TỔNG THUẬT CHIỀU 14/02: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

14/02/2023

5275 lượt xem

Tiếp tục Chương trình làm việc, 14h00 chiều 14/02, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ''cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự" và ''xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 01/2023".

TỔNG THUẬT SÁNG 14/02: TỔNG KẾT KỲ HỌP BẤT THƯỜNG THỨ 2 VÀ THỨ 3, XEM XÉT DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT HƯỚNG DẪN THI HÀNH NỘI QUY KỲ HỌP

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung Phiên họp

Theo Chương trình Phiên họp thứ 20, chiều nay (14/02), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét "cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự", đồng thời "xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 01/2023".

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung Phiên họp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật nội dung Phiên họp:

16h56: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 01/2023.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2022 và tháng 1/2023, báo cáo được tổng hợp trên cơ sở tư liệu của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan trung ương, các bộ, ngành. Báo cáo đã tổng hợp khái quát hoạt động dân nguyện của Quốc hội, cung cấp thông tin, đánh giá tình hình triển khai công tác dân nguyện thuộc trách nhiệm của các cơ quan.

Trên cơ sở tình hình công tác dân nguyện trong kỳ báo cáo, Ban Dân nguyện cũng đã kiến nghị một số nội dung cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các đoàn ĐBQH, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của Ban Dân nguyện trong công tác theo dõi, đôn đốc, thống kê, tổng hợp báo cáo đảm bảo chất lượng nội dung, đưa ra kiến nghị cụ thể đối với các vụ việc. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với các nội dung kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến tại phiên họp, để hoàn thiện báo cáo, xin ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua đó gửi đến các cơ quan để tiếp tục theo dõi việc thực hiện. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần sớm chuẩn bị thông báo dự thảo kết luận kèm theo để Tổng Thư ký Quốc hội ký ban hành.

16h52: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đã có trao đổi về vụ việc cụ thể. Theo đó cho biết, Hội đồng Dân tộc đã có theo dõi nắm tình hình các vụ việc đồng thời sẽ phối hợp với Ban Dân nguyện để theo dõi, đôn đốc giải quyết.

Trước tình hình khiếu nại phức tạp của một số hộ dân, Hội đồng Dân tộc đã có khảo sát thực tế, có làm việc với chính quyền địa phương để nắm tình hình và tìm giải pháp giải quyết từ tháo gỡ thể chế và tăng cường trách nhiệm của địa phương.

16h48: Đại diện Bộ Công an phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, đại diện lãnh đạo Bộ Công an đồng tình với báo cáo của Ban Dân nguyện tổng hợp về tất cả các mặt liên quan trong kỳ báo cáo từ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đến nay. 

Về trách nhiệm giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri, của công dân được Bộ Công an thực hiện rất nghiêm túc, chưa có để xảy ra tình trạng quá hạn hoặc sai hạn trong kỳ báo cáo. Bộ đã tập trung xác minh, giải quyết 62/62 kiến nghị, thắc mắc của cử tri, có trả lời bằng văn bản và trả lời trực tiếp cho cử tri. 

Trong kỳ báo cáo, Bộ Công an tiếp tục nhận được 51 kiến nghị của cử tri, đang trong thời hạn giải quyết và đang chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp xác minh và trả lời kiến nghị cử tri.

Đối với những vụ việc cụ thể, Bộ Công an đang tập trung giải quyết, nhất là các vụ việc có số lượng người tập trung đông đang được cơ quan tố tụng tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Công an đã nhận báo cáo của Công an các đơn vị địa phương và tích cực chỉ đạo sát sao tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nơi phát sinh các vụ việc đông người, nhất là trong việc quy hoạch cấp đất cho xây dựng các công viên vĩnh hằng, doanh nghiệp lợi dụng để vi phạm pháp luật trong việc sử dụng đất đai. Đến nay, tất cả các công việc đều giải quyết theo đúng trình tự, không để xảy ra thêm những vấn đề về an ninh trật tự.

16h44: Đại diện Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội báo cáo làm rõ vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm

Làm rõ vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, đại diện Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội bày tỏ cơ bản thống nhất với báo cáo của Ban Dân nguyện về tiếp tục theo dõi giám sát về các vụ việc khiếu kiện của công dân. Trong đó quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật; đồng thời có kiến nghị với cơ quan hữu quan phối hợp giải quyết.

