QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 21/12/2022

21/12/2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung, chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 của Bộ Tư pháp và tỉnh Sơn La; Cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thúc đẩy các cơ chế hợp tác giữa hai nước và hai cơ quan lập pháp Việt Nam – Campuchia… là những hoạt động nổi bật của lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong ngày 21/12/2022.

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 20/12/2022

* Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, sáng ngày 21/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành rà soát công tác chuẩn bị và cho ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về báo cáo Rà soát công tác chuẩn bị và cho ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Dự kiến Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị vào chiều ngày 4/1/2023, họp phiên khai mạc vào sáng ngày 5/1/2023.

Do thời gian từ nay đến ngày dự kiến tiến hành Kỳ họp bất thường rất ngắn, công việc cuối năm rất nhiều, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan cần đề cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng, nỗ lực ở mức cao nhất. Chủ tịch Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng đề án và làm tốt công tác thông tin, truyền thông về ý nghĩa, tầm quan trọng, những nội dung liên quan đến nội dung của Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG THUẬT SÁNG 21/12: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2 QUỐC HỘI KHÓA XV

* Tiếp tục Phiên họp thứ 18, chiều ngày 21/12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại phiên họp, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực chuẩn bị hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia và báo cáo thẩm tra. Đây là nhiệm vụ mới, phức tạp, chưa có tiền lệ, cơ quan lập, cơ quan thẩm tra chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, tuy nhiên, các cơ quan hữu quan đã rất cố gắng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, trong đó lưu ý tuân thủ luật Quy hoạch, bám sát kết luận của Hội nghị Trung ương, Nghị quyết chỉ thị của Đảng và kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thời gian đến Kỳ họp bất thường rất gấp, thời gian Kỳ họp bất thường rất ngắn, vì vậy Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội cần nêu cao tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, thực hiện các bước công việc tiếp theo đảm bảo tiến độ, chất lượng, tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG THUẬT CHIỀU 21/12: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

* Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về nội dung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV (tại Phiên họp thứ 18 của UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Xem xét Quy hoạch tổng thể quốc gia là nội dung cần thiết nhất, quan trọng nhất của Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; Xem xét, thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược; Xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 là nội dung cần thiết nhất, quan trọng nhất và quyết định vì sao phải có Kỳ họp bất thường này.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: XEM XÉT QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA LÀ NỘI DUNG CẦN THIẾT NHẤT, QUAN TRỌNG NHẤT CỦA KỲ HỌP BẤT THƯỜNG

* Sáng ngày 21/12, tại Phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 của Trường Trung cấp Luật Tây Bắc từ Bộ Tư pháp sang Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 của Bộ Tư pháp và tỉnh Sơn La, với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành.

Theo đó, Nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 của Bộ Tư pháp và tỉnh Sơn La quyết nghị: Điều chỉnh giảm 3.780.746.368 đồng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 (lĩnh vực chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề) của Bộ Tư pháp và điều chỉnh tăng tương ứng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 (lĩnh vực chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề) của tỉnh Sơn La số tiền 3.780.746.368 đồng để bố trí dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 cho Trường Trung cấp Luật Tây Bắc.

Đồng thời giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương có điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và các Bộ, cơ quan trung ương có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện và quản lý việc sử dụng số vốn trên đúng mục đích, hiệu quả.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT ĐIỀU CHỈNH DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022 CỦA BỘ TƯ PHÁP VÀ TỈNH SƠN LA

* Từ ngày 23 -27/12/2022, Quốc hội Việt Nam phối hợp với Quốc hội, Thượng viện Campuchia tổ chức Hội nghị giao lưu giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Hội nghị giao lưu giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước là hoạt động đối ngoại do Quốc hội Việt Nam với Quốc hội và Thượng viện Campuchia đồng tổ chức, nòng cốt là hoạt động của Nghị sĩ hữu nghị giữa Nghị viện hai nước, trong khuôn khổ “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022” và là hoạt động khép lại chuỗi các hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Campuchia (1967-2022).

Hội nghị được tổ chức ngay sau chuyến thăm chính thức Campuchia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam; triển khai nội dung “Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy quan hệ hợp tác và đối tác giữa Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam và Quốc hội Vương quốc Campuchia” vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin ký mới tại chuyến thăm.

