CHÍNH SÁCH VÀ NGUỒN LỰC BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN, VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG HUẾ

06/02/2023

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương còn lưu giữ hệ thống di tích văn hóa nổi bật của quốc gia. Thời gian qua, địa phương đã tập trung làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa truyền thống Huế. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị một số giải pháp nhằm phát huy tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới.

ĐBQH DƯƠNG VĂN PHƯỚC: GIỮ GÌN KHÔNG GIAN TRANG NGHIÊM CỦA DI SẢN VĂN HÓA CỘT CỜ HÀ NỘI

TS.PHAN THANH HẢI: SỚM SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT DI SẢN VĂN HÓA ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC THI CHÍNH SÁCH BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Hành lang pháp lý hiệu quả cho công tác bảo tồn

Từ hơn 700 năm trước, Thừa Thiên Huế đã là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Với vị trí trọng yếu, là địa bàn mang tính chiến lược nên Huế luôn được lựa chọn để xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa... tương ứng với thời kỳ Thừa Thiên Huế đóng vai trò là thủ phủ Đàng Trong (1636-1775), rồi kinh đô của 2 triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn (1788-1945). Chính điều này đã tạo tiền đề làm cho Huế có mật độ di sản dày đặc, nhiều loại hình phong phú.

Ngày nay, Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu... cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm.

Huế cũng là nơi có di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống di tích lịch sử cách mạng vô cùng quý giá. Di sản Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao là 7 di sản gắn liền với vùng đất Huế đã được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993); Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017).

Toàn tỉnh có gần 1000 công trình, địa điểm được kiểm kê, trong đó có 03 quần thể/hệ thống di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh và 205 công trình, địa điểm lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tiêu biểu thuộc Danh mục Kiểm kê di tích của tỉnh Thừa Thiên Huế. Hệ thống di tích này đã được UBND tỉnh phân công quản lý để cụ thể cho từng đơn vị chuyên môn, địa phương nâng cao trách nhiệm, vai trò quản lý nhà nước và huy động nguồn lực cộng đồng cùng tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Hiện nay, diện mạo Quần thể Di tích Cố đô Huế đã có nhiều chuyển biến tích cực

Sự hội tụ, kết tinh của di sản Huế còn được thể hiện qua nhiều loại hình di sản độc đáo khác như: Ca Huế, Ca kịch Huế, Tuồng, lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống… thể hiện đời sống tinh thần của cư dân xứ Huế qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Trên địa bàn tỉnh, có 3 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ca Huế (2015), Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (2016) và Lễ hội truyền thống A Da Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô.

Cùng với đó, sự ra đời của 05 bảo tàng công lập (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; Bảo tàng Lịch sử Lịch sử Thừa Thiên Huế; Bảo tàng Mỹ Thuật Huế; Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung); 05 bảo tàng ngoài công lập (Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ, Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham) và các nhà trưng bày cho thấy Huế là một trong những trung tâm có hệ thống bảo tàng độc đáo, phong phú về loại hình.

Các bảo tàng là nơi lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật gắn liền với văn hóa cung đình, văn hóa dân gian, về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử cách mạng, các anh hùng, danh nhân tiêu biểu, nghệ sỹ tài hoa của quê hương đất nước, trong đó có nhiều hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đến nay, Huế có 10 nhóm hiện vật và hiện vật (gồm 35 hiện vật) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia: Bộ Cửu vị thần công, Bộ Cửu đỉnh, Đại hồng chung chùa Thiên Mụ, Bia Khiêm Cung Ký, Bộ sưu tập vạc đồng thời Chúa Nguyễn, Ngai vua triều Nguyễn, Áo Tế giao, Bia Ngự kiến Thiên Mụ tự (do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý) và Bộ chóp tháp Champa Linh Thái, Bệ thờ Vân Trạch Hòa (do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế quản lý).

Từ năm 1993, sau khi được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới, công tác bảo tồn, tu bổ đã được tập trung triển khai và thu được những kết quả tốt, diện mạo Quần thể Di tích Cố đô Huế ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp” để chuyển sang giai đoạn “ổn định và phát triển bền vững”. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung ngân sách đầu tư để trùng tu các công trình tiêu biểu như: Ngọ Môn, Cung Trường Sanh, Cung Diên Thọ, Lầu Tứ Phương Vô Sự (Đại Nội), Phu Văn Lâu, Lầu Tàng Thơ, Cung An Định,…; một số công trình tại lăng vua Gia Long, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, vua Tự Đức, vua Đồng Khánh...; các di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan và làng Dương Nỗ, di tích nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu, di tích Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, di tích về danh tướng Nguyễn Tri Phương, di tích tháp Chăm Phú Diên...

Ngoài công tác trùng tu di tích còn chú trọng đến điều tra, nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể như nghệ thuật cung đình, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế, như: Lễ hội Cầu Ngư, lễ tế Nam Giao, lễ tế Xã Tắc, Ca Huế, Ca kịch Huế và các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc thiểu số (Tà Ôi, Cơ Tu). Tiếp tục thực hiện tốt việc bảo tồn nhà vườn truyền thống, làng cổ Phước Tích, phát triển du lịch cộng đồng tại Cầu ngói Thanh Toàn, bảo vệ và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, vịnh biển đẹp nhất thế giới Lăng Cô, Vườn Quốc gia Bạch Mã... Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các sản phẩm, dịch vụ tại Đại Nội và các điểm di tích trên địa bàn.

Trong những năm qua, các kỳ Festival Huế được tổ chức thành công đã góp phần khẳng định vị trí về chính trị, văn hóa và du lịch, mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế. Festival Huế 2022 là Festival đầu tiên được tổ chức theo định hướng bốn mùa, điểm nhấn là Tuần lễ Festival văn hóa, nghệ thuật mang tầm quốc gia, quốc tế với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.

