PHÁT HUY HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH TẠI HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

21/12/2022

Hoạt động “báo cáo, giải trình” là một trong những phương thức giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Trong năm 2022, hình thức giám sát này tiếp tục được phát huy với các phiên giải trình diễn ra sôi nổi, nhiều cải tiến, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát.

PHIÊN GIẢI TRÌNH VIỆC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN BỔ NHIỆM VIÊN CHỨC QUẢN LÝ VÀ VIỆC QUẢN LÝ VIÊN CHỨC THEO MÃ SỐ, TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP

CẦN CÓ SỰ ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID-19 TỚI HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC Ở TẤT CẢ CÁC CẤP HỌC

Toàn cảnh Phiên giải trình về nội dung: “Dạy học trong bối cảnh Covid-19”

Hiến pháp năm 2013 đã hiến định hoạt động “báo cáo, giải trình” là một trong những phương thức giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Cụ thể: tại Điều 77 Hiến pháp 2013 quy định: “Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó; Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời những kiến nghị của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội”. Hoạt động yêu cầu báo cáo, giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã bắt đầu được triển khai từ những năm cuối của Quốc hội khóa XII với tên gọi là các Phiên giải trình.

Thời gian gần đây, hoạt động yêu cầu báo cáo, giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã được tăng cường và có bước đột phá về số lượng cũng như chất lượng. Nội dung các phiên giải trình ngày càng đa dạng, phong phú, chủ yếu tập trung vào các vấn đề đang được dư luận xã hội và cử tri quan tâm.

Trong năm 2022, các ủy ban của Quốc hội đã tiến hành một số phiên giải trình, tập trung vào những nội dung mang tính thời sự như: phòng, chống bạo lực trẻ em; chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID-19; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; chất thải rắn sinh hoạt;… Thông qua phiên giải trình, các cơ quan của Quốc hội thu thập được thông tin nhiều chiều về vấn đề giám sát, trong đó, có thông tin quan trọng từ đối tượng thụ hưởng chính sách. Sau mỗi phiên giải trình, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ ban hành Kết luận phiên giải trình. Trong đó, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đối với vấn đề được yêu cầu giải trình. Đồng thời, cũng nêu rõ những yêu cầu, kiến nghị cụ thể đối với cơ quan, người có trách nhiệm giải trình và các cơ quan, tổ chức có liên quan về việc thực hiện các giải pháp cụ thể để khắc phục bất cập. Cụ thể:

Trước tình hình một số vụ bạo hành trẻ em liên liên tục xảy ra, vào tháng 2/2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em. Phiên giải trình có sự tham dự của Lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và đại diện các cơ quan có liên quan .

Tại Phiên giải trình, các bên đã cùng đánh giá thực trạng tình hình bạo lực trẻ em, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, xác định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan có liên quan trong công tác phòng, chống bạo lực trẻ em thời gian qua; đề xuất, kiến nghị giải pháp khắc phục. Kết luận Phiên giải trình được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan, các địa phương nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội cùng chung tay phòng, chống bạo lực trẻ em.

Phiên giải trình về nội dung "Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em"

Cũng trong năm 2022, Ủy ban Văn hóa, giáo dục đã tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID-19”. Phiên giải trình có sự tham dự của Lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan. Tại thời điểm đó, đây là nội dung được dư luận xã hội và cử tri hết sức quan tâm. Kết luận Phiên giải trình được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan, làm cơ sở để tiếp tục giám sát việc thực hiện hoạt động dạy học trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, giải quyết vấn đề về biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Đặc biệt, kết luận Phiên giải trình đã được các Bộ trưởng, Chính phủ tiếp thu nghiêm túc; Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ  gửi các Bộ, ngành nghiên cứu, xử lý các nội dung kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa đặt câu hỏi tại Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông"

Ở lĩnh vực khác, tháng 08/2022, Ủy ban Pháp luật cũng đã tổ chức thành công phiên giải trình về “Việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp” (ngày 08/8/2022) tại Hà Nội. Việc tổ chức phiên giải trình đã chỉ ra những bất cập, tồn tại, hạn chế trong các quy định của hệ thống pháp luật, việc tổ chức thực hiện pháp luật, qua đó góp phần quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực thi pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong thời gian tới. Nhiều vấn đề đã được các Bộ có liên quan (như Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đạo tạo) tiếp thu, ban hành mới hoặc sửa đổi văn bản ngay từ giai đoạn Ủy ban tổ chức khảo sát chuẩn bị phiên giải trình, được nhiều địa phương, cử tri và người dân hết sức quan tâm, ủng hộ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Phiên giải trình về bổ nhiệm viên chức quản lý

Hay đối với lĩnh vực môi trường, Phiên giải trình diễn ra vào sáng 19/12 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt nhận được sự quan tâm của dư luận và đông đảo cư tri. Tại phiên giải trình, các đại biểu đã chỉ ra nhiều vấn đề khó khăn trong thực hiện quy trình, thủ tục xin cấp phép đầu tư nhà máy xử lý rác thải; tỷ lệ rác thải được xử lý bằng chôn lấp trực tiếp còn cao (70%), tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt người dân;… Thông qua Phiên giải trình, thực trạng cũng như nhiều giải pháp cụ thể về quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã được nêu rõ.

Tại các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, không khí thảo luận diễn ra hết sức sôi nổi, các vấn đề được nêu ra một cách thẳng thắn, trực diện không né tránh. Điểm mới của các phiên giải trình thời gian gần đây là đã có sự góp mặt, tham gia của đối tượng chịu sự tác động, ảnh hưởng bởi chính sách; sự góp mặt của các chuyên gia trong lĩnh vực chất vấn. Đặc biệt, tính phản biện, tranh luận trong mỗi phiên giải trình đã được tăng cường, qua đó, giúp làm rõ vấn đề/nội dung giải trình, đề xuất những giải pháp khả thi, sát với thực tế,  kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Kết quả các phiên giải trình đã góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”, nổi cộm trong xã, đặc biệt sau giải trình đã tạo chuyển biến đến công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân; đồng thời cũng là cơ sở để góp phần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, giúp giảm tải áp lực đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội/.

Lê Anh

Các bài viết khác