BỔ SUNG "QUY ĐỊNH THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KHÔNG PHÁT SINH TỪ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT ĐAI"
Dự thảo Luật bổ sung quy định một số loại đất được sử dụng kết hợp với mục đích khác nhằm phát huy nguồn lực, tiềm năng đất đai, phù hợp với thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế...
Theo đó, tại Điều 209 - Đất sử dụng đa mục đích là đất được sử dụng kết hợp vào nhiều mục đích khác để làm tăng hiệu quả sử dụng đất, bao gồm: Đất sử dụng hỗn hợp là đất được Nhà nước cho phép sử dụng vào hai mục đích trở lên mà không thể phân định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích trên thực địa; Đất sử dụng kết hợp là đất được Nhà nước cho phép sử dụng vào nhiều mục đích mà có thể phân định được ranh giới rõ ràng giữa các mục đích trên thực địa.
Việc sử dụng đất đa mục đích đảm bảo nguyên các: Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; Không làm thay đổi mục đích sử dụng đất chính; Không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường; Không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề; Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định; Phải tuân thủ các pháp luật chuyên ngành.
Mục đích sử dụng đất chính được xác định theo quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Ths. Phan Văn Lâm, Trưởng Ban biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển
Tán thành việc luật hóa quy định về đất sử dụng đa mục đích, Ths. Phan Văn Lâm, Trưởng Ban biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển cho rằng, ghi nhận loại đất đa mục đích là một trong các cách thức xây dựng luật mang tính linh hoạt, đảm bảo tính phủ rộng của pháp luật đối với các quan hệ đất đai phát sinh có xu hướng ngày càng đa dạng trong đời sống kinh tế xã hội. Sự ghi nhận này cũng đảm bảo tính phù hợp và thích ứng của pháp luật đất đai, giảm bớt tính “lạc hậu hơn” của pháp luật đối với thực tại xã hội.
Đồng thời, luật hóa đất sử dụng đa mục đích để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các chủ thể sử dụng đất. Đây cũng chính là nút thắt trong phát triển các khu đô thị hiện nay. Ngoài ra, cũng chính là sự gợi mở chi tiết trong quản lý nhà nước về đất đai để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bởi sự hoàn thiện của pháp luật đất đai. Ngược lại nếu Việt Nam không có khung pháp lý đầy đủ sẽ không có các nhà đầu tư lớn và bài bản tham gia phát triển đô thị. Những khoảng trống trong quy định mục đích phụ của đất đai sử dụng đa mục đích như tài chính, căn cứ, thời hạn sử dụng…là những vấn đề cơ bản cần có.
Ths. Phan Văn Lâm cũng lưu ý, xét ở khía cạnh hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất đai thì ghi nhận chính thức đối với đất sử dụng đa mục đích là một trong những yếu tố góp phần tạo thuận lợi và linh hoạt trong công tác quản lý đất đai, là cơ hội để phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của mỗi loại đất, mỗi vùng, miền, khu vực. Đối với người sử dụng đất, quy định chính thức đất sử dụng đa mục đích sẽ kích thích và thu hút có hiệu quả các nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước ngoài, thích ứng và phúc đáp tốt nhu cầu đa dạng của các chủ thể sử dụng đất. Do đó, sau khi luật được thông qua cần sớm có nghị định hướng dẫn chi tiết liên quan đến đất sử dụng đa mục đích.
Nêu quan điểm về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Đại học Luật Hà Nội cũng cho rằng, nếu quy định đất sử dụng đa mục đích sẽ có cơ chế pháp lý điều tiết nguồn thu rất cụ thể rõ ràng. Tránh tình trạng việc đánh đồng giữa đất với mục đích chính là nông nghiệp, nhưng lợi nhuận thực tế được tạo ra lại rất lớn. Từ đó, có căn cứ/cơ sở để có thể giải quyết được những tồn tại lịch sử, tận dụng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Luật sư Hoàng Văn Việt – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội
Quan tâm tới quy định tại dự thảo, Luật sư Hoàng Văn Việt – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội cho rằng, việc luật hóa đất sử dụng đa mục đích tại Luật sửa đổi lần này là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, để việc áp dụng, thực thi được thuận lợi, khả thi luật sư cho rằng, cần làm rõ hơn về khái niệm đất sử dụng đa mục đích. Bên cạnh đó, nghiên cứu, rà soát, bổ sung thêm về đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất dự án du lịch cố yếu tố tâm linh.... Từ đó, có quy định cụ thể các loại đất có thể kết hợp mục đích sử dụng và các nội dung này trong các điều về đất sử dụng đa mục đích.
Để thể chế rõ hơn Nghị quyết 18 về việc: "Bổ sung các quy định về đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh", luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội cũng kiến nghị, cần có quy định cụ thể đối với đất sử dụng đa mục đích về phương pháp xác định nghĩa vụ tài chính đối với chủ sử dụng đất cả trong trường hợp là đất sử dụng hỗn hợp và đất sử dụng kết hợp; các loại đất có thể kết hợp mục đích sử dụng; … Đồng thời, cũng cần bổ sung quy định rõ hơn về chế độ sử dụng đất thương mại, dịch vụ được kết hợp với đất công trình sự nghiệp để tiến hành cho thuê, khai thác bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật./.