Xem nội dung chi tiết tại đây: THÚC ĐẨY CÁC CƠ CHẾ HỢP TÁC GIỮA HAI NƯỚC VÀ HAI CƠ QUAN LẬP PHÁP VIỆT NAM – CAMPUCHIA

* Sau 1 năm triển khai, Nghị quyết 43/2022/QH15 như một “Thượng phương bảo kiếm”, Quốc hội đã trao quyền cho Chính phủ chủ động, linh hoạt, kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó và thích ứng an toàn với COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành đã cho thấy một Quốc hội luôn đồng hành quyết liệt, kịp thời cùng với Chính phủ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đất nước đặt ra. Đã có nhiều phiên họp bất thường và phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về lộ trình và cách thức triển khai Nghị quyết.

Nhìn lại một năm triển khai thực hiện Nghị quyết có thể thấy, việc ban hành Quốc hội ban hành Nghị quyết đã trúng, đúng thời điểm nhờ vậy tình hình kinh tế - xã hội đạt được kết quả đáng mừng. Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4 – kỳ họp cuối năm 2022 cho thấy, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2022 đạt 8,83% - cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, đặc biệt trong quý III/2022 tăng tới 13,67%; lạm phát được kiểm soát tốt, bình quân tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước; 14/15 chỉ tiêu Quốc hội giao đạt và vượt...

Xem nội dung chi tiết tại đây: MỘT NĂM TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 43/2022/QH15: “THƯỢNG PHƯƠNG BẢO KIẾM” ĐỂ CHÍNH PHỦ ĐIỀU HÀNH, VƯỢT QUA KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC

* Hoạt động “báo cáo, giải trình” là một trong những phương thức giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Trong năm 2022, hình thức giám sát này tiếp tục được phát huy với các phiên giải trình diễn ra sôi nổi, nhiều cải tiến, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát.

Thời gian gần đây, hoạt động yêu cầu báo cáo, giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã được tăng cường và có bước đột phá về số lượng cũng như chất lượng. Nội dung các phiên giải trình ngày càng đa dạng, phong phú, chủ yếu tập trung vào các vấn đề đang được dư luận xã hội và cử tri quan tâm.

Trong năm 2022, các ủy ban của Quốc hội đã tiến hành một số phiên giải trình, tập trung vào những nội dung mang tính thời sự. Thông qua phiên giải trình, các cơ quan của Quốc hội thu thập được thông tin nhiều chiều về vấn đề giám sát, trong đó, có thông tin quan trọng từ đối tượng thụ hưởng chính sách. Sau mỗi phiên giải trình, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ ban hành Kết luận phiên giải trình. Trong đó, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế; đồng thời, cũng nêu rõ những yêu cầu, kiến nghị cụ thể đối với cơ quan, người có trách nhiệm giải trình và các cơ quan, tổ chức có liên quan về việc thực hiện các giải pháp cụ thể để khắc phục bất cập.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÁT HUY HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH TẠI HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

* Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ 5, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển NNNT đề xuất sửa đổi chế độ sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.

Đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nói riêng, chế độ sử dụng đất nông nghiệp nói chung trong thời gian tới để vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an ninh lương thực gắn với sửa đổi Luật Đất đai, TS. Đinh Công Thắng kiến nghị cần thay đổi quan điểm “giữ đất lúa” sang “giữ đất nông nghiệp”; đề xuất thay đổi quy hoạch đất lúa phù hợp với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh mới.

Ngoài ra, cần cho phép chuyển đổi một phần diện tích lúa gạo không hiệu quả sang cây con khác giúp tăng thu nhập cho người nông dân đồng thời thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và hài hòa với bối cảnh mới. Phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng; đồng thời hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu thu nhập, việc làm, tăng thu nhập cho người dân từ các nguồn khác nhau để tăng khả năng chi trả cho lương thực.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TS. TRẦN CÔNG THẮNG: ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI CHẾ ĐỘ SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA, CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

* Phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, nhiều ý kiến đã phân tích, đề xuất các giải pháp về thể chế chính, sách để bổ sung, tập trung nguồn lực cho phát triển văn hóa trong giai đoạn tới.

Các ý kiến thảo luận, tham luận đã chỉ rõ các cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa. Để huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển văn hóa, các đại biểu cho rằng, cần phát huy đầy đủ nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, cả trong nước và ngoài nước.

Cần đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả tài chính công phục vụ phát triển văn hóa theo hướng vận dụng nguyên tắc cạnh tranh, tăng cường tính tập trung, bảo đảm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư”, “đầu tư công lôi kéo đầu tư xã hội”. Do đó, việc xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa để tập trung nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2022- 2030 là giải pháp đúng đắn, khoa học, hiệu quả nhất.

