TÍNH TIÊN PHONG VÀ THỜI ĐẠI CỦA ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM 1943

07/03/2023

Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 được ví như tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa và cách mạng, có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho cách mạng Việt Nam, nhất là lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Gần một thế kỷ từ ngày ra đời, thực tiễn lịch sử đã chứng minh tính thời đại, tính tiên phong của tầm nhìn chiến lược về quá trình vận động, phát triển nền văn hóa mới Việt Nam.

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CẦN KẾ THỪA, HOÀN THIỆN CÁC NGUYÊN TẮC CỦA ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM PHÙ HỢP VỚI TỪNG GIAI ĐOẠN

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM NĂM 1943 - ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY NGUỒN LỰC NỘI SINH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, những nguyên tắc cơ bản của Đề cương vẫn vẹn nguyên giá trị

Đảng đoàn Quốc hội vừa ban hành Kế hoạch số 1401-KH/ĐĐQH15 về Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương văn hóa Việt Nam” (1943-2023). Các hoạt động kỷ niệm nhằm tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”; sự phát triển các nội dung cốt lõi của Đề cương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới hiện nay; qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt của văn hóa – văn nghệ, đề cao nghĩa vụ và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển con người Việt Nam thời đại mới và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

80 năm đã qua kể từ khi Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, những nguyên tắc cơ bản của Đề cương vẫn vẹn nguyên giá trị. Theo PGS. TS Phạm Xuân Thạch, nhắc đến Đề cương về văn hóa Việt Nam, không thể không nhắc đến ba nguyên tắc quan trọng được nêu trong văn kiện này: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng), Khoa học hóa (chống lại tất cả những gì khiến cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).

Tuy vậy, đứng từ góc nhìn lịch sử thì những vấn đề này đã xuất hiện trong đời sống văn hóa Việt Nam từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Trong những tôn chỉ của Tự lực văn đoàn công bố giữa năm 1933, những người thành lập văn phái này nhấn mạnh chủ trương làm một thứ văn chương “theo chủ nghĩa bình dân”, “ca tụng những nét hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả, quý phái”. Đồng thời, Tự lực văn đoàn cũng coi việc “đem khoa học thái Tây ứng dụng vào văn chương Annam” là một trong những tôn chỉ của mình. Điều đó cho thấy dưới hình thức các khái niệm “bình dân”, “nước” và “khoa học thái Tây”, vấn đề “dân tộc”, “khoa học” và “đại chúng” cũng đã được những người chủ trương Tự lực văn đoàn dự cảm.

Và Đề cương về văn hóa Việt Nam cũng không phải là bản cương lĩnh văn hóa duy nhất ở Việt Nam những năm 1940. Tháng 7/1945, Trương Tửu, linh hồn của nhóm Hàn Thuyên cũng biên soạn Tương lai văn nghệ Việt Nam, một tập sách dày 100 trang, xuất bản vào tháng 9.1945 trong khuôn khổ tủ sách Văn mới của nhà Hàn Thuyên. Trong Tương lai văn nghệ Việt Nam, Trương Tửu nhấn mạnh bốn yếu tính của “tân văn nghệ”: yếu tính “cách mạng” (“sát nhập tình cảm vào cái mối bất bình lớn lao của phần đông nhân loại với xã hội hiện có”), “xã hội chủ nghĩa” (phải thể hiện được “tiếng gọi lên đường xã hội chủ nghĩa”), “đại chúng” (“đi vào đại chúng, sát cánh với đại chúng”) và “khoa học” (mang “tinh thần thực nghiệm, tinh thần biện chứng, tinh thần duy vật”, “phải biết vận dụng khéo léo phương pháp khoa học trong sự tìm hiểu và sáng tạo”). Tưởng cũng không nên quên rằng Hàn Thuyên là nơi xuất bản công trình lý luận văn học Mác xít đầu tiên của Việt Nam - Văn học khái luận của Đặng Thai Mai – và những tranh luận với tác giả Tương lai văn nghệ Việt Nam cũng là cuộc đấu tranh tư tưởng đầu tiên diễn ra sau Cách mạng Tháng Tám trên tờ Tiên phong, cơ quan ngôn luận của Hội văn hóa cứu quốc.

