ĐẢM BẢO QUYỀN, LỢI ÍCH CỦA CÁC BÊN THAM GIA GIAO DỊCH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

20/02/2023

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 20, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng quy định liên quan tới trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng chưa hợp lý, chưa đảm bảo công bằng đối với các bên tham gia. Do đó đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để có sự điều chỉnh phù hợp.

LÀM RÕ CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, CĂN CỨ PHÁP LÝ TRONG VIỆC MỞ RỘNG KHÁI NIỆM NGƯỜI TIÊU DÙNG

Toàn cảnh phiên họp

Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.

Tại Phiên họp thứ 20 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và việc thực thi trách nhiệm của các chủ thể liên quan đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng.

Trong phạm vi Luật này, dự thảo Luật đã có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng. Dự thảo Luật đã bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng như quy định chung về trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng (khoản 2 Điều 39); trách nhiệm cụ thể của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian (khoản 3 Điều 39);…

Bên cạnh đó, Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng xin ý kiến về khái niệm người tiêu dùng quy định tại khoản 1 Điều 3 và vấn đề giải quyết tranh chấp tại Tòa án quy định tại Mục 5 Chương V dự thảo Luật.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ nhất trí với phương án giữ nguyên như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung nội dung “và không vì mục đích thương mại”. Theo đó, sau khi bổ sung, khái niệm người tiêu dùng như sau: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại”. Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, về nguyên tắc, người là cá nhân nhưng trong nhiều trường hợp, người có thể là cả tập thể và cá nhân. 

Liên quan tới vấn đề thu thập thông tin người tiêu dùng quy định tại khoản 1 Điều 16, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng vấn đề này phải cần nhắc và xem xét thêm. Bởi hiện nay, nếu quy định như trong dự thảo luật sẽ không phù hợp với các giao dịch điện tử trực tuyến. Khi thực hiện giao dịch thương mại trên nền tảng trực tuyến, thông tin người tiêu dùng là một trong những nội dung bắt buộc để có thể thực hiện giao dịch và thường là các thông tin về họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thẻ ngân hàng hoặc tài khoản cho phép thanh toán.

Ngoài ra, trong quy định của dự thảo luật có ghi “bằng hình thức phù hợp” vẫn còn mang tính định tính, khó đảm bảo được tính khả thi, quy phạm do khó xác định được thế nào là phù hợp. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng vấn đề này cần xem xét để chỉnh lý cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính chặt chẽ. Bởi khi mà tiến hành giao dịch thì những thông tin cần thiết rõ ràng phải được điền vào các thông số để thực hiện giao dịch.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Đối với việc đảm bảo an toàn thông tin người tiêu dùng, khoản 3 Điều 18 dự thảo luật quy định “Trong trường hợp hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện hệ thống thông tin bị tấn công và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng nếu quy định trong 24 giờ là không phù hợp với tốc độ nhanh chóng của thông tin mạng hiện nay. Do đó đề nghị sửa 24 giờ thành “phải thông báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có liên quan khi phát hiện hệ thống thông tin bị tấn công”. Bởi sau 24 giờ, nếu bị tấn công thì tất cả các dữ liệu, thông tin của người tiêu dùng đã bị lấy và giao dịch tới nhiều nơi. Chính vì vậy, cần thông báo ngay để có những biện pháp thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phong toả các giao dịch đó kịp thời.

Liên quan tới trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng quy định tại điểm l khoản 3 Điều 39 dự thảo Luật nhằm làm rõ hơn nội dung, giải pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng. Tuy nhiên, quy định tại điểm 1 chưa rõ ràng, chưa hợp lý cũng như chưa đảm bảo công bằng đối với các bên tham gia, nhất là đối với các doanh nghiệp trung gian, doanh nghiệp kinh doanh nền tảng số.

Lý giải về quan điểm trên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, quy định trên chưa làm rõ nội hàm yêu cầu kết nối, cung cấp dữ liệu thông tin, quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp từ đánh giá chi phí để chuẩn bị cho việc tuân thủ thực hiện các quy định. Theo đó, quy định trên chưa hợp lý về yêu cầu báo cáo theo thời gian thực. Bởi hiện nay, các sàn thương mại điện tử vẫn đang tuân thủ các quy định pháp luật về thương mại điện tử về thực hiện báo cáo số liệu thống kê quy định theo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu nhằm phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước.

Ngoài ra, quy định hiện hành cũng có yêu cầu doanh nghiệp vận hành sàn thương mại phải có phương án kết nối với cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, báo cáo theo thời gian thực các thông tin bao gồm số lượt truy cập, số lượng người bán, số lượng giao dịch, tổng giá trị giao dịch nhằm thu thập dữ liệu chỉ để xác định 5 nhóm doanh nghiệp dẫn đầu thị trường thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, quy định như vậy cũng gây lãng phí nguồn lực cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý để xây dựng, điều chỉnh hệ thống kỹ thuật, hệ thống thu thập, tiếp nhận dữ liệu đảm bảo cho sự tương thích giữa hệ thống của Nhà nước và các nền tảng. Cùng với đó là sự tiềm ẩn rủi ro về hoạt động của doanh nghiệp. Bởi thông tin hoạt động doanh nghiệp theo thời gian thực là một thông tin thuộc về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Dự thảo Luật cũng chưa quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với việc bảo mật dữ liệu thông tin do doanh nghiệp cung cấp.

Từ những phân tích trên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng quy định yêu cầu doanh nghiệp phải kết nối, cung cấp thông tin theo thời gian thực là chưa thực sự đảm bảo quyền, lợi ích liên quan của các bên tham gia giao dịch qua không gian mạng; đề nghị cơ quan chủ trì và cơ quan thẩm tra xem xét nghiên cứu kỹ lưỡng để điều chỉnh phù hợp./.

Minh Thành