16h39: Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu

Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, tháng 1/2023 Bộ Công thương đã trả lời 69 kiến nghị của cử tri, đồng thời Bộ Công thương cũng nhận được 64 kiến nghị do Ban Dân nguyện và Văn phòng Chính phủ gửi tới. Về cơ bản, Bộ Công thương đã xử lý đúng theo tiến độ yêu cầu.

Bộ Công thương cũng hoàn toàn đồng tình với nhận xét của Ban Dân nguyện và đề xuất kiến nghị Bộ Công thương phải có công tác rà soát, trên cơ sở đó có văn bản hướng dẫn thi hành.

Bàn về quy định của pháp luật về an toàn điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, về cơ bản trong Luật Điện lực và trong các thông tư hướng dẫn đều có, đặc biệt có cả các quy định liên quan về an toàn công trình điện, trạm điện, đường dây điện, lưới điện, phát điện đấu nối; các quy định liên quan đến bồi thường. Trong Luật Điện lực đã quy định rất rõ về công tác bồi thường cũng như hỗ trợ người dân liên quan đến các công trình nhà ở, công trình xây dựng, đặc biệt là cây cối, vườn tược… 

Về thẩm quyền giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thẩm quyền giao cho UBND các cấp có trách nhiệm khi cấp các dự án cùng phối hợp với chủ đầu tư để trao đổi, bàn bạc với người dân để đảm bảo hành lang an toàn các công trình thủy lực.

Đối với các công trình điện gió, quy định về các hành lang an toàn cũng được vận dụng tương tự như với công trình điện. Nhưng trên thực tế, điện gió liên quan đến tiếng ồn và tác động của cánh quạt, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, Bộ Công thương cũng tiếp thu ý kiến của Ban Dân nguyện về vấn đề này, hiện đang trong quá trình rà soát để hướng dẫn quy chuẩn các vấn đề liên quan để đảm bảo an toàn cho người dân.

16h34: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến vào các nội dung cử tri, Nhân dân quan tâm kiến nghị. 

Báo cáo của Ban Dân nguyện đã tổng hợp từ các nguồn, các đoàn đại biểu Quốc hội, theo đó, ngoài đánh giá cao thành tựu kinh tế và điều hành chỉ đạo của Chính phủ và sự vào cuộc của Quốc hội, Nhân dân cũng quan tâm bức xúc về các sai phạm tại trung tâm đăng kiểm, tình trạng cắt giảm giờ làm, cắt giảm lao động vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương, còn tình trạng chen lấn, mất an ninh trật tự tại các lễ hội, tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay nhất là bất động sản, tình trạng cò bệnh viện… Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Chính phủ cho ý kiến thêm về những vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách, còn ý kiến của người dân khiếu nại, tố cáo.

Tại kỳ báo cáo này có thêm số liệu về kết quả xử lý các vụ hành chính và hình sự của các cơ quan trong lĩnh vực đất đai và môi trường và có 5 vụ việc đã được giải quyết. Trên cơ sở tiếp xúc cử tri và lĩnh vực được phân công, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nêu vấn đề, cho ý kiến thêm vào báo cáo để có thêm cơ sở đề nghị Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an phát biểu làm rõ thêm vấn đề trật tự an ninh, khiếu nại, tố cáo đông người trong thời gian vừa qua.

16h09: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 01/2023

Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 01/2023, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, quốc phòng, an ninh chính trị đảm bảo ổn định.

Cử tri và Nhân dân hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động của Quốc hội trong năm 2022 đã tích cực, nỗ lực không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, có những quyết sách kịp thời đóng góp vào công cuộc đẩy lùi đại dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội và phục hồi, phát triển kinh tế.

Đồng thời, cử tri đánh giá cao và tin tưởng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác này.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết cử tri quan tâm, bức xúc về sai phạm tại các Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới vừa bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian qua, việc hàng loạt các trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa, thời gian đăng kiểm kéo dài khiến lượng xe chờ đăng kiểm ùn ứ, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; vẫn xảy ra nhiều sai phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng; tình trạng chen lấn, mất an ninh trật tự và tồn tại các hoạt động tiêu cực, lợi dụng tín ngưỡng vẫn còn tồn tại ở nhiều lễ hội đầu năm trên cả nước…

Theo Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, qua tổng hợp tình hình dư luận, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân ở địa phương trước kỳ họp bất thường lần thứ Hai của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện tổng hợp được 253 kiến nghị của cử tri và đã kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. 