Cố đô Huế được đánh giá là địa phương còn bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán... Đồng thời, biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển và đạt nhiều thành tựu từ bảo tồn di sản, đến nay đã sở hữu các thương hiệu: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”... Khai thác du lịch, dịch vụ từ di sản đã đóng vai trò chủ đạo của kinh tế địa phương (kinh tế dịch vụ chiếm từ 51-53% GDP, trong đó dịch vụ, du lịch từ di sản chiếm tỷ trọng chính), doanh thu toàn xã hội từ du lịch, dịch vụ dựa trên nền tảng khai thác di sản văn hóa chiếm tỷ trọng cao. Nhiều năm liền, Thừa Thiên Huế luôn được bình chọn là điểm đến an toàn thân thiện của du lịch Việt Nam.

Hiện nay, diện mạo Quần thể Di tích Cố đô Huế đã có nhiều chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp” để chuyển sang giai đoạn “ổn định và phát triển bền vững” với gần 200 công trình và hạng mục công trình được tu bổ, phục hồi, tôn tạo. Đồng thời, với sự quan tâm của Chính phủ, tỉnh đã di dời hơn 1.800 hộ dân ra khỏi khu vực I bảo vệ di tích; công tác điều tra, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng. Tỉnh đã xây dựng và khai thác có hiệu quả các sản phẩm thương hiệu đặc trưng như  “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, “Huế - Thành phố Lễ hội”...

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, Nghị quyết 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội đã mang lại nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, thành công trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản và văn hóa truyền thống Huế có sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực của địa phương trong ban hành và triển khai các cơ chế chính sách gắn liền nguồn lực hiệu quả.

Dẫn chứng có Nghị quyết 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội đã mang lại nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế. Đó là cho phép giữ lại toàn bộ phí thu tham quan di tích Huế để thực hiện việc đầu tư trùng tu di tích. Thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế, cơ chế đặc thù này có thể huy động các nguồn lực từ ngân sách qua sự hỗ trợ của các địa phương, từ các cá nhân, tổ chức… cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế.

Thừa Thiên Huế cũng xây dựng chính sách về văn hóa như: Hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế với tổng kinh phí thực hiện khoảng 268 tỷ đồng đến năm 2030 (Nghị quyết 18/2020/NQ-HĐND); Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND) quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với các nội dung chủ yếu như hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà, đất phục vụ hoạt động bảo tàng ngoài công lập; hỗ trợ hoạt động trưng bày, triển lãm; đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ quảng bá hình ảnh.

Cùng với các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, chính sách về nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản... cũng được tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng và triển khai hiệu quả.

Có thể nói các cơ chế, chính sách ban hành đã tạo hành lang pháp lý hiệu quả, cũng như tạo nguồn lực tốt để phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản và văn hóa truyền thống Huế.

Cần sớm xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa

Bên cạnh những kết quả đạt được thì tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Điển hình như những bất cập liên quan đến việc lập quy hoạch và khoanh vùng bảo vệ di tích. Khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực, đã quy định khu vực bảo vệ di tích gồm 2 khu vực, những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ. Nghĩa là hồ sơ di tích có 3 khu vực khoanh vùng bảo vệ phải lập lại hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích để phù hợp với quy định mới. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện, do vậy gây khó khăn cho việc hoàn chỉnh hồ sơ khoanh vùng bảo vệ Quần thể Di tích Cố đô Huế. Điều này gây khó khăn cho công tác kêu gọi nguồn lực đầu tư tạo ra các sản phẩm du lịch gắn liền với các di tích nhằm phát huy giá trị của các di tích.

Qua đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình kiến nghị cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa để khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc trong khoanh vùng bảo vệ đối với các di tích đã được lập theo các quy định trước khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành.

Ngoài ra, nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích tại Thừa Thiên Huế chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế đối với các di tích cần chống xuống cấp kịp thời. Hệ thống di tích phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, do thời tiết khắc nghiệt và nhiều yếu tố tác động nên rất nhiều di tích bị xuống cấp cần được trùng tu với nguồn lực lớn; tuy nhiên nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước và nguồn huy động xã hội hóa thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài, có cả thất bại và thành công. Có thể thấy thủ tục, quy định khi mua cổ vật phải trải qua rất nhiều công đoạn như: thành lập hội đồng xét duyệt, thẩm định giá trị, niên đại, lai lịch của hiện vật, đàm phán về mức giá... tạo ra sự chậm trễ, khó khăn trong quá trình đấu giá để đưa các cổ vật có giá trị về nước cũng như khó khăn trong khuyến khích, huy động hiệu quả các cá nhân, tổ chức tham gia vào công tác hồi hương các cổ vật.

Để khắc phục những bất cập, khó khăn nêu trên, đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và huy động nguồn lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan trung ương. Ngoài việc sớm sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, cần bố trí nguồn vốn triển khai Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị Di sản văn hóa Việt Nam theo Quyết định 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 và Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam được phê duyệt theo Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 2/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, xem xét xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng và phát triển văn hóa.

Bên cạnh đó, kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét, tiếp tục hỗ trợ bố trí kinh phí để thực hiện hoàn thành dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế (thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế) và các dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh. Cho phép thí điểm mô hình xã hội hóa một số điểm di tích.

Việc nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và huy động các nguồn lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống sẽ giữ gìn, phát huy những di sản quý giá, trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội Thừa Thiên Huế. Đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị với định hướng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế./.

Thu Phương