ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM – NỀN MÓNG XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA MỚI – DÂN TỘC, KHOA HỌC, ĐẠI CHÚNG
Nền tảng cơ bản quyết định lộ trình văn học nghệ thuật Việt Nam
Sớm nhận thức được tầm quan trọng, sức mạnh lớn lao và bền bỉ của văn hóa dân tộc trong đường lối cách mạng, xây dưng và bảo vệ Tổ quốc, các bậc tiền bối cách mạng lão thành đã cho ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam từ năm 1943, trước khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đề cương Văn hóa đã được Đảng thông qua, áp dụng linh hoạt và nhuần nhuyễn vào thực tế đấu tranh cách mạng và từ đó đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Đề cương là trang bị cơ sở lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa - tư tưởng trong cách mạng dân tộc dân chủ. Trong văn bản quan trọng này, nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá dân tộc, nhân dân đã sớm được xác định. Văn hoá được coi là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế, văn hoá). Nhấn mạnh 3 thành tố đặc biệt quan trọng của văn hóa là: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Cùng với đó, 3 nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới được nêu ra: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Cho đến thời điểm hiện nay, thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ba nguyên tắc này vẫn tiếp tục là nguyên tắc cơ bản trong chỉ đạo và hoạt động văn hoá.
Đánh giá về tầm quan trọng của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, đây là nền cốt đầu tiên cho quan niệm của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật. Cho đến ngày nay, ba tư tưởng trụ cột: Dân tộc, khoa học và đại chúng vẫn vẹn nguyên giá trị, trở thành nền tảng tư tưởng cơ bản quyết định trục đi và lộ trình xuyên suốt của nền văn học nghệ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết, triển khai đường lối văn hóa của Đảng, thế hệ vàng của mỹ thuật Đông Dương đã lên đường đi kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Thế hệ văn nghệ sĩ ngày ấy còn rất non trẻ, việc tiếp cận bản Đề cương cũng chính là để giúp tìm ra đường lối cho chính bản thân mình. Thế hệ họa sĩ tiên phong ấy luôn thấu hiểu sứ mệnh, bổn phận của mình. Nghệ sĩ tiên phong và đã ngã xuống đầu tiên ở chiến trường Điện Biên Phủ là danh họa Tô Ngọc Vân. Chính ông là người đã đặt ra nền móng rất quan trọng của thể loại tranh ký họa. Những bức ký họa chiến trường với sức rung động lớn lao đã tạo nên những tác phẩm mãi sống với lịch sử dân tộc, ghi lại những cảm nhận về không khí mặt trận, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, những câu chuyện của kháng chiến, từ tiền tuyến đến hậu phương…
Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 xác định văn hóa là một trong ba mặt trận cách mạng. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết, sau này, trong thư hỏi thăm anh chị em họa sĩ và văn nghệ sĩ nhân Triển lãm hội họa được tổ chức năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy… Hình ảnh người nghệ sĩ - chiến sĩ có thể nói đã được phác những nét đẹp đầu tiên qua hình ảnh danh họa Tô Ngọc Vân. Ông ngã xuống trên chiến trường với hình ảnh người nghệ sĩ - chiến sĩ đẹp đẽ; để một lần nữa chứng minh bổn phận thiêng liêng của người nghệ sĩ không thể tách rời bổn phận của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ.