Theo PGS. TS Phạm Xuân Thạch, nhắc đến Đề cương về văn hóa Việt Nam, không thể không nhắc đến ba nguyên tắc quan trọng được nêu trong văn kiện này: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng), Khoa học hóa (chống lại tất cả những gì khiến cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ) (người viết nhấn mạnh)

Nhắc lại những sự kiện trên, chúng ta càng thấy rõ một điều, đó là, nhu cầu cần có một nền văn hóa mới, mang tinh thần hiện đại, tiếp nhận được những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, hướng đến đại chúng là một nhu cầu tất yếu mang tính thời đại. Được đặt ra từ đầu thế kỷ 20 với những khẩu hiệu về “quốc văn”, “quốc học”, “quốc hồn”,… chỉ đến những năm 30 của thế kỷ trước, khi xã hội Việt Nam đã mạnh mẽ chuyển mình theo hướng hiện đại và đặc biệt, với sự xuất hiện của một lớp trí thức vừa có căn bản văn hóa truyền thống, vừa tiếp nhận văn hóa phương Tây, thì những đường hướng của nền văn hóa mới mới thực sự định hình. Những hình dung về “dân tộc hóa”, “khoa học hóa” và “đại chúng hóa” của Đề cương văn hóa Việt Nam phản ánh chính tinh thần thời đại, nhu cầu thời đại, sự vận động có tính tất yếu của thời đại những năm 30, 40 của thế kỷ trước. Cũng cần phải nói thêm là dù không nói đến “dân tộc hóa” nhưng những người viết Tương lai văn nghệ Việt Nam cũng nêu rõ: “Tân văn hóa phải có ba đặc tính: 1. Chống lại phong kiến và tư bản (tức là cách mạng phản đế). 2. Đại chúng hóa. 3. Xã hội chủ nghĩa. Trong cái đặc tính thứ ba này đã gói ghém cả hai tính cách dân tộc giải phóng và khoa học hóa rồi”.

Dẫu vậy, bên cạnh tinh thần thời đại, có thể khẳng định, Đề cương về văn hóa Việt Nam là cương lĩnh văn hóa mang tính tiên phong nhất của Việt Nam lúc bấy giờ. Tính tiên phong đó trước hết thể hiện ở tính toàn diện và triệt để của bản Đề cương. Tự lực văn đoàn và nhiều nhóm trí thức, văn nghệ sĩ lúc bấy giờ thường chỉ giới hạn văn hóa trong địa hạt của văn nghệ nhưng với Đề cương về văn hóa Việt Nam, vấn đề văn hóa được Đảng nhìn trong một tổng thể “bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”, trong tổng thể mối quan hệ giữa hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc, giữa cách mạng văn hóa và cách mạng chính trị. Hơn thế nữa, Đề cương là một cương lĩnh mang tính hành động khi chỉ ra được những nguy cơ cụ thể của văn hóa Việt Nam lúc đó (chủ nghĩa Sô vanh; khuynh hướng cực đoan Trốtkit cùng những khuynh hướng bảo thủ, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm…) và những cuộc đấu tranh cụ thể mà người làm văn hóa phải đảm đương để xây dựng nền văn hóa mới. Đề cương về văn hóa Việt Nam không tư biện như Tương lai văn nghệ Việt Nam mà là một chương trình mang tính hành động và quan trọng hơn hết, đó là một sự phát triển về chất so với tất cả những cương lĩnh văn hóa cùng thời. Dù có những thời điểm xung đột về tư tưởng rất gay gắt nhưng trong quan niệm của những người chủ trương Tự lực văn đoàn và những người chủ trương Hàn Thuyên, có một điểm chung: Chủ nghĩa cá nhân. Tuyên ngôn của nhà Tự lực dành một điều để nhấn mạnh “trọng tự do cá nhân” và khẳng định thành viên của Tự lực “theo một trong chín điều này cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác”. Còn với Trương Tửu, dù là một nhà Mác xít nhưng ông vẫn khẳng định “công trình sáng tạo văn nghệ không chịu được sự chỉ huy nào ngoài sự chỉ huy của chính kẻ sáng tạo. Nó đòi hỏi sự tự do tuyệt đối của nghệ sĩ”. Đề cương về văn hóa Việt Nam mang một sự khác biệt về chất so với những quan điểm mang tính dân chủ tư sản về văn hóa đó. Đề cương khẳng định “mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận mà người cộng sản phải hoạt động” và “nhiệm vụ cần kíp của những nhà làm văn hóa” là “thống nhất mọi hoạt động văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng vô sản mác xít”. Có thể nói, đây là hạt nhân quan trọng nhất quyết định giá trị của bản Đề cương với tư cách một cương lĩnh hành động và là kim chỉ nam trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sau năm 1945.

Thực tiễn lịch sử suốt hai thế kỷ vừa qua đã chứng minh tính đúng đắn của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công và sau đó không lâu, Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, có một thực tế đầy xúc động đã diễn ra: Đại bộ phận văn nghệ sĩ, trí thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều khuynh hướng sáng tác khác nhau, thậm chí, đối lập nhau trước năm 1945 đều tình nguyện đi theo tiếng gọi của Đảng cộng sản để trở thành những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ và đa phần, kiên định đi theo con đường đó đến hơi thở cuối cùng, bất chấp những sóng gió của thời cuộc đôi khi đẩy người nghệ sĩ đến những thử thách vô cùng nghiệt ngã.

