DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI) CẦN CHUẨN HÓA CÁC TIÊU CHUẨN VỀ NƯỚC THẢI CÔNG NGHIỆP

07/03/2023

Dự kiến sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu quan tâm, đóng góp ý kiến. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần áp dụng khoa học hiện đại để đưa ra một bảng quy chuẩn chính xác về nước thải công nghiệp, hoàn thiện các quy định về đánh giá công nghệ thân thiện với môi trường.

SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC: ĐẢM BẢO QUYỀN KHAI THÁC SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC CỦA CÁC NHÂN, TỔ CHỨC

Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước

Tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Hiện nay, dự án Luật đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp trong ngành cũng như cử tri cả nước. Đã 10 năm kể từ khi Luật Tài nguyên Nước năm 2012 chính thức có hiệu lực, việc triển khai thực hiện Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; từ đó nguồn tài nguyên này đã được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên nước để phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khiến chất lượng tài nguyên nước suy giảm, đặt ra nhiều thách thức lớn. Bên cạnh đó, có nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia. Một số nội dung của Luật Tài nguyên nước năm 2012 thực thi chưa hiệu quả, khó khăn khi triển khai trên thực tế do có sự giao thoa với pháp luật khác và giao thoa trong quá trình tổ chức thực hiện; tài nguyên nước chưa được quản lý tổng hợp, thống nhất... Từ thực tế đó, đòi hỏi cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước năm 2012.

Cho ý kiến về dự án Luật này, TS.Trần Thiện Cường, Phó trưởng Khoa Môi trường (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng một số chuyên gia cho rằng, luật cần lưu ý đến khái niệm “sức tải môi trường”. Theo đó, sức chịu tải môi trường là giới hạn cho phép của môi trường có thể chấp nhận và hấp thụ các tác động lên môi trường và các chất gây ô nhiễm mà không làm ảnh hưởng đến tiêu chuẩn chất lượng môi trường, môi trường vẫn đáp ứng được các yêu cầu chất lượng cho những mục đích phục vụ sản xuất và đời sống.

Theo các chuyên gia, việc đánh giá sức chịu tải của nguồn nước của nguồn nước cần tuân thủ các nguyên tắc: đảm bảo tính hệ thống theo lưu vực; đối với nguồn nước là song phải được phân thành từng đoạn sông để đánh giá; phải dựa trên đặc điểm mục đích sử dụng, khả năng tự làm sạch của nguồn nước, quy mô và tính chất của các nguồn nước thải hiện tại và theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; việc đánh giá sức chịu tải được thực hiện đối với từng thông số ô nhiễm

Bên cạnh đó, việc đánh giá cần đảm bảo tính hệ thống trong phân đoạn sông, xác định mục đích sử dụng nước, phương pháp xác định lưu lượng dòng chảy, thông số chất lượng nước (nước thải và nước mặt nguồn tiếp nhận), thông số ô nhiễm của nguồn thải để đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải đối với từng đoạn sông phải bảo đảm tính hệ thống theo từng sông, hệ thống sông. Mục đích sử dụng nước của thủy vựcc cần căn cứ quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp đoạn sông, hồ có nhiều mục đích sử dụng nước thì lựa chọn mục đích sử dụng nước có yêu cầu về chất lượng nước cao nhất.

ThS. Nguyễn Thị Hạnh, Trường Đại học Luật, Đại học Huế

Cũng quan tâm đến dự án luật này, ThS. Nguyễn Thị Hạnh, Trường Đại học Luật, Đại học Huế cùng một số nhà nghiên cứu cho rằng, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về phân công trách nhiệm về quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Theo các chuyên gia, hiện nay các quy định về phân công trách nhiệm này còn nhiều bất cập. Mặc dù theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước chính phủ trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước nhưng các quy định đó không làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc giúp chính phủ. Mặt khác không quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành khác, Ủy ban nhân dân các cấp cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khi thực hiện các hoạt động. Vì vậy, cần phải sửa đổi luật theo hướng quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan, Bộ, ngành khác trong quá trình phối hợp thực hiện theo hướng cụ thể hơn.

