HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI) ĐẢM BẢO PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

14/02/2023

Theo dự kiến chương trình Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đây là dự án Luật quan trọng, có tầm ảnh hưởng rộng, đối tượng chịu tác động lớn, nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cử tri và nhân dân cả nước.

Theo dự kiến chương trình Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đây là dự án Luật quan trọng, có tầm ảnh hưởng rộng, đối tượng chịu tác động lớn, nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cử tri và nhân dân cả nước.

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sau gần 12 năm thực thi, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản để thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Luật có phạm vi tác động, ảnh hưởng rộng rãi, không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn doanh, cung đối với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và các cơ quan tổ chức có liên quan.

Bên cạnh các kết quả tích cực, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành, trong đó có các quy định quan trọng liên quan đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... 

Do đó, việc hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trong đó quan trọng nhất là sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) làm tiền đề cho việc tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhu cầu cấp thiết và cần sớm được triển khai nhằm bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người tiêu dùng trong bối cảnh mới.

Quốc hội đã cho ý kiến vềdự án Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở những ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.

Trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2023, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức hội thảo để tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về lĩnh vực này. Nhiều ý kiến sâu sắc, toàn diện đã được đóng góp tập trung vào các nội dung như: trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trùng lặp, chồng chéo với các quy định trong Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; vai trò của cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội trong quá trình thương lượng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc bán hàng đa cấp...

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật và sự hiệu quả trong quá trình thực thi các quy định pháp luật, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần xem xét loại bỏ các quy định trong dự án Luật về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trùng lặp, chồng chéo với các quy định trong Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các điều khoản về bảo vệ thông tin người tiêu dùng (nếu có), chỉ nên quy định dưới dạng dẫn chiếu sang pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bởi điều này là phù hợp với chủ trương, nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo ra một khung khổ pháp lý chung, thống nhất trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu của cá nhân.

Hội thảo về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Đề cập quy định về vai trò của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội trong quá trình thương lượng, một số ý kiến cho rằng, Khoản 3, Điều 55 và các khoản 3, 4, 5, Điều 56 quy định: Người tiêu dùng có quyền yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm hỗ trợ người tiêu dùng trong việc thương lượng. Việc này có nghĩa là người tiêu dùng được quyền đồng thời đề nghị cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội hỗ trợ. Việc thương lượng diễn ra rất nhiều trên thực tế; kết quả thương lượng do các bên thiện chí thực hiện mà không có giá trị pháp lý bắt buộc; vai trò tham gia của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội chỉ có ý nghĩa hỗ trợ. 

Thêm vào đó, nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên quy định người tiêu dùng yêu cầu một trong hai tổ chức tham gia hỗ trợ, trừ một số trường hợp đặc biệt như tổ chức, cá nhân kinh doanh không trả lời trong thời hạn quy định hoặc tổ chức được yêu cầu không tham gia hỗ trợ khi đã hết thời hạn quy định. Các khoản 5 và 6, Điều 56 quy định về thời hạn báo cáo kết quả cho cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội dựa vào “thời điểm kết thúc thương lượng”. Tuy nhiên, không xác định được khi nào là thời điểm kết thúc thương lượng. Do vậy, cần xác định thời điểm kết thúc thương lượng đồng thời cần ấn định ngày chậm nhất phải báo cáo trong trường hợp không xác định được thời điểm kết thúc thương lượng.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc bán hàng đa cấp, nhiều ý kiến cho rằng, quy định của hợp đồng bán hàng đa cấp, cũng như định nghĩa về bán hàng đa cấp tại Khoản 7 Điều 3 dự án Luật, người tham gia bán hàng đa cấp được doanh nghiệp trả hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của những người khác trong mạng lưới. Người tham gia bán hàng đa cấp không phải là nhân viên của doanh nghiệp cũng như không đại diện cho doanh nghiệp trong giao dịch bán hàng cho người tiêu dùng. Với cách tiếp cận xuyên suốt như vậy, việc quy định tổ chức bán hàng đa cấp phải “Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người tiêu dùng đối với hoạt động của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp” tại điểm đ Khoản 1 Điều 45 dự án Luật là chưa phù hợp. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp không nên và không thể chịu trách nhiệm cho hành vi của một chủ thể khác trong mối quan hệ của chủ thể đó với người tiêu dùng.

Ngoài ra, liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là người yếu thế, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, người yếu thế có thể rất dễ bị tổn thương nếu như quyền lợi của họ không được đảm bảo hoặc không được quan tâm khi mua bán sản phẩm, hàng hóa. Do đó, trong dự án Luật cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế như người tàn tật, khuyết tật, người nghèo...; quy định rõ các tổ chức, đơn vị phải có trách nhiệm không được từ chối bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế, dễ bị tổn thương.

Minh Hùng