LÀM RÕ CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, CĂN CỨ PHÁP LÝ TRONG VIỆC MỞ RỘNG KHÁI NIỆM NGƯỜI TIÊU DÙNG

19/02/2023

Cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 20, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát, nêu rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và thực tiễn áp dụng pháp luật, kinh nghiệm quốc tế để làm rõ, thuyết phục hơn việc mở rộng khái niệm người tiêu dùng.

TỔNG THUẬT SÁNG 15/02: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU DỰ ÁN LUẬT BẢO VỀ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh phiên họp

Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.

Tại Phiên họp lần thứ 20 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xin ý kiến về khái niệm người tiêu dùng quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật. Theo đó, về khái niệm người tiêu dùng còn có 02 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức trong dự thảo Luật vì trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại; việc quy định này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức khi tham gia tiêu dùng, khắc phục được hạn chế của cách quy định người tiêu dùng chỉ bao gồm cá nhân do không phải mọi tổ chức đều có khả năng tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh; quy định này kế thừa quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành và Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999; đồng thời kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặc dù quy định về vấn đề này tương đối khác nhau nhưng pháp luật một số nước vẫn điều chỉnh người tiêu dùng bao gồm cả cá nhân và tổ chức .

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng” vì theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương, trong suốt quá trình 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít; người tiêu dùng là tổ chức có nhiều điều kiện tốt hơn so với người tiêu dùng là cá nhân khi thực hiện giao dịch mua, bán và giải quyết tranh chấp; kinh nghiệm quốc tế cho thấy, pháp luật nhiều nước chỉ tập trung điều chỉnh đối tượng người tiêu dùng là cá nhân. Chính vì vậy, dự thảo Luật quy định tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cá nhân. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội.

Do còn có ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất 02 phương án dự kiến tiếp thu để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Phương án 1: Giữ như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung nội dung “và không vì mục đích thương mại”, cụ thể như sau: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh

Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, cụ thể như sau: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Đóng góp ý kiến về vấn đề trên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ nhất trí với phương án 1 như trong báo cáo của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Lý giải về quan điểm của mình, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, về nguyên tắc, "người" là cá nhân nhưng trong nhiều trường hợp, “người” có thể là cả tập thể và cá nhân. Đơn cử, Văn phòng Quốc hội cũng là người tiêu dùng khi mua các sản phẩm, văn phòng phẩm phục vụ cho các cơ quan của Quốc hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ đây cũng là phương án luật hiện hành đang quy định, cũng đúng theo tinh thần của thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua quá trình thực thi luật hiện hành không có khiếu nại, khiếu kiện; người tiêu dùng là tổ chức có lợi thế, vị trí tốt hơn cá nhân trong quan hệ về mua bán, sử dụng sản phẩm, hàng hoá.

Về bản chất pháp lý, nếu trong quan hệ mua bán sản phẩm, hàng hoá phục vụ mục đích tiêu dùng có tổ chức và cá nhân thì pháp luật phải điều chỉnh cả tổ chức và cá nhân. Đặc biệt, tinh thần của pháp luật là phải dự liệu được các tình huống để điều chỉnh hành vi, do đó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật bày tỏ đồng tình với phương án 1 mà Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đưa ra. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đề nghị quy định “người tiêu dùng là cá nhân, tổ chức mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt cá nhân của gia đình, tổ chức”; đồng thời đề nghị cân nhắc về quy định “không vì mục đích thương mại”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cơ bản thống nhất nội dung giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, khái niệm người tiêu dùng cần nêu rõ người tiêu dùng gồm cả tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, để luật bao quát và giải quyết được các vấn đề liên quan đến tiêu dùng giữa các tổ chức, vốn là vấn đề tương đối phức tạp, khó xử lý hiện nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị quy định giải thích khái niệm “người tiêu dùng” như sau: “Người tiêu dùng là người mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại.

Tán thành với phương án này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, khái niệm người tiêu dùng có cả tổ chức sẽ tạo cơ chế bảo vệ nhanh chóng, hiệu quả khi xảy ra các trường hợp số đông người tiêu dùng bị thiệt hại do vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh, nhất là các trường hợp như nhà trẻ, trường học, doanh nghiệp mua hàng tiêu dùng cho trẻ em, học sinh, cho công nhân,… 

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra rằng luật hiện hành đang quy định khái niệm người tiêu dùng gồm cả cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng luật, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đều cho biết thế giới còn một số nước quy định áp dụng cả hai hình thức này. Bên cạnh đó, luật hiện hành đang bảo vệ cả tổ chức và cá nhân nhưng quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng hơn tính đặc thù, thực tiễn thi hành pháp luật của Việt Nam cũng như tính hiệu quả, khả thi trong thực thi pháp luật nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước một cách lành mạnh.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, nêu rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, ưu điểm, nhược điểm của từng loại ý kiến để làm rõ, thuyết phục hơn việc mở rộng khái niệm người tiêu dùng gồm cả tổ chức./.

Minh Thành