QUAN TÂM SÂU SẮC, THEO DÕI CHẶT CHẼ VIỆC GIẢI QUYẾT Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

25/02/2023

Tại Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xem xét, cho ý kiến về công tác dân nguyện của các cơ quan của Quốc hội tháng 12/2022, tháng 1/2023, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần quan tâm, theo dõi sâu sát hơn nữa việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách.

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Tại Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo công tác dân nguyện của các cơ quan của Quốc hội tháng 12/2022, tháng 1/2023, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết trong tháng, qua tổng hợp tình hình dư luận, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân ở địa phương trước kỳ họp bất thường lần thứ Hai của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện tổng hợp được 253 kiến nghị của cử tri và đã kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quang cảnh phiên họp

Đối với kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, trong 02 tháng qua, Ban Dân nguyện đã nhận được 1.271 văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV. Đến nay còn 213 kiến nghị gửi đến trước kỳ họp thứ 4 (chiếm 14,3%) chưa được trả lời. Ngày 02/02/2023, Ban Dân nguyện đã có công văn đôn đốc kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền.

Trong tháng 12/2022 và tháng 01/2023, tại một số địa phương đã xảy ra 11 vụ việc vi phạm trong công tác quản lý đất đai, trong đó có 01 vụ việc cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính, 05 vụ việc cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy cứu trách nhiệm hình sự những người sai phạm, 02 vụ việc cơ quan hành chính cưỡng chế yêu cầu khắc phục hậu quả; 25 vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường, các cơ quan chức năng đã đình chỉ hoạt động, yêu cầu khắc phục hậu quả và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, nổi lên 03 vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự cần các cơ quan chính quyền địa phương có giải pháp để giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo

Về công tác tiếp công dân của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, trong kỳ báo cáo, các cơ quan đã tiếp 690 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 687 vụ việc và có 27 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, đã ban hành văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 85 vụ việc; hướng dẫn bằng văn bản 41 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 561 vụ việc.

Riêng trong thời gian diễn ra Kỳ họp bất thường lần thứ 2, lần thứ 3, Ban Dân nguyện đã trực tiếp tiếp 32 vụ việc, trong đó có 23 vụ việc khiếu nại, 02 vụ việc tố cáo, 07 vụ việc kiến nghị phản ánh và có 03 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, đã chuyển 05 vụ việc đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản đối với 06 vụ việc; đã trực tiếp giải thích, hướng dẫn nhiều lượt công dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết và vận động được nhiều công dân trở về địa phương, chấp hành kết quả giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, trong công tác dân nguyện của các cơ quan còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH chuyển đến của một số cơ quan có thẩm quyền giải quyết còn chậm, chưa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và việc thông báo cho cơ quan chuyển đơn và công dân được biết về quá trình, kết quả giải quyết chưa được kịp thời, gây bức xúc cho công dân khiếu kiện.

Ngoài ra, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH còn chưa chủ động trong việc kiến nghị xem xét trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân chưa thực hiện tốt các quy định pháp luật về tiếp công và giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được thực hiện thường xuyên.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cần chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự được nêu tại Báo cáo; kịp thời xây dựng báo cáo về công tác dân nguyện hằng tháng, gửi đến Ban Dân nguyện theo đúng thời hạn, để Ban Dân nguyện tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH quan tâm, lựa chọn, có kế hoạch và tổ chức giám sát chuyên đề theo lĩnh vực phụ trách trong chương trình hoạt động năm 2023, trong đó có lồng ghép giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; quan tâm, theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong các báo cáo công tác dân nguyện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ban Dân nguyện, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, khảo sát để đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định của pháp luật về dự án điện gió, nhất là quy định về điều kiện an toàn, quy định về bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dự án để đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, chủ đầu tư và người dân bị ảnh hưởng của dự án.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, thực hiện và chỉ đạo một số nội dung gồm: chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm của Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới và sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đăng kiểm; có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh, sản xuất cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay và có chính sách giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ hỗ trợ chính sách đào tạo nghề (từ quỹ bảo hiểm xã hội), tìm kiếm việc làm mới cho công nhân lao động bị mất việc, tạm nghỉ việc; bổ sung hành lang pháp lý để loại hình du lịch homestay, farmstay vận hành và phát triển phù hợp hơn; tiếp tục đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội những tháng đầu năm, kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh tại lễ hội trên cả nước; giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản; có giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng “cò bệnh viện” tại các bệnh viện lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho người bệnh tại các Bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh của Thành phố...

Minh Hùng