Cần chuẩn hóa các tiêu chuẩn về nước thải công nghiệp

Theo các chuyên gia, cần bổ sung văn bản pháp luật đối với những vấn đề đang còn chồng chéo, bỏ ngỏ, đặc biệt là việc thực hiện các dự án chuyển nước lưu vực sông. Luật Tài nguyên nước năm 2012 có quy định việc khai thác sử dụng nguồn nước phải xin phép quy định tại Khoản 3 Điều 43 và Điều 44, tuy nhiên lại không quy định rõ thời điểm xin cấp giấy phép. Điềy này dẫn đến tình trạng hiện nay khi công trình xây dựng xong hoặc đã vận hành rồi thì chủ đầu tư mới lập hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt của công trình. Việc này phải làm ngay trong giai đoạn nghiên cứu khả thi, nếu đểkhi công trình đã xây dựng xong rồi mới quyết định thì hoàn toàn bất lợi cho cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp. Chính vì thế, cần có những quy định cụ thể theo hướng các công trình dự án cần phải xem xét kĩ các phương án về khai thác, sử dụng nguồn nước, đánh giá tác động môi trường, lấy ý kiến của địa phương và của cộng đồng dân cư có chấp thuận với phương án hay không. Trước khi phê duyệt các dự án đầu tư thì phải trình hồ sơ cấp giấy phép khai thác sử dụng nước trước... 

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đóng góp ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại các hội thảo, tọa đàm

Cùng với đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định trong các lĩnh vực xây dựng, ban hành, hướng dẫn thực hiện quy hoạch môi trường lưu vực sông; phân vùng xả thải; cấp giấy phép xả thải vào các lưu vực sông; ban hành kiểm tra giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ môi trường lưu vực sông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần hoàn thiện các quy định về đánh giá công nghệ môi trường, công nghệ thân thiện với môi trường. Theo quy định hiện nay việc thẩm định đánh giá công nghệ môi trường, công nghệ thân thiện với môi trường được giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có trách nhiệm thẩm định đánh giá. Tuy nhiên ta thấy các Bộ được giao ở trên khó có thể có chuyên môn sâu về môi trường và quản lý môi trường có tính chuyên môn cao thậm chí có tính kĩ thuật đặc biệt như xây dựng các bộ tiêu chuẩn về môi trường, tiêu chuẩn về xả thải ra môi trường... Chính vì vậy, cần có một tổ chức quản lý đủ mạnh, thay vì sự phân tán của các cơ quan nghiên cứu hiện nay.

Nhiều nhà nghiên cứu khuyến nghị, cần đúc kết thực tiễn, học hỏi các hệ thống chính sách tiên tiến, tiến bộ trên thế giới về quản lý sử dụng, khai thác tài nguyên nước (ví dụ chính sách của Nhật Bản) để từ đó có thể xây dựng một hệ thống chính sách về khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên nước có tính khoa học và hiệu quả. Chuẩn hóa các tiêu chuẩn về nước thải, nhất là trong lĩnh tiêu chuẩn về nước thải công nghiệp. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các tiêu chuẩn về nước thải công nghiệp đang áp dụng ở nước ta hiện nay trên thực tế chưa thực sự hợp lý, chưa có quy định về tổng lượng thải, tiêu chuẩn áp dụng cho ngành công nghiệp đặc thù, cần áp dụng khoa học hiện đại để có thể đưa ra một bảng quy chuẩn chính xác về nước thải công nghiệp.

Ngoài ra, cần quy định rõ trách nhiệm giám sát nước thải tại nguồn của cá nhân, tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm pháp lý của tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ nguồn nước. Việc giám sát, kiểm tra nước thải tại nguồn sẽ ngăn ngừa những vi phạm pháp luật về môi trường, qua đó có những biện pháp cụ thể kịp thời để xử lý; cần sửa đổi các quy định về trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm để đảm bảo tính răn đe của pháp luật, góp phần ngăn chặn sớm, làm rõ trách nhiệm và hình thức khắc phục hậu quả, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Hồ Hương

Các bài viết khác