Trải qua nhiều biến đổi của thời cuộc, cho đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của nền văn hóa dân tộc một lần nữa khẳng định quan điểm của Đảng về văn hóa, trong một bối cảnh lịch sử mới, một sự chuyển kênh thế hệ. Những điều tâm huyết của Tổng Bí thư đối với văn hóa dân tộc: “Văn hóa còn thì dân tộc còn…” luôn hàm chứa những ước ao, kỳ vọng về một lộ trình đổi mới của nền văn hóa Việt Nam. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết nhấn mạnh, bản thân mỗi nghệ sĩ, với nỗ lực và ý thức về sứ mệnh thiêng liêng của mình, đã, đang và sẽ tiếp tục hiện thực hóa những quan niệm của Đảng trở thành những tác phẩm, những giá trị mới mang hơi thở thời đại…
Nghệ thuật Việt Nam phát triển mạnh mẽ dưới sự soi chiếu của Đề cương về văn hóa
Cùng chia sẻ về Đề cương Văn hóa Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, khi Việt Nam đang trong giai đoạn kháng chiến ác liệt, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, Tổng Bí thư Trường Chinh vẫn quyết định soạn thảo bản Đề cương về văn hóa. Đây là minh chứng cho việc trong mọi hoàn cảnh, Đảng ta vẫn đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của văn hóa.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, phát triển văn hóa cũng chính là góp phần vào phát triển con người Việt Nam toàn diện. Như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn, một đứa trẻ lớn lên là nhờ hai “bầu sữa” vật chất và tinh thần. “Sữa” ở đây là bầu sữa mẹ; còn “tinh thần” là tiếng hát, cũng chính là văn hóa. Không phải chỉ đứa trẻ mà người trưởng thành cũng cần đủ hai “bầu sữa” đó để phát triển. Và khi Đề cương về văn hóa ra đời, “ánh sáng” của Đề cương đã soi rọi, dẫn đường, chỉ lối cho sự phát triển con người Việt Nam; hướng con người đến những yếu tố chân - thiện - mỹ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Thực hiện theo câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Đảng ta đã xác định phải xây dựng văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật với ba tiêu chí dân tộc, đại chúng và khoa học. Đề cương đặc biệt nhấn mạnh phải “khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ)”.
Theo nguyên tắc vận động của Đề cương về văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay vẫn đang ngày ngày, bằng bút lực cho ra đời những tác phẩm đấu tranh, phản bác lại quan điểm sai trái; bảo vệ quan điểm đúng đắn về phát triển văn hóa của Đảng. Đến nay, những quy tắc vận động ấy vẫn còn tính thời sự. Điều này thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng ta trong phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nêu rõ, văn học, nghệ thuật Việt Nam luôn phát triển mạnh mẽ dưới sự soi chiếu của Đề cương về văn hóa.
Bàn về giải pháp triển khai cụ thể tinh thần của Đề cương Văn hóa trong bối cảnh mới, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho rằng, cần chăm lo phát triển để đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà có đủ năng lực và điều kiện cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Các tài năng nghệ thuật cần được phát hiện sớm, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản, được tôi luyện và trọng dụng. Các cơ quan chức năng và các địa phương cùng toàn xã hội cần tăng cường những giải pháp mạnh mẽ để chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ - những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” cho hôm nay và mai sau.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam
Bên cạnh đó, về cơ chế, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng cần đặt toàn bộ sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam vào trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến sự phát triển của công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo, coi đó như một xu thế phát triển không thể đảo ngược của quá trình toàn cầu hóa văn hóa và là một trong những giải pháp chiến lược để tăng cường sức mạnh mềm, đưa Việt Nam ra thế giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Cùng với đó, những loại hình văn học, nghệ thuật trực tiếp liên quan đến vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng, chính trị của Đảng, chủ quyền, thống nhất quốc gia - dân tộc, đến các giá trị cốt lõi của văn hóa - con người Việt Nam thì Nhà nước cần tập trung đầu tư, hỗ trợ tối đa để đảm bảo có những tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật. Cần đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ. Tăng cường năng lực hưởng thụ tác phẩm văn học, nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách thụ hưởng văn hóa của người dân thuộc các vùng miền, các nhóm xã hội khác nhau.
Ngoài ra, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nêu rõ, trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ văn nghệ sĩ thật là nặng nề, rất vẻ vang. Mỗi văn nghệ sĩ, bằng những tác phẩm của mình phải góp thêm một tia lửa sáng tạo để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ - nhân văn, để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ nhất, một nguồn năng lượng tinh thần, làm giàu có thêm, nhân ái thêm đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển bền vững, giàu có, phồn vinh và hạnh phúc.