PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

08/03/2023

Sáng 8/3, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo. Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và đồng chủ trì Hội thảo.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ HỘI THẢO LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Hội thảo

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân và Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công điều hành nội dung thảo luận.

Cùng dự Hội thảo có: Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thuý Ngần, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy; lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo đơn vị trực thuộc Bộ; các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp ở Hà Nội và các địa phương cùng các chuyên gia kinh tế, luật sư.

Cần giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Yêu cầu đặt ra là sửa đổi toàn diện Luật để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, khắc phục được những bất cập của Luật sau 10 năm thực hiện; tháo gỡ bằng được những khó khăn vướng mắc cản trở sự phát triển của đất nước, bịt các lỗ hổng gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật được tiến hành bài bản, công phu với tinh thần vào cuộc từ sớm từ xa của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; có kế hoạch, lộ trình cụ thể, xác định các vấn đề trọng tâm trọng điểm, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm và đang tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; để bảo đảm thận trọng kỹ lưỡng dự thảo Luật dự kiến thông qua 3 kỳ họp Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất.

Hoan nghênh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cảm ơn và trân trọng các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, chất lượng của các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học; rất nhiều ý kiến góp ý chuyên sâu, cụ thể, có tính thực tiễn và phản biện cao đặc biệt là các quy định của Luật Đất đai liên quan đến sản xuất, kinh doanh đến hoạt động của các doanh nghiệp; các ý kiến này là những đóng góp quan trọng để Chính phủ hoàn thiện dự thảo luật, các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra và các ĐBQH nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật.

Về các vấn đề cụ thể được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất như các trường hợp Nhà nước thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trường hợp thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nguyên tắc, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân đồng thuận, giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.

Đồng thời nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng các quy định về tài chính đất đai, giá đất, các hình thức giao đất, cho thuê đất (giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, cho thuê đất trả tiền hàng năm)…

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, việc lấy ý kiến dự án Luật Đất đai lần này thể hiện tâm huyết của các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia dành cho Luật Đất đai. Dự thảo lần này không chỉ là sản phẩm của cơ quan trình, mà còn là sản phẩm của Quốc hội, Chính phủ, và tập hợp trí tuệ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các doanh nghiệp. Cho rằng đây là sản phẩm chung, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cần gọt giũa, nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo Luật, quá trình soạn thảo cần các ý kiến góp ý nghiêm túc, mang tính khả thi của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quản lý đất đai phải đảm báo tính ổn định, có sự điều tiết của Nhà nước, đồng thời phải giải quyết hài hoà việc định giá đất giữa các địa phương trong cả nước và giữa các dự án. với nhau.

Nhấn mạnh các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ đều cần nghiên cứu Luật Đất đai liên quan đến các vấn đề nổi cộm khác nhau, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn các ý kiến đóng góp trực tiếp vào từng điều, khoản, mục của dự thảo, cần làm rõ điều kiện thuận lợi để tất cả các doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách công bằng, sử dụng và khai thác hiệu quả, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do vậy, Hội thảo lần này cũng cần lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có thể tiếp cận Luật Đất đai và định hướng phát triển cho mình.

Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các hình thức tiếp cận đất đai cần phải đảm bảo hợp lý, nhanh, hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch. Đồng thời cần nghiên cứu kỹ để các hình thức tiếp cận đất đai không mag tính hình thức, tránh hệ quả và các rủi ro.

Liên quan đến tài chính đất đai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, mấu chốt là phương pháp định giá. “Nếu định giá đất đai không chính xác thì sẽ xảy ra nhiều vấn đề. Phương pháp định giá đất gồm 5 phương pháp. Nếu không rõ ràng, chính xác về giá đất đai, phản ánh quy luật thị trường một cách bình thường thì sẽ không bao giờ có giá đúng”, Phó Thủ tướng phân tích. Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quản lý đất đai phải đảm báo tính ổn định, có sự điều tiết của Nhà nước, đồng thời phải giải quyết hài hoà việc định giá đất giữa các địa phương trong cả nước và giữa các dự án. với nhau.

Với tư cách là cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm trước người dân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Nhà nước phải định giá, quyết định việc chuyển dịch đất đai, định hướng để trong quá trình chuyển dịch thì những doanh nghiệp phát triển dự án và những người dân bị thu hồi đất đều có lợi. Do vậy, dự thảo Luật cũng cần phải lượng hóa, có tiêu chí cụ thể về cơ sở hạ tầng, chỗ ở, sinh kế, an sinh xã hội, thiết chế văn hóa… để người dân tái định cư có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ.

Dự thảo Luật chưa phân định rõ các loại đất bị thu hồi và bồi thường

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn cầu.