Xem nội dung chi tiết tại đây: KHƠI THÔNG MỌI NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

* Hội thảo Văn hóa 2022 vừa “khép lại”, nhưng kết quả Hội thảo đã “mở ra” những bước tiến mới trong nhận thức, định hướng chính sách… trong phát triển văn hóa dân tộc.

Theo TS.Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội thảo cần được tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến đến toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, huy động, khích lệ các cấp, các ngành cùng hành động cho sự nghiệp phát triển và chân hưng văn hóa nước nhà.

Khẳng định văn hóa là hơi thở của cuộc sống, TS.Nguyễn Anh Tuấn cho rằng các kết quả của Hội thảo văn hóa do Quốc hội chủ trì, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã kết luận cần trở thành những luồng sinh khí mới tiếp thêm động lực và niềm tự hào cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và mọi người dân, cộng đồng khắp mọi miền đất nước để huy động tối đa sức mạnh trong dân và sức mạnh của toàn dân tộc cho phát triển và chấn hưng văn hóa nước nhà, làm cho văn hóa Việt Nam mãi trường tồn trong lòng dân tộc.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TS.NGUYỄN ANH TUẤN, VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN DU LỊCH: CẦN TIẾP TỤC TUYÊN TRUYỀN SÂU, RỘNG KẾT QUẢ HỘI THẢO VĂN HÓA 2022

* Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc vừa tiến hành khảo sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Trường THPT Lê Xoay, huyện Vĩnh Tường.

Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên Trường THPT Lê Xoay triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới của nhà trường đã nhận được sự đồng thuận cao của học sinh và phụ huynh. Vì vậy, việc triển khai kế hoạch giáo dục của nhà trường từ đầu năm đến nay đều thuận lợi.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa của nhà trường cũng gặp một số khó khăn. Nhà trường đề nghị tỉnh có những chính sách riêng, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho ngành GDĐT để phát triển chất lượng giáo dục đại trà; Sở GDĐT cần tuyển và phân bổ giáo viên cho các nhà trường đảm bảo các trường đều có giáo viên ở tất cả các bộ môn. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều thay đổi so với chương trình trước đây, vì thế, Sở GDĐT nên xem xét, ra văn bản chỉ đạo thay thế các văn bản hiện hành về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH VĨNH PHÚC GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA TẠI TRƯỜNG THPT LÊ XOAY

* Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn do đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh chủ trì đã tiến hành giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19… tại thành phố Bắc Kạn.

Sau khi giám sát tại Trạm Y tế phường Huyền Tụng, Đoàn đã làm việc với lãnh đạo UBND cùng các ban, ngành của thành phố Bắc Kạn. Đoàn giám sát và các đại biểu đã thảo luận, đánh giá về những nội dung như: Công tác phòng chống dịch; việc giao tự chủ tài chính cho cơ sở y tế; hoàn thiện các hồ sơ thanh quyết toán; chính sách hỗ trợ giảm thuế; việc huy động nguồn lực; những khó khăn do thiếu nhân viên y tế thôn, tổ…

Kết luận cuộc giám sát, đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn đánh giá cao những kết quả TP. Bắc Kạn đã đạt được trong công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí đề nghị cần đánh giá thêm về nhân lực tại các trạm y tế, hoạt động của trạm y tế, việc hỗ trợ về chuyên môn, công nghệ thông tin… có đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân hay không. Thành phố cần sớm kiến nghị, báo cáo một số nội dung chưa rõ để Đoàn giám sát tổng hợp.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC KẠN GIÁM SÁT VIỆC SỬ DỤNG NGUỒN LỰC PHÒNG, CHỐNG COVID-19 TẠI TP. BẮC KẠN

* Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tổ chức triển khai kế hoạch giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022” trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, từ ngày 21 đến 28/12, đoàn công tác khảo sát tại Trường THCS Lý Thường Kiệt, Phổ thông Thực hành sư phạm (thành phố Long Xuyên); Tiểu học B thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn); THPT Trần Văn Thành (huyện Châu Phú); giám sát trực tiếp tại Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh. Đồng thời, giám sát qua văn bản đối với 5 sở, 11 huyện, thị xã, thành phố.

Hoạt động giám sát nhằm xem xét, đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện 2 nghị quyết của Quốc hội; kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Bên cạnh đó, kiến nghị giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hiện các nghị quyết; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 88/2014/QH13 (nếu cần thiết).

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH AN GIANG GIÁM SÁT ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA

Lan Hương

Các bài viết khác