Trong 02 tháng qua, Ban Dân nguyện đã nhận được 1.271 văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV. Đến nay còn 213 kiến nghị gửi đến trước kỳ họp thứ Tư (chiếm 14,3%) chưa được trả lời.

Về công tác tiếp công dân của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết trong kỳ báo cáo, các cơ quan đã tiếp 690 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 687 vụ việc. 

Về việc tiếp nhận và xử lý đơn thư, các cơ quan đã nhận được 2.522 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến. Qua nghiên cứu 902 đơn đủ điều kiện xử lý, đã chuyển 458 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ban hành 157 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân.

Trên cơ sở đó, Ban Dân nguyện kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cần chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối các vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự.

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, thực hiện và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm của Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới và sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đăng kiểm; có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh, sản xuất cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay; tiếp tục đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội những tháng đầu năm, kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh tại lễ hội trên cả nước...

16h08: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 01/2023.

Phát biểu điều hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, thời gian còn lại của chiều ngày 14/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 01/2023. Tham dự phiên họp có lãnh đạo các Bộ, ngành: Bộ Công An, Bộ Công Thương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng…

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo tóm tắt công tác dân nguyên tháng 12/2022 và tháng 1/2023.

15h50: Nghỉ giải lao

15h40: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự trách nhiệm, nỗ lực, cầu thị của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành nhiều nội dung dự thảo Luật sau khi chỉnh lý, các nội dung cơ bản bám sát chủ trương đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết của Bộ Chính trị, các quy định khác của pháp luật, bảo đảm tính khả thi trong thực tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đưa nhiều ý kiến liên quan đến nguyên tắc áp dụng, sự thống nhất của dự thảo Luật với các luật khác có liên quan, phạm vi điều chỉnh, về giải thích từ ngữ xây dựng hệ thống công trình, quỹ phòng thủ dân sự, trách nhiệm quản lý nhà nước, bảo hiểm rủi ro, việc huy động, điều động lực lượng, cơ quan chỉ huy.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh phối hợp chặt chẽ với ban soạn thảo, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu xây dựng luật, sớm hoàn thiện dự thảo, báo cáo giải trình tiếp thu, chuẩn bị các phương án đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau để xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.

15h33: Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương giải trình, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Phòng thủ dân sự, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các cơ quan thẩm định để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật.

Về nội dung liên quan đến Quỹ phòng thủ dân sự, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương bày tỏ nghiêng về phương án 1 và cho rằng việc thành lập Quỹ này là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị.

Về việc thành lập Quỹ trước hay khi xảy ra rồi mới thành lập, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương phân tích hoạt động phòng thủ dân sự thì có phạm vi rất rộng, nó liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Một khi đã xảy ra sự cố, thảm họa thì gây ra ảnh hưởng rất lớn.

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho rằng, nếu có sẵn một nguồn lực trong tay thì sự cố, thảm họa xảy ra, chúng ta có ngay nguồn lực đó để sử dụng thì sẽ giải quyết được vấn đề cấp thiết xảy ra. 

Lấy ví dụ thảm họa động đất vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cươngcho rằng, một thảm họa lớn như vậy nếu không có nguồn được ngay lúc đầu thì rất là khó có thể giải quyết và đáp ứng được. Các quốc gia, các tổ chức quốc tế có viện trợ vào thì cũng phải mất một thời gian chứ không thể có ngay được. Do vậy, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương đề nghị nên có một Quỹ thành lập ngay lúc đầu.

15h28: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu 

Đánh giá cao Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí cho rằng cần tiếp tục đưa dự án Luật thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để xin ý kiến về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý rà soát dự thảo Luật để bảo đảm không chồng chéo với các luật khác; cần quy định rõ hơn tiêu chí về thảm họa. Về thành lập quỹ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng cần quy định để bảo đảm minh bạch.

Đồng thời nhấn mạnh, cần làm rõ hơn trách nhiệm của các cấp từ trung ương (Chính phủ, các bộ, ngành) đến địa phương. Đồng thời nên bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thu chi trong trường hợp có Quỹ.