Góp ý vào dự thảo Luật, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn cầu cho rằng, dự thảo chưa phân định rõ rệt giữa các loại đất bị thu hồi và bồi thường trong các điều khoản của Chương 7, đây cũng là vấn đề bức xúc và được nhiều người dân quan tâm. Do đó, đề nghị Điều 170 cần xác định rõ đền bù hoa màu cụ thể là bao nhiêu. Khung giá đền bù do chính quyền địa phương cấp huyện phê duyệt. Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, cần để người dân hiểu trong Luật là đền bù hoa màu và Nhà nước thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thuận lợi.

Đồng thời đề nghị cần làm rõ điều kiện chuyển tiếp (Điều 2234c), tức là làm rõ những dự án nào đã có phương án đền bù giải phóng mặt bằng và đã có thống nhất do UBND tỉnh quyết định thì cần được thực hiện nghiêm chỉnh.

Đối với đất ở và đất thương mại dịch vụ khi thu hồi, ông Nguyễn Quốc Hiệp đề nghị cần thống nhất đền bù thoả đáng theo phương án bồi thường do chính quyền quyết định, đảm bảo cho đời sống của người dân không bị thua thiệt nhưng cần làm rõ: giá đền bù phải được thực hiện theo đúng phương án giá đền bù đã được phê duyệt, không thể thực hiện bằng phương pháp tự thoả thuận giữa từng hộ gia đình với chủ đầu tư. Theo kinh nghiệm về bất động sản, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp không thể tự thoả thuận với người dân về giải phóng mặt bằng, vì vậy đề nghị Ban san soạn thảo cân nhắc, xem xét vấn đề này.

Có ý kiến đề nghị cần tăng cường kiểm soát, quản lý đối với đất giáo dục. Đồng thời nên giảm bớt các thủ tục hành chính cho việc tiếp cận đất, xây dựng trường học, xây dựng chính sách ưu đãi đối với đất giáo dục.

Cần bổ sung định nghĩa liên quan đến giá đất

Quan tâm đến vấn đề tài chính đất đai, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, vấn đề tài chính đất đai đã có nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: Bỏ khung giá đất, hướng tới việc định giá đất phù hợp với quy luật của thị trường; bổ sung các khoản thu tài chính từ đất… Tuy nhiên, Cấn Văn Lực cho rằng, vẫn còn nhiều nội dung còn chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đảm bảo tính thống nhất, khoa học. Đồng thời khẳng định, đây là nội dung quan trọng nhất, liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan.

Vì vậy, TS. Cấn Văn Lực đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung đinh nghĩa liên quan đến giá đất, ví dụ như định nghĩa giá đất phổ biến trên thị trường, thửa đất chuẩn, giá đất cụ thể… cần đinh nghĩa rõ ràng hơn trong dự thảo vì hiện dự thảo Luật chưa nêu.

Về nguồn thu từ đất, dùng nguồn thu đó để tái định cư, phương pháp định giá đất. giao chính phủ quy định cụ thể. TS. Cấn Văn Lực đề nghị nên nghiên cứu để Chính phủ quy định chi tiết về phương pháp định giá đất, dự thảo Luật nên giới hạn số lượng, phương pháp về định giá đất. Cho rằng dự thảo hiện có 5 phương pháp định giá đất là nhiều và khó chọn, TS. Cấn Văn Lực đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và có thể áp dung 3 phương pháp định giá đất (phương pháp so sánh trực tiếp; hệ số điều chỉnh; phương pháp định lượng hồi quy Hedonic)..../.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các hình thức tiếp cận đất đai cần phải đảm bảo hợp lý, nhanh, hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch. Đồng thời cần nghiên cứu kỹ để các hình thức tiếp cận đất đai không mag tính hình thức, tránh hệ quả và các rủi ro.​

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân điều hành nội dung thảo luận.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

TS. Cấn Văn Lực đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung đinh nghĩa liên quan đến giá đất, ví dụ như định nghĩa giá đất phổ biến trên thị trường, thửa đất chuẩn, giá đất cụ thể… cần đinh nghĩa rõ ràng hơn trong dự thảo vì hiện dự thảo Luật chưa nêu.

Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu,Tổng Giám độc Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh góp ý vào dự thảo Luật.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Bà Trương Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG góp ý về vấn đề giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế góp ý tại Hội thảo

Ông Phạm Hồng Điệp - Đoàn Luật sư Tp.Hải Phòng góp ý về nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ; chế độ sử dụng đất trong các khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Đỉnh - Hiệp hội Bất động sản Việt Nam góp ý về nội dung thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

GS.TS Nguyễn Văn Đệ - Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTTQ Việt Nam trình bày về những tác động thực tế của Luật Đất đai đối với lĩnh vực đầu tư các dự án bệnh viện tư nhân.

Ông Đinh Dũng Sỹ cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức