PGS.TS NGÔ LÊ LONG: BẢO ĐẢM SỐ LƯỢNG, CHẤT LƯỢNG NƯỚC PHỤC VỤ DÂN SINH TRONG MỌI TÌNH HUỐNG

03/03/2023

Đóng góp vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới, PGS.TS Ngô Lê Long - Đại học Thủy Lợi khẳng định: An ninh nguồn nước là khả năng bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái và giảm thiểu rủi ro thiệt hại từ các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu.

LẤY Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

Luật Tài nguyên nước được Quốc hội khóa XI thông qua năm 1998, được sửa đổi lần 1 vào năm 2012, gồm 10 chương và 79 điều. Sau 10 năm triển khai, Luật đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập như: Một số quy định còn có sự giao thoa, chồng chéo với các Luật mới ban hành gần đây; quản lý tài nguyên nước chưa tiếp cận ở góc độ quản trị nước; thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước; thiếu cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa và cơ chế khuyến khích, cũng như chế tài sử dụng nước tiết kiệm...

Nghị quyết số 50/2022 ngày 13/6/2022 của Quốc hội có đề cập về bổ sung Luật Tài nguyên nước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 5 và dự kiến thông qua vào kỳ họp 6 năm 2023.

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội theo Tờ trình số 37/2023 ngày 17/2/2023 gồm 10 chương và 88 điều, cơ bản vẫn giữ nguyên số chương như Luật Tài nguyên nước năm 2012; cụ thể giữ nguyên 10 điều, sửa đổi, bổ sung 62 điều, bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều.


PGS.TS Ngô Lê Long - Đại học Thủy Lợi.

Đóng góp vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), PGS.TS Ngô Lê Long - Đại học Thủy Lợi nêu quan điểm: Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung, cập nhật nội dung Luật Tài nguyên nước năm 2012, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn ngày càng gia tăng về khai thác tài nguyên nước, bảo vệ, phục hồi, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời phù hợp với các chủ trương, chính sách mới trong quản lý tài nguyên nước. Cụm từ “tổ chức, cá nhân” trong bản dự thảo Luật xuất hiện rất nhiều lần, chứng tỏ Luật sửa đổi đã hướng việc thực hiện Luật đến người dân và cộng đồng, trao trách nhiệm rõ hơn cho các thành phần trong xã hội. Tên gọi của Luật đã bao hàm và phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật cũng như nội dung đề cập trong dự thảo Luật. Nước khoáng, nước nóng thiên nhiên được xem là một loại khoáng sản nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản, để tránh chồng chéo, không nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước.

Theo PGS.TS Ngô Lê Long, nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng bao gồm nước trong sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất; mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác. Do sông, suối, kênh, rách, hồ, ao, đầm, phá, biển… cũng được hiểu là khu vực, vùng chứa nước nên bổ sung cho rõ hơn trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Khả năng chịu tải của nguồn nước là khả năng hấp thụ và xử lý các loại chất thải hoặc chất ô nhiễm mà vẫn đảm bảo chất lượng nguồn nước cho mục đích sử dụng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Do không rõ “lượng nước thải” trong khái niệm là bao nhiêu, nhiều hay ít.

Cho ý kiến về vấn đề an ninh nguồn nước, PGS.TS Ngô Lê Long nhấn mạnh: An ninh nguồn nước là khả năng bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái và giảm thiểu rủi ro thiệt hại từ các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu. Vận hành hồ chứa theo thời gian thực là quá trình ra quyết định vận hành điều tiết hồ chứa liên tục, tức thời trên cơ sở tuân thủ các quy tắc vận hành hồ có xét đến thông tin số liệu khí tượng thuỷ văn, trạng thái hệ thống được cập nhật theo thời gian thực. Khoảng thời gian giữa các lần ra quyết định sẽ tùy thuộc vào mục tiêu vận hành hồ chứa tại thời điểm đó. Nếu hồ chứa được vận hành để kiểm soát lũ thì khoảng thời gian có thể là một vài giờ.

Trong trường hợp hồ vận hành cho cấp nước, phát điện thì khoảng thời gian có thể là một ngày hoặc lâu hơn. Do vận hành hồ chứa theo thời gian thực cho phép các hồ chứa vận hành linh hoạt, mềm dẻo hơn (không tuân theo quy trình) trên cơ sở hiện trạng của hệ thống, cũng như thông tin số liệu khí tượng, thủy văn mà vẫn đảm bảo được các mục tiêu của hồ. Hoạt động phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ là hoạt động nhằm bảo vệ sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông, hồ.


An ninh nguồn nước là khả năng bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (ảnh minh họa: Internet).

Theo khoản 1 Điều 27 của bản Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước không chỉ là bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước mà còn nhiều chức năng khác như phòng, chống các hoạt động có nguy cơ ô nhiễm, bảo tồn hệ sinh thái, hay không gian hoạt động vui chơi, giải trí…

Về Điều 4 áp dụng Luật Tài nguyên nước và các luật khác có liên quan, PGS.TS Ngô Lê Long cho rằng, các vấn đề liên quan trong quản lý phòng, chống hạn hán thiếu nước, lũ lụt, ngập úng nhân tạo; phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, cần xem xét, lồng ghép để việc triển khai, thực hiện phù hợp với Luật Phòng, chống thiên tai vừa mới được Quốc hội ban hành.

Điều 5 về Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, cần xem xét bổ sung nguyên tắc việc quản lý sử dụng nước theo nguyên tắc thị trường.

Điều 6 về Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước: Khoản 1 thực chất là nguyên tắc quản lý tài nguyên nước, đã được thể hiện trong các khoản 5, 7, 9 ở điều 5. Về nội dung này, cần xem xét bổ sung chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt nhằm mở rộng mạng lưới quan trắc thời gian thực và chuyển đổi số nhằm tạo ra các sản phẩm đột phá hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý, truyền tin đến cấp cộng đồng, giảm thời gian cho các khâu xử lý trung gian.

Về chương II đề cập Chiến lược, quy hoạch về tài nguyên nước, theo PGS.TS Ngô Lê Long, cần cấu trúc lại chương này cho logic như chuyển Điều 22 nói về nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước lên trên Điều 20 và Điều 21, là các điều thể hiện nội dung của quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh là các quy hoạch thuộc Quy hoạch về tài nguyên nước.

Điều 17 đề cập Quy hoạch về tài nguyên nước, khoản 3 không logic với tiêu đề của Điều. Có thể chỉnh sửa lại như sau: “Quy hoạch về tài nguyên nước là căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước tổ chức lập nội dung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh”.

Điều 21 tiêu đề quá dài, có thể ghép khoản 3 của Điều 17 và khoản 3 Điều 21 thành một Điều riêng của chương này. Điểm l khoản 1 Điều 21 thiếu ý, cần chỉnh sửa: Định hướng điều hòa, phân bổ, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy định của khoản 2 Điều này”./.

Bích Lan