QUỐC HỘI DỰ KIẾN CHO Ý KIẾN LẦN ĐẦU ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI) TẠI KỲ HỌP THỨ 5

06/02/2023

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường với Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước, theo dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2023.

SỚM HOÀN THIỆN QUY HOẠCH CÓ TÍNH CHẤT KỸ THUẬT CHUYÊN NGÀNH LIÊN QUAN ĐẾN TÀI NGUYÊN NƯỚC

Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013. Qua gần 9 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với thực tế, nâng cao hơn nữa hiệu quả hiệu lực, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương và các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước.


Việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là cần thiết để giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn (ảnh minh họa: Internet).

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, một số quy định của pháp Luật Tài nguyên nước cần phải được cập nhật, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thực tế và phù hợp với pháp luật có liên quan như quy định về vật thể chứa nước (dòng sông, tầng chứa nước), quy hoạch tài nguyên nước, cấp giấy phép tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước...

Vấn đề bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia chưa được quy định trong Luật trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức như phụ thuộc lớn vào nước ngoài; phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả sử dụng nước thấp,…

Chưa có chính sách, quy định cụ thể nhằm tính toán đầy đủ giá trị của tài nguyên nước, dẫn đến các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chưa tính toán đủ giá thành sản phẩm, chưa xác định chính xác hiệu quả sử dụng nước, dẫn đến việc tính thiếu, thu không đủ dẫn đến việc sử dụng nước không tiết kiệm, thất thoát, lãng phí nước, gây thất thu ngân sách nhà nước và triệt tiêu động lực phát triển, không kêu gọi được việc xã hội hóa trong ngành nước, nhất là cấp nước cho nông nghiệp… Do vậy, việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là cần thiết để giải quyết những vướng mắc, bất cập nêu trên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, dựa trên kết quả giám sát năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đề án An ninh nguồn nước và an toàn hồ đập chứa nước, thực hiện kiến nghị của đoàn giám sát, từ tháng 11/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có đề xuất với Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước. Đến tháng 01/2022, Chính phủ đã có Nghị quyết giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Luật này.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy.

Trên tinh thần kiến nghị của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 50/2022/QH15 về Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Trong Chương trình có đề cập về việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước. Dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với Luật này vào Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2023.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy, để chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước, Ban soạn thảo dự án Luật của Chính phủ đã có dự thảo phiên bản lần thứ nhất về việc sửa đổi Luật này. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đến nay, Bộ Tư pháp đã có sự thẩm định đối với dự án Luật Tài nguyên  nước phiên bản lần thứ nhất và trước Tết nguyên đán, Chính phủ cũng đã có tổ chức phiên họp góp ý cho việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước để kịp trình Quốc hội xem xét những nội dung sửa đổi trong Luật.

Tiểu ban Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng kế hoạch chi tiết để thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Theo đó, Tiểu ban sẽ tổ chức những đợt khảo sát ở các địa phương có liên quan đến những nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Tài nguyên nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng cho biết, đối với phạm vi điều chỉnh của luật, hiện nay còn nhiều ý kiến đề xuất là đưa nước khoáng và nước nóng thiên nhiên vào trong Luật. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, đây là một trong những nội dung cần tham khảo thêm ý kiến của các địa phương.

Ngoài ra, trong 04 chính sách được đưa vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có đề cập về chính sách về xã hội hóa còn chưa rõ ràng nên Chính phủ cũng đã trưng cầu thêm ý kiến, tiếp thu, sửa đổi, bổ sung. Cho đến nay, Chính phủ đã có phiên bản lần thứ 3 về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng hy vọng với sự chuẩn bị, tiếp thu của Chính phủ, công tác thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ đảm bảo đúng tiến độ, thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội đề ra./.

Bích Lan