LẤY Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

01/03/2023

Sáng ngày 01/3, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy chủ trì Hội thảo.

QUỐC HỘI DỰ KIẾN CHO Ý KIẾN LẦN ĐẦU ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI) TẠI KỲ HỌP THỨ 5

Tham dự Hội thảo còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi và lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số Bộ, ngành liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học.


Toàn cảnh Hội thảo Lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy nhấn mạnh: Luật Tài nguyên nước được Quốc hội khóa XI thông qua năm 1998, được sửa đổi lần 1 vào năm 2012, gồm 10 chương và 79 điều. Sau 10 năm triển khai, Luật đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập như: Một số quy định còn có sự giao thoa, chồng chéo với các Luật mới ban hành gần đây; quản lý tài nguyên nước chưa tiếp cận ở góc độ quản trị nước; thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước; thiếu cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa và cơ chế khuyến khích, cũng như chế tài sử dụng nước tiết kiệm...

Tại Nghị quyết số 50/2022 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về bổ sung Luật Tài nguyên nước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 5 và dự kiến thông qua vào kỳ họp 6 năm 2023.

Thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 3/2023, Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước lần này nhằm thể chế hóa quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trong quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là Nghị quyết đại hội Đảng 13, Kết luận 36-KL/TW của Bộ Chính trị về Bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên, đồng bằng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; bảo đảm an ninh nguồn nước, phòng chống ô nhiễm nước và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt; phát triển kinh tế nước, đổi mới cơ chế chính sách theo hướng: Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị khoá XIII về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại Hội thảo.

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội theo Tờ trình số 37/2023 ngày 17/2/2023 gồm 10 chương và 88 điều, cơ bản vẫn giữ nguyên số chương như Luật Tài nguyên nước năm 2012; cụ thể giữ nguyên 10 điều, sửa đổi, bổ sung 62 điều, bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều.

Cần có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào các nội dung: Bảo vệ môi trường nước dưới đất; Cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt...

Ông Tạ Quang Vinh – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, tại khoản 4 Điều 31 quy định “Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương xây dựng, trình Chính phủ hướng dẫn phân loại cấp công trình cấp nước, xây dựng phương án bảo vệ công trình cấp nước. Căn cứ quy mô, phạm vi cấp nước, nhiệm vụ, tầm quan trọng, vị trí khai thác nước, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt quan trọng đặc biệt”.

Ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Ông Tạ Quang Vinh đề nghị bỏ quy định này vì đã được quy định trong pháp luật về sản xuất, cung cấp nước sạch, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Tại khoản 2 Điều 33 quy định “Tổ chức, cá nhân thiết kế, thi công các công trình,… và bảo vệ môi trường nước dưới đất theo quy định của pháp luật về môi trường”. Ông Tạ Quang Vinh đề nghị bỏ nội dung liên quan đến “bảo vệ môi trường nước dưới đất theo quy định của pháp luật về môi trường” vì đã được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Về khoản 1 Điều 36 đề cập “Quy hoạch đô thị, khu dân cư tập trung phải phù hợp với khả năng chịu tải của nguồn nước, quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và không nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước …”  Theo ông Tạ Quang Vinh, các giải pháp quy hoạch theo các pháp luật xây dựng, quy hoạch, đầu tư đã đề cập nội dung này, đề nghị xem xét bỏ quy định này.

Đề cập về cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, ông Phùng Kim Sơn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La cho biết, việc triển khai thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ, chương trình thuộc lĩnh vực tài nguyên nước theo qui định của Luật còn gặp nhiều khó khăn do một số nhiệm vụ không có hướng dẫn chi tiết, cụ thể quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật dẫn đến kéo dài thời gian lập, thẩm định, triển khai thực hiện; nguồn kinh phí chủ yếu là ngân sách Nhà nước, chưa có cơ chế rõ ràng cho khuyến khích việc xã hội hóa để triển khai nội dung này.


Ông Phùng Kim Sơn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La.

Ông Phùng Kim Sơn đề nghị xem xét nội dung “Có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước” có phù hợp? Nội dung này nên do Nhà nước thực hiện để đảm bảo “an ninh nguồn nước”.

Tại Khoản 2 đề nghị bổ sung nội dung Nhà nước “bố trí kinh phí” để “đảm bảo an ninh nguồn nước”. Vì việc đảm bảo an ninh nguồn nước là đảm bảo về chất lượng, số lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống thuộc trách nhiệm của Nhà nước.

Ngoài ra, ông Phùng Kim Sơn đề nghị việc tính toán xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên nước tại Luật Tài nguyên nước năm 2012 không có hướng dẫn chi tiết nên gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện (cụ thể không hướng dẫn chi phí trực tiếp gồm những chi phí nào) nên đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nghiên cứu kỹ hơn về nội dung này.

Đóng góp ý kiến vào việc đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt, ông Nguyễn Công Hàm - Phó Giám đốc Thường trực Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho rằng, việc quản lý tài nguyên nước được thực hiện chủ yếu theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường. Việc sản xuất nước sạch, phân phối, tiêu thụ nước sạch được thực hiện theo quy định của Nghị định về sản xuất, cung cấp nước sạch do Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo hoặc quy định tại Luật Thủy lợi nếu việc khai thác nước này nằm trong hệ thống công trình thủy lợi.

Ông Nguyễn Công Hàm - Phó Giám đốc Thường trực Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang.

Việc quản lý, giám sát chất lượng sạch sau quá trình sản xuất cho đến cấp nước cho các hộ dân được thực hiện theo quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế. Do vậy, còn nhiều khó khăn trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt nên đề nghị cần có sự điều chỉnh trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Ngoài ra, việc cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước phải căn cứ vào tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước thải, chức năng của nguồn nước, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước. Đối với các cơ sở có hoạt động xả nước thải (nhà hàng, khách sạn, các trung tâm thương mại ...) nằm trong các khu đô thị hoặc các khu vực xa nguồn nước tiếp nhận nước thải (sông, suối, ao, hồ), việc xả nước thải được thải ra hệ thống thoát nước chung của khu vực (mặc dù cơ sở có hệ thống xả lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định), do nước thải không trực tiếp xả vào nguồn nước tiếp nhận thì việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước không thực hiện được.

Cũng tại Hội thảo, một số các đại biểu, đại diện các Sở ngành còn đóng góp ý kiến vào các nội dung: Trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước; quy hoạch về tài nguyên nước... Hội thảo về việc Lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) còn tiếp tục diễn ra trong chiều cùng ngày./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:


Các đại biểu tham dự Hội thảo.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy nhấn mạnh sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết những nội dung quan trọng của việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước.

Ông Lương Văn Anh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phát biểu.

PGS.TS Ngô Lê Long - Đại học Thủy Lợi đề cập về chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đóng góp ý kiến cho dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

TS.Trần Anh Tuấn- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cấp thoát nước Việt Nam nói về hành lang bảo vệ nguồn nước, tài nguyên nước.

PGS.TS Nguyễn Văn Lâm - Chủ tịch Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam nêu quan điểm tại Hội thảo.

Bích Lan-Nghĩa Đức