15h25: Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu

Khoản 4, Điều 2 của dự thảo Luật quy định: Đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ sự cố, thảm họa so với những nhóm người khác trong cộng đồng. Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, người nghèo, người mất năng lực hành vi dân sự và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, về đối tượng dễ bị tổn thương, cần bổ sung thêm đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống trong điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vì người dân ở đây thu nhập thấp, mặt bằng dân trí không cao, có rào cản ngôn ngữ, là đối tượng dễ bị tổn thương, cần có sự hỗ trợ kịp thời.

Về Quỹ phòng thủ dân sự, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, nên có Quỹ phòng thủ dân sự để có sẵn nguồn lực dự phòng cho công tác hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, địch họa, phục hồi kinh tế sau sự cố, thảm họa. Việc phục hồi cần thu hút nguồn lực rộng lớn, Luật cần có quy định chặt chẽ, khả thi để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tế.

15h22: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Thống nhất với các ý kiến của các Ủy viên Thường vụ đã phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng bản dự thảo trình lần này đã được chỉnh lý khá hoàn chỉnh. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cần lưu ý các nguyên nhân của các sự cố, thảm họa để có cách tiếp cận xử lý hậu quả phù hợp.

Về Quỹ phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh thống nhất cần lập Quỹ phòng thủ dân sự và cho rằng nguồn vốn căn bản cho Quỹ cần ưu tiên trong 10% ngân sách dự phòng của các địa phương. Và nếu được thì nên Luật hóa quy định này trong dự thảo.

15h18: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Góp ý về Quỹ phòng thủ dân sự (Điều 44) của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đồng tình với việc duy trì Quỹ và đề nghị giữ hai phương án trong dự thảo luật để tiếp tục thảo luận, cho ý kiến, trong đó mỗi phương án cần có giải trình cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng quy định như phương án 2 có sự linh hoạt hơn, tuy nhiên, trong một số điều cuối liên quan đến các luật khác cũng đề cập đến quỹ, nên khi sửa các luật khác liên quan đến quỹ cũng cần đề cập đến hai phương án. Nếu quy định như phương án 1 trong dự thảo luật sẽ có sự trùng lặp về nội dung hoạt động vì vậy, cần phải xin ý kiến theo hai phương án.

Theo quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh để dễ thực thi trong thực tế nên quy định như trong phương án 2 của dự thảo luật.

15h11: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Đánh giá Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự cơ bản tốt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, so với dự thảo trước, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự lần này được tiếp thu rất nhiều, từ ý tưởng ban đầu đến bước tiếp thu này là quá trình rất dài, có một số nội dung chưa đồng bộ nên còn có sự vênh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, đây là luật điều chỉnh chung, trong khi đã có nhiều luật quy định cụ thể và được thực hiện ổn định, do vậy nguyên tắc áp dụng pháp luật cần rà soát lại toàn bộ dự án Luật này đồng thời lấy ý kiến Chính phủ và Bộ Tư pháp tham mưu giúp Chính phủ vấn đề này. 

Về phân loại cấp độ phòng thủ dân sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận thấy, việc phân loại cấp độ phòng thủ phải tương xứng với cấp độ của các Luật khác như Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Lâm nghiệp…

Về Quỹ phòng thủ dân sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng tình với phương án 2 của dự án Luật, tức là khi cần thì Chính phủ thành lập Quỹ. 
Đề cập đến Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần rà soát kỹ, lưu ý việc không trùng lên các luật khác và phải chuyên sâu, nếu gộp hết lại thì cần phải cân nhắc, đảm bảo sự chỉ đạo toàn diện và có chuyên ngành, tức là vừa toàn diện vừa chuyên sâu và giao cho Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần rà soát kỹ các luật khác, thận trọng để đảm bảo tính đồng bộ. Đề nghị Thường vụ Quốc hội cân nhắc những nội dung còn ý kiến khác nhau giữa Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo thì có thể xin ý kiến Hội nghị ĐBQH chuyên trách, sau đó hoàn chỉnh, trước khi trình Quốc hội thì lấy ý kiến của Chính phủ và đề nghị Bộ Tư pháp giúp Chính phủ có văn bản trả lời cụ thể.

