DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI): CÂN NHẮC LỘ TRÌNH THỰC HIỆN VIỆC MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH ĐỂ ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI

14/02/2023

Theo chương trình Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Quan tâm đến nội dung này, các đại biểu và chuyên gia tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật, tuy nhiên đề nghị cần cân nhắc lộ trình thực hiện việc mở rộng phạm vi điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi, đồng thời làm rõ các tiêu chí xác định một dịch vụ tin cậy.

TỔNG THUẬT SÁNG 11/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Dự kiến tại chương trình Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này và tiếp tục xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) tới.

Quan tâm đến dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đa số các đại biểu và chuyên gia tán thành với việc sớm sửa đổi Luật này nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về giao dịch điện tử, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và thực tiễn thực hiện trong những năm qua. Đồng thời tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật giao dịch điện tử (sửa đổi).

Cần cân nhắc lộ trình thực hiện việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đảm bảo tính khả thi

Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến.

Góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cơ bản tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật trong điều kiện hiện nay khi công nghệ số ở Việt Nam đã và đang phát triển so với trước đây, chữ ký số đã được áp dụng; pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, như Indonesia, Philippines, Hàn Quốc cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh giao dịch điện tử trong nhiều lĩnh vực, không có loại trừ. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của Luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ về mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh như thế nào là hợp lý, cân nhắc lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, bảo đảm an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử.

Bởi vì, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác là các giấy tờ được cấp một lần cho cá nhân, gia đình để lưu giữ, quản lý và sử dụng khi cần thiết; trong số đó có các giấy tờ như giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử… thì khi cấp cần phải có mặt của những người có liên quan hoặc thân nhân của họ, trong trường hợp này thì việc cấp trực tiếp các giấy tờ này vẫn thuận lợi hơn so với cấp trực tuyến.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, trong các giấy tờ nêu trên có thể có thông tin liên quan đến “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” mà theo quy định tại Điều 21 của Hiến pháp là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cấp trực tuyến các loại giấy tờ nêu trên sẽ làm gia tăng một khối lượng lớn công việc phải giao dịch trên môi trường mạng. “Liệu hạ tầng công nghệ, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử hiện nay, cũng như nguồn nhân lực, thiết bị có đáp ứng được yêu cầu không? Việc kết nối liên thông cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan có thẩm quyền liệu có bảo đảm đáp ứng yêu cầu để thực hiện cấp trực tuyến các loại giấy tờ nêu trên cho cá nhân, gia đình không?”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến băn khoăn. Đây là những vấn đề cần được đánh giá tác động kỹ để làm cơ sở mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ về lộ trình thực hiện, mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này để bảo đảm tính khả thi.

Rà soát nội dung về chứng thực hợp đồng điện tử tránh mâu thuẫn, chồng chéo

Quan tâm đến quy định dịch vụ tin cậy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công thương Nguyễn Anh Sơn cho rằng, khi tham chiếu sang quy định của pháp luật về đầu tư, dich vụ tin cậy chưa có nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo pháp luật về đầu tư. Vì vậy, Vụ trưởng Vụ pháp chế Nguyễn Anh Sơn đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý, nghiên cứu phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung các loại hình dịch vụ này.

Đề cập đến vấn đề chứng thực hợp đồng điện tử, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Sơn nhận thấy, hợp đồng điện tử là một hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu. Do vậy, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu sẽ có thể bao gồm dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (hiện nay đang được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP). Do đó, với quy định như tại dự thảo Luật có thể gây chồng chéo về quản lý khi triển khai thực hiện. Vì vậy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Anh Sơn đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý rà soát về nội dung này, tránh mâu thuẫn, chồng chéo với hệ thống pháp luật.

Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các tiêu chí xác định một dịch vụ tin cậy

Quan tâm đến dự án Luật này, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Khoa học của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, về cơ bản, các nội dung quy định tại dự thảo Luật hiện nay đã khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, đặc biệt việc công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống với các điều kiện kèm theo. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với lộ trình chuyển đổi số của nền kinh tế nói chung, trong bối cảnh nhu cầu giao dịch điện tử tăng trưởng nhanh chóng hiện nay. Dự thảo Luật giúp các ngành, lĩnh vực trong đó có lĩnh vực ngân hàng có cơ sở pháp lý hoàn thiện để đẩy mạnh các hoạt động giao dịch điện tử, chuyển đổi số thành công.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Khoa học của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội 

Đề cập đến nội dung quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử (Điều 6), TS. Cấn Văn Lực đề nghị nên bổ sung: cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, phục vụ giao dịch điện tử an toàn, hiệu quả. Liên quan đến Điều 14.a của dự thảo Luật, TS. Cấn Văn Lực băn khoăn, cơ quan, tổ chức có giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu là cơ quan nào, tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập và cung ứng dịch vụ này như thế nào, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm.

Theo TS. Cấn Văn Lực, quy định pháp luật hiện hành trong ngành ngân hàng mở ra rất nhiều cơ hội cho phép các Tổ chức tín dụng (TCTD) và khách hàng ký kết hợp đồng dịch vụ ngân hàng bằng phương thức điện tử (trong đó có việc thực hiện giao dịch tài khoản thanh toán, mở Tài khoản thanh toán, phát hành thẻ… bằng phương thức điện tử)... Trường hợp pháp luật chỉ thừa nhận “chứng thư điện tử được ký bằng chữ ký số” có giá trị chứng minh Chữ ký điện tử gắn với chủ thể ký thì sẽ khiến cho TCTD tăng chi phí, tăng thời gian vận hành khi cung cấp chứng thư điện tử chữ ký số theo yêu cầu. Vì vậy, TS. Cấn Văn Lực đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định cho phép TCTD được chủ động thỏa thuận với Khách hàng về biện pháp chứng minh chữ ký điện tử gắn với chủ thể ký.

Khoản 6 Điều 21 của dự thảo Luật quy định: “Trong trường hợp pháp luật yêu cầu hoặc cho phép sửa đổi kết quả giải quyết thủ tục hành chính, văn bằng, chứng nhận, chứng chỉ, văn bản chấp thuận, văn bản xác nhận hoặc các hình thức tương tự khác thì quy định đó được đáp ứng đối với chứng thư điện tử nếu một dịch vụ tin cậy được sử dụng để chứng nhận, công nhận việc sửa đổi thông tin trong chứng thư điện tử, đồng thời đảm bảo thông tin sửa đổi luôn được kiểm soát và nhận biết được”. Do đó, TS. Cấn Văn Lực đề nghị Ban soạn thảo làm rõ: các tiêu chí xác định một dịch vụ tin cậy là như thế nào, đơn vị nào được cung cấp hợp pháp dịch vụ này./.

Bích Ngọc