việt Nam, thì sẽ ưu tiên lựa chọn phát hành xuyên biên giới để tránh bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt và như thế cơ quan quản lý vừa không thu được thuế vừa không quản lý được nội dung game.


Bà Nguyễn Thùy Dung- Giám đốc Công ty Soha Game.

Cùng chung nhận định trên, bà Nguyễn Thùy Dung- Giám đốc Công ty Soha Game, trên thị trường hiện nay đang tồn tại  các trò chơi được Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định cấp phép, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các trò chơi không phép do các nhà phát triển nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới.

Bà Nguyễn Thùy Dung nhận định, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có thể được triển khai đối với các trò chơi có phép thông qua doanh nghiệp trong nước, làm tăng chi phí sử dụng dịch vụ do người dùng chi trả, triệt tiêu sức cạnh tranh của các trò chơi có phép. Nhu cầu giải trí của con người không bao giờ mất đi, mà sẽ dịch chuyển sang các khu vực khác có chi phí sử dụng thấp hơn. Nếu như chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng, người dùng dịch chuyển sang sử dụng các trò chơi không phép do chi phí tiêu dùng thấp, doanh nghiệp trong nước đang kinh doanh trò chơi có phép sẽ có nguy cơ giảm mạnh doanh thu, giải thể và phá sản. Như vậy, chính sách này đang gián tiếp khuyến khích người dùng sử dụng trò chơi không phép qua biên giới.


 Ông Nguyễn Xuân Cường - Chủ tịch Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam.

Với những bất cập trên, ông Nguyễn Xuân Cường - Chủ tịch Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam nêu quan điểm: Các doanh nghiệp phát triển game triển khai tại Việt Nam phải tuân thủ nhiều thủ tục hành chính, giấy phép, nghĩa vụ nộp thuế (VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà thầu). Tuy nhiên theo ông Nguyễn Xuân Cường, hiện chúng ta chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu để quản lý các dịch vụ xuyên biên giới nên cần phải có biện pháp kịp thời./.

Bích Lan