14h46: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng  cho biết thời gian qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp chặt chẽ Ủy ban Quốc phòng – An ninh và Bộ Quốc phòng và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Trong đó, nhiều ý kiến góp ý của Thường trực Pháp luật đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng  cho rằng, dự thảo Luật lần này được chỉnh lý nhiều nội dung và được làm rõ hơn so với dự thảo trình lần đầu; khẳng định dự thảo luật bám sát chủ trương đường lối của Đảng và các văn bản liên quan về phòng thủ dân sự. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự năm 2030 năm tiếp theo có nêu một trong những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể là xây dựng Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó chú trọng bổ sung cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chủ trương, chính sách trưng thu, trưng dụng, huy động lực lượng, phương tiện vật chất cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Đặc biệt, trong lĩnh vực phòng chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa sự cố thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm. Qua đối chiếu với yêu cầu này cho thấy dự thảo Luật đã được tiếp thu một bước so với dự thảo ban đầu. 

Về giải thích từ ngữ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cơ bản tan thành với giải trình về nội dung giải thích từ ngữ nhất là 3 từ ngữ quan trọng nhất ở trong dự thảo này là phòng thủ dân sự  - sự cố - thảm họa. 

Liên quan đến cấp độ phòng thủ dân sự quy định tại Điều 5 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy Ủy ban Pháp luật cho rằng nếu phân định các dạng thảm họa sự cố bằng nguyên nhân dẫn đến thảm họa sự cố do chiến tranh, do thiên tai, do dịch bệnh thì thực tế không có nhiều ý nghĩa.

Về đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa sự cố dự thảo Luật gắn luôn với cả phòng thủ dân sự theo từng cấp độ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định như dự thảo Luật lần này là tương đối rõ và cách thể hiện lần này là gọn hơn và dễ theo dõi hơn.

Dự thảo luật đề ra có 4 tiêu chí để xác định cấp độ phòng thủ dân sự là về phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng hậu quả có thể xảy ra sự cố thảm họa; đặc điểm vị trí địa lý dân cư, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; diễn biến mức độ gây thiệt hại và thiệt hại do sự cố thảm họa gây ra và khả năng phó khắc phục hậu quả. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng khi có quy định về tiêu chí thì quy định các cấp độ phòng thủ dân sự cũng phải gắn với đầy đủ 4 tiêu chí trên. Do đó cần rà soát và bổ sung thêm những dấu hiệu, những tiêu chí để đánh giá cấp độ phòng phủ đảm bảo đầy đủ, cụ thể hơn để vận dụng trong thực tiễn. 

Về lực lượng, dự thảo Luật mới đề cập chung đến lực lượng chuyên trách nhưng  lại không quy định cụ thể lực lượng chuyên trách là lực lượng như thế nào? Lực lượng chuyên trách của Quân đội nhân dân, của Công an nhân dân, của bộ, ngành, địa phương sẽ như thế nào. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, không thể có một lực lượng chuyên trách mà tùy theo loại sự cố, loại thảm họa để có những lượng chuyên trách khác nhau. Do đó đề nghị làm rõ hơn để có quy định cụ thể hơn trong luật này để từ đó quy định về vấn đề về kinh phí và điều kiện bảo đảm. 

Liên quan đến các biện pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, dự thảo Luật quy định về hoạt động phòng ngừa, hoạt động phòng thủ khi có nguy cơ xảy ra và hoạt động phòng thủ dân sự khi xảy ra và khắc phục hậu quả. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là vấn đề khó xử lý nhất khi liên quan đến quy định về các biện pháp cụ thể để phòng chống và khắc phục hậu quả của các loại sự cố thảm họa đã được quy định ở trong các luật chuyên ngành. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu thêm quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật để đảm bảo không chồng chéo, đảm bảo khi có tình huống xảy ra các cơ quan, tổ chức, các bộ, ngành, các địa phương biết là phải làm như thế nào. 

Liên quan đến Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị có quy định cụ thể hơn một bước về chức năng, nhiệm vụ chính của Ban Chỉ đạo về phòng thủ dân sự các cấp làm cơ sở để sau Chính phủ quy định chi tiết.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho ý kiến về Quỹ phòng thủ dân sự, bày tỏ ủng hộ phương án 2 là không tổ chức quỹ này và khi cần thiết thì Chính phủ thành lập giống như Quỹ Covid-19 vừa qua.

