GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA: NHIỀU GIÁO VIÊN LỚN TUỔI, HẠN CHẾ TRONG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Bước đầu thu được kết quả tích cực
Báo cáo Đoàn giám sát, UBND huyện Ba Vì cho biết, những năm gần đây quy mô, mạng lưới trường lớp phát triển ổn định. Giáo dục huyện Ba Vì hiện có 120 trường từ cấp mầm non đến THPT và 1 Trung tâm GDNN-GDTX, với 2.358 lớp, 76.359 học sinh; 5.725 cán bộ giáo viên, 2.281 phòng học.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ phát biểu tại cuộc làm việc
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, thành phố, UBND huyện Ba Vì đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới: Quyết định số 3444/QĐ-UBND ngày 20.12.2019 về việc thành lập Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa của huyện; Kế hoạch số 301/KH-UBND ngày 20.12.2019 về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện; Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 18.5.2022 về tổ chức bồi dưỡng đại trà Chương trình giáo dục phổ thông mới cho cán bộ quản lý, giáo viên năm 2022; ban hành, triển khai Kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện... Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận của ngành và toàn xã hội để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
UBND huyện Ba Vì cho rằng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp. Các nhà trường trên địa bàn huyện đã nghiêm túc triển khai thực hiện theo sự chỉ đạo của các cấp do vậy việc triển khai chương trình bước đầu đã thu được kết quả tích cực.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, dù huyện còn nhiều khó khăn, nhưng giáo dục luôn được quan tâm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chương trình sách giáo khoa mới được thực hiện từ sớm
Việc lựa chọn sách giáo khoa được tiến hành thuận lợi, công khai, minh bạch, lựa chọn đầu sách đáp ứng các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Về điều kiện bảo đảm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, UBND huyện Ba Vì cho biết, hiện nay, toàn huyện có 2.750 cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông (cấp Tiểu học có 1.216 người; đạt trình độ đào tạo chuẩn, trên chuẩn 79,2%; cấp THCS có 1.008 người, đạt trình độ đào tạo chuẩn, trên chuẩn 92,65%, cấp THPT: 526 người, 87,5% đạt chuẩn, trên chuẩn). Đội ngũ cơ bản đáp ứng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Thành phố, UBND huyện Ba Vì đã tích cực triển khai việc xây mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống trường học, lớp học; mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Từ năm 2021 - 2022 có 48 dự án trường học được đầu tư xây mới, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa gắn với nông thôn mới.
Nâng cao chất lượng đội ngũ là sức ép lớn
Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo huyện Ba Vì vẫn còn khó khăn. Đội ngũ thừa, thiếu cục bộ ảnh hưởng đến việc dạy học. Nguồn kinh phí đầu tư còn ít nên chưa bảo đảm đầy đủ trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu của chương trình mới. Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu đòi hỏi kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ của giáo viên cao hơn. Do đó, nâng cao hơn chất lượng đội ngũ là sức ép rất lớn.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, các nhà trường, giáo viên chủ động lựa chọn sách giáo khoa, từ đó chủ động và linh hoạt trong công tác giảng dạy
UBND huyện Ba Vì đề nghị Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; đề nghị Chính phủ có chính sách cải thiện lương của nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường chỉ đạo tập huấn bồi dưỡng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tập trung vào các nội dung như phương pháp dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học, kiểm tra đánh giá.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường Đại học Sư phạm có kế hoạch đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đề xuất Bộ Nội vụ xem xét ban hành cơ cấu định mức giáo viên theo bộ môn để các địa phương xây dựng Kế hoạch tuyển dụng viên chức cũng như Kế hoạch cử đi đào tạo bồi dưỡng hàng năm…
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, giám sát là cơ hội để ngành báo cáo thật đúng, thật rõ để Quốc hội thấy được những gì ngành đang làm và những khó khăn, vướng mắc, từ đó có giải pháp, chính sách thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt nhất
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đánh giá cao công tác xây dựng văn bản hướng dẫn, triển khai của Ba Vì, thể hiện sự quan tâm trong hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Từ đó, kết quả thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đạt được trong thời gian qua khá cao. Nhằm nhận diện cái được và chưa được, bất cập và khó khăn để tháo gỡ, nhiều ý kiến cũng tập trung trao đổi các vấn đề về bồi dưỡng, tập huấn, chuẩn bị tâm thế cho giáo viên và học sinh khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; việc chọn sách giáo khoa, cấp sách miễn phí cho học sinh đồng bào dân tộc, cho học sinh gia đình khó khăn; vấn đề thừa – thiếu cục bộ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, việc thực hiện phân luồng, chi thường xuyên và chi đầu tư trong lĩnh vực giáo dục…
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự tâm huyết, trách nhiệm của ban giám hiệu các trường và thầy cô giáo; tinh thần hứng khởi của học sinh tại huyện Ba Vì đón nhận chương trình mới. Đề nghị địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên, phát huy vai trò chủ động, trao quyền tự chủ cho các trường, thầy cô giáo; tăng cường truyền thông để xã hội không còn e ngại khi thực hiện chương trình mới...