ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA HOÀN CHỈNH ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ CÁC CUỘC CÁCH MẠNG TRÊN THẾ GIỚI

26/02/2023

Bàn về ý nghĩa, tầm vóc của Đề cương Văn hóa năm 1943, nhiều chuyên gia, nhà ngiên cứu cho rằng, với Đề cương này, lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc cách mạng trên thế giới, có một đề cương văn hóa hoàn chỉnh. Đến nay, những giá trị cốt lõi của Đề cương Văn hóa vẫn giữ nguyên giá trị, soi đường, định hướng cho tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam

NGHỆ THUẬT VIỆT NAM PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ DƯỚI SỰ SOI CHIẾU CỦA ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA

80 năm qua, những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo – những giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn giữ nguyên giá trị, soi đường, định hướng cho tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam. 

Mới đây, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 1401-KH/ĐĐQH15 về Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương văn hóa Việt Nam” (1943-2023). Các hoạt động kỷ niệm nhằm tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”; sự phát triển các nội dung cốt lõi của Đề cương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới hiện nay; qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt của văn hóa – văn nghệ, đề cao nghĩa vụ và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển con người Việt Nam thời đại mới và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các hoạt động kỷ niệm tập trung  thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa và các giá trị cốt lõi, lâu bền của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943. Theo đó, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”; quá trình vận dụng, tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện những tư tưởng quan trọng của Đề cương trong xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam; tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về văn hóa – văn nghệ, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; bài phát biểu chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước qua 80 năm thực hiện Đề cương.

Hướng về sự kiện đầy ý nghĩa này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, đây không chỉ là dịp để chúng ta cùng nhớ lại một sự kiện, một giai đoạn lịch sử mà qua đó, một lần nữa khẳng định chân lý của một con đường. Con đường ấy đã cuốn hút văn nghệ sĩ ở mọi lứa tuổi, thành phần, ở mọi miền đất nước cùng bước vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất, đó là khát vọng độc lập - tự do.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng một số chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng cho rằng, Đề cương văn hóa đã truyền tải tư tưởng, chiến lược của Đảng, tạo sự đồng cảm của các văn nghệ sĩ tự nguyện bước theo Đảng trong một tinh thần tối thượng. Qua 2 cuộc kháng chiến, trong thời kỳ đổi mới và trong giai đoạn hiện nay, sự trung thành của các văn nghệ sĩ với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân được thể hiện qua chính trang viết của họ, qua sự hi sinh của họ. Những trang viết đầy máu của thời chiến tranh, đầy trăn trở trong thời bình. Công cuộc đổi mới đã mở ra cánh cửa vô cùng rộng lớn, nhiều biến động sâu sắc, có những nhà văn cảm thấy hoang mang, lúng túng. Nhưng bản Đề cương với 3 trụ cột tinh thần đó đã mang lạị cho chúng ta niềm tin. Chưa bao giờ đội ngũ văn nghệ sĩ được quan tâm và tạo điều kiện như bây giờ.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt niềm tin sâu sắc vào đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung và các nhà văn nói riêng; nhưng cũng đặt ra rằng trong những năm tháng gần đây các nhà văn chưa tạo ra được những tác phẩm ngang tầm thời đại. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đó cũng là yêu cầu của nhân dân, dân tộc, của thời đại và các nhà văn, với sứ mệnh của mình, đang lặng lẽ với tất cả tinh thần, trí tuệ để đáp ứng, trả lời câu hỏi đó của Tổng Bí thư và của nhân dân.

Trao đổi về bản Đề cương Văn hóa, GS.TS Trần Ngọc Thêm cùng các nhà nghiên cứu cho rằng, với Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc cách mạng trên thế giới, có một đề cương văn hóa hoàn chỉnh. Trước đó, ở cách mạng Pháp những tư tưởng mới của Vônte, Môngtexkiơ, Rútxô, Điđrô… mới chỉ là những tư tưởng cá nhân chứ chưa phải là quan điểm của một phong trào. Phong trào Ngũ tứ được coi là một cuộc vận động văn hóa, nhưng gọi như vậy chỉ vì nó được khởi đầu từ giới sinh viên. Bài nói chuyện của Mao Trạch Đông tại Tọa đàm văn nghệ Diên An cũng vậy, đó cũng chỉ trình bày quan điểm văn nghệ công nông thôi, chứ chưa phải là một đề cương văn hóa. Trong khi đó, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo thực sự là một đề cương văn hóa đúng nghĩa

Theo GS.TS Trần Ngọc Thêm, sự xuất hiện của Đề cương về văn hóa Việt Nam là một tất yếu lịch sử, không phải là sự kiện ngẫu nhiên. Bởi vì dân tộc ta có truyền thống bốn nghìn năm coi trọng các giá trị văn hóa, không chỉ là văn hóa theo nghĩa rộng, mà cả những giá trị văn hóa cụ thể cho từng loại hình, từng lĩnh vực… Khi Đề cương về văn hóa năm 1943 được đưa ra, khắp nơi, từ những người làm cách mạng cho đến quần chúng đều truyền tay nhau say sưa đọc, vì văn kiện đó đã đáp ứng đúng tâm tư nguyện vọng của họ; nếu không đáp ứng thì Đề cương này sẽ rơi vào quên lãng. Đề cương về văn hóa 1943 đã thể hiện kịp thời sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa trước tình hình thực tế “phản dân tộc, phản khoa học và phản đại chúng” lúc bầy giờ.

GS.TS Trần Ngọc Thêm

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng nhận định, Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 mang tính khoa học rất rõ. Đề cương gồm 5 phần có quan hệ với nhau rất chặt chẽ và sắp xếp khoa học, từ cách đặt vấn đề đến triển khai vấn đề, giải quyết vấn đề. Các tư tưởng trong đề cương được lập luận rất chặt chẽ theo kiểu cấu trúc móc xích, tạo nên sức thuyết phục cao, rất có hiệu quả. Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 còn đưa ra những kịch bản khác nhau: Nếu văn hóa dân tộc thắng thì dân tộc Việt Nam sẽ như thế nào, còn nếu như văn hóa phát xít thắng thì dân tộc Việt Nam sẽ ra sao… Các từ ngữ sử dụng trong Đề cương mang tính cách mạng với lối dùng từ rất dứt khoát, quyết liệt, rõ ràng. Cách sử dụng từ ngữ như thế trong thời điểm lúc bấy giờ đã truyền cảm xúc và tạo sức thu hút lớn.

Nghiên cứu Đề cương Văn hóa, TS.Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương cho rằng, ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng chính là khởi nguồn của tính dân tộc và tính hiện đại - những đặc tính căn bản trong quá trình vận động và phát triển của lý luận và thực tiễn văn học, nghệ thuật Việt Nam.

TS.Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương

Cụ thể trong trường hợp nghệ thuật điện ảnh, đây là nghệ thuật có tính phổ biến nhanh và đồng thời trong phạm vi rộng, lại có tính thương mại cao của một ngành công nghiệp nên cũng có khả năng rất lớn trong giao lưu giữa các dân tộc, các quốc gia. Nói cách khác, điện ảnh là ngành nghệ thuật có tính đại chúng và tính quốc tế cao. Trong bối cảnh mở rộng hội nhập quốc tế hiện nay, bản sắc văn hóa dân tộc chính là hành trang quan trọng nhất để một nền điện ảnh nói riêng, một nền văn hóa nói chung, có thể tiến bước. Tính dân tộc đảm bảo sự vững chắc cho một nền điện ảnh hội nhập tích cực với quốc tế mà không rơi vào nguy cơ “tự đánh mất mình”.

TS.Ngô Phương Lan cho biết, điện ảnh cách mạng Việt Nam hình thành trong chiến tranh với nhiệm vụ bám sát cuộc chiến đấu của nhân dân nên đối tượng phản ánh chính là cuộc sống và con người thời hiện đại. Tính hiện đại cần phát huy trong điện ảnh Việt Nam rất gần với khái niệm tính chất tiên tiến của văn hóa Việt Nam. Trong giai đoạn “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước, xây dựng nền điện ảnh mang tính hiện đại có ý nghĩa thiết thực và cập nhật đối với sự nghiệp chung của dân tộc.

Tác phẩm điện ảnh sẽ có giá trị khi mang tính dân tộc và tính hiện đại đậm nét cả trong nội dung tác phẩm lẫn hình thức thể hiện. Nó góp phần làm nên diện mạo điện ảnh Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có thể coi một bộ phim đạt được hiệu quả xã hội cao là tác phẩm điện ảnh có giá trị. Vì vậy, TS.Ngô Phương Lan khẳng định, dân tộc, khoa học, đại chúng vẫn là ba nguyên tắc dẫn dắt nền điện ảnh Việt Nam phát triển, tạo nên những giá trị mới và ghi dấu vào bản đồ điện ảnh thế giới.

Minh Hùng