PGS. TS Phạm Xuân Thạch cho rằng, thành công lớn lao đó của Đảng về văn hóa văn nghệ, một phần quan trọng, do tính tiên phong và tính đúng đắn của bản Đề cương. Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua vai trò của công tác tổ chức các đoàn thể với một cơ quan vô cùng quan trọng có sự góp mặt của những văn nghệ sĩ, trí thức hàng đầu Việt Nam lúc bấy giờ: Hội văn hóa cứu quốc. Điều đó cũng cho thấy một bài học xương máu đó là một cương lĩnh chính trị, dù tiến bộ và đúng đắn đến mấy cũng chỉ có thể thành công nếu được triển khai bằng một chương trình hành động hiệu quả, phát huy được trí tuệ của toàn dân tộc, một bài học mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, những nguyên tắc cơ bản của Đề cương vẫn vẹn nguyên giá trị. Như nhiều văn kiện của Đảng đã khẳng định, một dân tộc chỉ có thể tồn tại bền vững và độc lập khi đặt nền tảng trên nền văn hóa mang tinh thần dân tộc, hấp thu được những thành tựu tiến bộ của nhân loại (tinh thần khoa học) và hướng đến đại đa số nhân dân (đại chúng). Nếu như tinh thần khoa học thể hiện tính tiến bộ của bản Đề cương thì tinh dân tộc và tinh thần đại chúng thể hiện tính nhân bản của văn kiện khi mà nó đề cao sự bình đẳng, quyền tự quyết, quyền độc lập về văn hóa của dân tộc và quyền được hưởng thụ văn hóa của từng cá nhân trong xã hội.

Tất nhiên, lịch sử cũng cho thấy trong hoàn cảnh ngày nay, cần có một cái nhìn mới trong việc tiếp cận những giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Trước hết, Đề cương ra đời trong hoàn cảnh cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc và khẳng định vị trí lãnh đạo của Đảng cộng sản đang diễn ra vô cùng khó khăn. Những năm 30 của thế kỷ trước, những trí thức yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng vẫn thể hiện một cái nhìn có phần ác cảm với chủ nghĩa Mác trên báo Tiếng dân. Tình thế đó khiến tinh thần tranh đấu, từ tranh đấu về học thuyết, tư tưởng đến tông phái văn nghệ được thể hiện rất đậm nét trong bản đề cương. Trong những đối tượng tranh đấu đó, không ít “học thuyết, tư tưởng”, “tông phái văn nghệ” chứa đựng những giá trị quan trọng của nhân loại: Triết học Khổng giáo, triết học phê phán và lý tính của Descartes, triết học cổ điển của Kant, thuyết trực giác của Bergson hay chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng. Trong thời đại ngày nay, bên cạnh việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của chế độ, đấu tranh chống các tư tưởng sai trái thì việc tìm hiểu có hệ thống, đối thoại, tiếp thu thành tựu của những khuynh hướng tư tưởng, nghệ thuật phi Mác xít và trước Mác xít trên một tinh thần khoan dung và biện chứng lịch sử đã trở thành một yêu cầu quan trọng. Có như vậy, chúng ta mới có thể có được những kiến giải mới mang tinh thần thời đại, tiến bộ của chủ nghĩa Mác trong hoàn cảnh hiện nay, điều mà chính Đề cương đã khẳng định về tinh thần “khoa học hóa”.

Bên cạnh đó, cũng cần có một hình dung mới về tinh thần “đại chúng hóa” của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Đúng như Trương Tửu đã viết trong Tương lai văn nghệ Việt Nam, “lẽ sống của chúng ta - của văn nghệ là đi vào đại chúng, sát cánh với đại chúng trong cuộc chiến đấu xã hội và nâng cao (chúng tôi nhấn mạnh) ý thức xã hội chủ nghĩa trong tâm hồn đại chúng”. Đó cũng chính là những điều làm Tô Ngọc Vân thao thức trong Kháng chiến chống Pháp. Đối với ông, đại chúng hóa không chỉ là hướng nghệ thật về với số đông công chúng mà còn có cả vấn đề nâng cao trình độ văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Một nền văn hóa bỏ qua tính đại chúng sẽ là để mặc thị hiếu của Nhân dân cho những sản phẩm văn hóa kém chất lượng xâm chiếm (điều chúng ta đang được chứng kiến rất nhiều biểu hiện ngày nay) nhưng “đại chúng hóa” một cách bền vững không thể tách rời vấn đề phổ cập giáo dục thẩm mỹ và văn hóa, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao trình độ hưởng thụ thẩm mỹ của công chúng.

Gần một thế kỷ từ ngày ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, lịch sử với tất cả những vinh quang và cay đắng của nó nhắc chúng ta rằng những bài học lịch sử càng giá trị càng phải được ôn lại trong một tinh thần lý tính và biện chứng để quá khứ luôn là một dự trữ đầy giá trị cho hiện tại.

Thu Phương

Các bài viết khác