14h44: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh có đề xuất thêm bảo hiểm rủi ro và các vấn đề liên quan đến điều động và huy động, do đó có 9 vấn đề cần còn ý kiến khác nhau và cần phải cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xin ý kiến thảo luận thêm của đại biểu Quốc hội chuyên trách, sau đó tổng hợp, lấy ý kiến của Chính phủ trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

14h35: Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Tham gia phát biểu, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, so với phiên bản đầu tiên, dự thảo Luật trình lần này đã có bước tiến lớn về nội dung các quy định, đảm bảo chặt chẽ hơn, chất lượng cao hơn.

Trưởng Ban Công tác đại biểu đánh giá cao Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tích cực tiếp thu các nội dung được cho ý kiến, nhất là về cấp độ phòng thủ dân sự. 

Về khái niệm “phòng thủ dân sự”, Trưởng Ban Công tác đại biểu tán thành với khái niệm được quy định trong dự thảo Luật, theo đó, phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. 

Về nội dung được đề nghị bổ sung thêm vào phần giải thích khái niệm, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng nội dung bổ sung đó đã được luật hóa trong dự thảo Luật tại một số Điều, khoản khác, vì vậy không cần thiết phải bổ sung thêm nội dung đó vào phần giải thích khái niệm “phòng thủ dân sự”. 

Về nội dung quy định liên quan đến Quỹ phòng thủ dân sự, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, việc quản lý và sử dụng quỹ này trong thực tế có xuất hiện những vướng mắc, bất cập, chồng chéo. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế cho thấy cần thiết phải có Quỹ này.

Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị cần thiết kế phương án để kết hợp các nội dung của phương án 1, phương án 2 trong báo cáo của Ủy ban Quốc phòng, an ninh, để đưa ra quy định phù hợp, đảm bảo Quỹ này huy động được, quản lý và sử dụng một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

14h28: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, thời gian qua Bộ Tư pháp đã tham gia phối hợp chặt chẽ trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật này.

Bày tỏ đồng tình với các nội dung về kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, Bộ Tư pháp sẽ tham gia ý kiến về một số nội dung mang tính nguyên tắc như các nguyên tắc áp dụng pháp luật, bảo hiểm sự cố, các dạng thảm họa sự cố.

Về nguyên tắc áp dụng pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, hiện có tới 95 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực của Luật phòng thủ dân sự, gồm 53 Luật, 28 Nghị định.

Như vậy, hiện nay các quy định về phòng thủ dân sự đang được quy định rải rác ở rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Nhiều Luật quan trọng đã có quy định về phòng thủ dân sự như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật phòng cháy, chữa cháy…

Do vậy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, khi thiết kế dự án luật này cần quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc và sẽ áp dụng những quy định chung nhất. Nội dung về nguyên tắc áp dụng pháp luật là vấn đề cần được cân nhắc để tránh gây khó khăn và lúng túng trong quá trình áp dụng luật. Bởi khi các thảm họa, sự cố, thiên tai xảy ra, sẽ rất khó cho các cơ quan áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật nếu chúng ta không có hình thức cụ thể…(Còn tiếp)

Về vấn đề bảo hiểm rủi ro, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho  biết, đây là vấn đề đã được cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng thành chính sách và trình Quốc hội từ giai đoạn lập. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị tiếp tục thảo luận kỹ trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật. 

Về các dạng thảm họa, sự cố, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý thì đã bỏ quy định về các dạng thảm họa, sự cố. Tuy nhiên, dự thảo Luật có một Chương quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành đối với từng loại thảm họa, sự cố khác nhau. Ví dụ như Bộ Công an thì sẽ chịu trách nhiệm về các dạng thảm họa, sự cố về phòng cháy, chữa cháy, về an ninh mạng; Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về các dạng thảm họa, sự cố về giao thông;  Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về các dạng thảm họa, sự cố về môi trường…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, nếu chúng ta bỏ các quy định về các cái dạng thảm họa, sự cố ở trong dự thảo luật lần này sẽ không đảm bảo được tính kết nối với việc giao trách nhiệm cho các cơ quan có liên quan đối với từng loại thảm họa, sự cố riêng biệt.

14h17: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận

Điều hành nội dung phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 lần, Tổng Thư ký Quốc hội đã có các thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này. Dự án Luật cũng đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết của việc xây dựng luật, đồng thời bổ sung nhiều ý kiến xác đáng để hoàn thiện dự án Luật.

