ĐẢM BẢO SỰ LINH HOẠT, CHỦ ĐỘNG TRONG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH TỔ CHỨC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG

25/02/2023

Tại Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần đảm bảo sự linh hoạt, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức Kỳ họp bất thường.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: NHIỀU NỘI DUNG ĐƯỢC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH TẠI PHIÊN HỌP THỨ 20 ĐẠT KẾT QUẢ VƯỢT NGOÀI MONG ĐỢI

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn thời gian qua, Quốc hội đã tiến hành 03 kỳ họp bất thường vào đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Quá trình chuẩn bị, tổ chức các kỳ họp này cho thấy có nhiều vấn đề cần có quy định cụ thể để bảo đảm đầy đủ quy trình, thủ tục, cơ sở pháp lý trong việc tổ chức kỳ họp bất thường. Tuy nhiên, đây là những vấn đề mới, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nên để bảo đảm linh hoạt, chủ động trong việc thực hiện, Nội quy kỳ họp Quốc hội đã quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp bất thường (khoản 3 Điều 1).

Nhằm kịp thời triển khai thi hành Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội, Việc xây dựng Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội nhằm quy định cụ thể về việc tổ chức kỳ họp bất thường là vô cùng cần thiết. Tại Phiên họp thứ 20 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung quan trọng này.

Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quố hội Bùi Văn Cường cho biết, Dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết khoản 3 Điều 1 của Nội quy kỳ họp Quốc hội về kỳ họp bất thường theo hướng quy định cụ thể về cách thức xử lý yêu cầu của các chủ thể có thẩm quyền về việc tổ chức kỳ họp bất thường theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội như sau:

Trường hợp Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức họp bất thường thì gửi văn bản nêu rõ sự cần thiết tổ chức kỳ họp bất thường, đề xuất nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời gửi hồ sơ tài liệu về nội dung kèm văn bản yêu cầu tổ chức họp bất thường nếu nội dung đề xuất thuộc trách nhiệm chuẩn bị của mình.

Trường hợp đại biểu Quốc hội yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường thì đại biểu Quốc hội gửi văn bản nêu rõ sự cần thiết tổ chức kỳ họp bất thường, đề xuất nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp gần nhất đến trước ngày dự kiến khai mạc kỳ họp tiếp theo.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình yêu cầu tổ chức họp họp bất thường thì nêu rõ sự cần thiết, đề xuất nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường.

Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình yêu cầu hoặc khi nhận được yêu cầu của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội về việc tổ chức kỳ họp bất thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan, tổ chức chuẩn bị nội dung được đề nghị trình Quốc hội, trong đó có yêu cầu về thời hạn gửi hồ sơ đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp.

Khi thẩm tra hồ sơ tài liệu trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm thể hiện rõ chính kiến về điều kiện, chất lượng hồ sơ tài liệu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp.

Trên cơ sở xem xét hồ sơ tài liệu do các cơ quan có thẩm quyền trình, ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc triệu tập kỳ họp bất thường.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục tiến hành xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp bất thường (như xem xét, thông qua luật, nghị quyết, hoạt động giám sát, chất vấn, quyết định các vấn đề quan trọng…) được thực hiện theo quy định về kỳ họp tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nội quy kỳ họp Quốc hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến

Thảo luận về nội dung này tại phiên họp, nhiều ý kiến bày tỏ tán thành dự thảo Nghị quyết không quy định giới hạn các vấn đề, nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội, theo đó “trong trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật”; đồng thời, tạo sự linh hoạt, chủ động cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí xác định nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường để phù hợp với mục đích, yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường là chỉ xử lý những vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách và thời gian tổ chức kỳ họp bất thường thường rất ngắn.

Cụ thể, các đại biểu cho rằng, chỉ đưa vào chương trình kỳ họp bất thường những nội dung bảo đảm các tiêu chí, điều kiện sau: Là nội dung quan trọng, cấp bách thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và cơ bản đạt sự đồng thuận giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra; Để kịp thời thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền; Không thuộc nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận

Kết luận nội dung thảo luận này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các quy định như trong dự thảo Nghị quyết, trong đó có quy định cụ thể về cách thức xử lý yêu cầu của các chủ thể có thẩm quyền về việc tổ chức kỳ họp bất thường; khi yêu cầu tổ chức họp bất thường, các chủ thể có thẩm quyền phải nêu rõ sự cần thiết, nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm yêu cầu các cơ quan chuẩn bị nội dung gửi hồ sơ, tài liệu đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để xem xét, quyết định việc triệu tập kỳ họp bất thường.

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục tiến hành xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp bất thường được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan về kỳ họp Quốc hội; đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát kỹ các quy định về kỳ họp bất thường tại Điều 3, Điều 4 để đảm bảo tính khả thi.

Minh Hùng