Sau Kỳ họp, Ủy ban Quốc phòng, An ninh đã phối hợp chặt chẽ với ban soạn thảo, các cơ quan chức năng tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, đã có báo cáo gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung cụ thể. Tuy nhiên, đây là dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong khi các lĩnh vực này đã có các luật chuyên ngành điều chỉnh cụ thể.

Vì vậy, để đảm bảo dự thảo Luật Phòng thủ dân sự phù hợp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các nội dung trọng tâm của dự thảo Luật và các vấn đề các đại biểu quan tâm.

14h02: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự

Báo cáo về một số nội dung của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 các vị ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Sau kỳ họp, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo đó, về ý kiến đề nghị bổ sung vào cuối khái niệm “Phòng thủ dân sự” tại khoản này nội dung “hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống Nhân dân, đưa hoạt động kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trở lại trạng thái bình thường”, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, khái niệm “Phòng thủ dân sự” tại dự thảo Luật Chính phủ trình đã kế thừa các quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Quốc phòng năm 2018, đồng thời bổ sung cụm từ “khắc phục hậu quả” vào trước từ “chiến tranh” để thể chế Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Do đó, để bảo đảm tính khái quát, thống nhất trong hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cho giữ khái niệm Phòng thủ dân sự như dự thảo.

Về khái niệm “Sự cố” và “Thảm họa”, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng khái niệm “Thảm họa” tại khoản 3 dự thảo Luật đã được quy định tại khoản 13 Điều 2 Luật Quốc phòng năm 2018. Các loại “sự cố” hiện đang được quy định gắn với đặc điểm, tính chất của các sự kiện chuyên biệt do các luật chuyên ngành điều chỉnh.

Do đó, việc giải thích khái niệm “sự cố” là cần thiết để bảo đảm tính thống nhất chung, đồng thời không trùng với các loại “sự cố” đã được quy định. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cho chỉnh lý lại khái niệm sự cố “là tình huống bất thường do thiên nhiên, dịch bệnh, con người hoặc do hậu quả chiến tranh gây ra có nguy cơ dẫn tới thảm họa”.

Về các dạng thảm họa, sự cố (Điều 5); đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố (Điều 6) và cấp độ PTDS (Điều 21), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, việc phân loại như dự thảo Chính phủ trình mang tính khái quát, trong khi hai khái niệm“Sự cố” và “Thảm họa” quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 đã thể hiện rõ các nguyên nhân cơ bản của sự cố, thảm họa. Do đó việc quy định các dạng sự cố, thảm họa ở dự thảo Luật có thể dẫn đến trùng lặp, khó phân biệt, vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bỏ Điều này.

Về đánh giá mức độ rủi ro thảm họa, sự cố (Điều 6) và cấp độ Phòng thủ dân sự (Điều 21), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, do đặc điểm, tính chất các loại sự cố nên cách thức, tiêu chí phân loại, đánh giá mức độ rủi ro do các loại sự cố cũng khác nhau. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thống nhất với cơ quan soạn thảo đề nghị cho bỏ quy định về đánh giá mức độ rủi ro tại khoản 1 Điều 6.

Về xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, hệ thống công trình Phòng thủ dân sự theo dự thảo Luật Chính phủ trình là rất rộng, không rõ tiêu chí để phân biệt. Hiện nay pháp luật chuyên ngành đã quy định khá cụ thể về các nội dung liên quan đến xây dựng và yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh trong hoạt động xây dựng.

Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cho sửa lại tên điều là “Công trình Phòng thủ dân sự” và chỉnh lý lại nội dung như tại Điều 11 như dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Ngoài một số vấn đề nêu trên, trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã báo cáo, làm rõ về những nội dung như: cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự; về Quỹ phòng thủ dân sự; về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự… dự thảo Luật đã được chỉnh lý cơ bản ở phần lớn các chương, điều. Sau chỉnh lý Dự thảo có 07 Chương, 55 điều, bổ sung 03 điều mới, giảm 16 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu các ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 4 và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật Phòng thủ dân sự gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội.

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, theo chương trình, thời gian từ 14h00 đến 15h30 chiều ngày 14/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Dự phiên họp về phía các Bộ, ngành có Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh; Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh…

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày tóm tắt Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội