MỘT NĂM TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 43/2022/QH15: “THƯỢNG PHƯƠNG BẢO KIẾM” ĐỂ CHÍNH PHỦ ĐIỀU HÀNH, VƯỢT QUA KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC

21/12/2022

Sau 1 năm triển khai, Nghị quyết 43/2022/QH15 như một “Thượng phương bảo kiếm”, Quốc hội đã trao quyền cho Chính phủ chủ động, linh hoạt, kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó và thích ứng an toàn với COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 cũng thể hiện một Quốc hội năng động, hành động, trách nhiệm, vì người dân, vì đất nước.

ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI, PHÁT HUY HIỆU QUẢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Nghị quyết 43/2022/QH15 là tâm huyết, công sức của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.

Ngày 11/1/2022, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng (hỗ trợ 4 nhóm chính sách: tài khóa, tiền tệ, nhóm chính sách khác) được ban hành trong một kỳ họp hết sức đặc biệt, chưa có tiền lệ với nhiều tâm huyết, công sức của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các vị đại biểu Quốc hội. Nghị quyết đã mở ra cơ chế đặc biệt, trong đó các quy trình, thủ tục được đơn giản hóa tối đa, phân cấp mạnh mẽ tới từng bộ, ngành, địa phương mà lâu nay chưa từng áp dụng.

Nghị quyết được ban hành đã cho thấy một Quốc hội luôn đồng hành quyết liệt, kịp thời cùng với Chính phủ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đất nước đặt ra. Đã có nhiều phiên họp bất thường và phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về lộ trình và cách thức triển khai Nghị quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường cho ý kiến về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Nhìn lại một năm triển khai thực hiện Nghị quyết có thể thấy, việc ban hành Quốc hội ban hành Nghị quyết đã trúng, đúng thời điểm nhờ vậy tình hình kinh tế - xã hội đạt được kết quả đáng mừng. Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4 – kỳ họp cuối năm 2022 cho thấy, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2022 đạt 8,83% - cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, đặc biệt trong quý III/2022 tăng tới 13,67%; lạm phát được kiểm soát tốt, bình quân tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước; 14/15 chỉ tiêu Quốc hội giao đạt và vượt 14/15…

Mặc dù có một số mục tiêu chậm so với tiến độ và khó hoàn thành trong giai đoạn 2022 – 2023, tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội, Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giống như một “Thượng phương bảo kiếm” giúp Chính phủ chủ động điều hành linh hoạt nền kinh tế trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế. Việc đưa Nghị quyết 43/2022/QH15 vào cuộc sống cũng thể hiện một Quốc hội năng động, hành động, trách nhiệm, vì người dân, vì đất nước. Đây chính là tiền đề để Quốc hội tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò chủ động, tiên phong trong xây dựng và thúc đẩy các chính sách lớn đóng góp cho phát triển quốc gia. Cổng TTĐTQH đã ghi lại ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Nghị quyết 43/2022/QH15 như một “Thượng phương bảo kiếm” Chính phủ chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về sự ra đời của Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm: Có thể nói Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội được ban hành đã thể hiện sự năng động, hiệu quả, giải quyết kịp thời để giải quyết các tình huống đặc thù trong bối cảnh tình hình đất nước khó khăn. Trong điều kiện thế giới suy thoái, khó khăn do dịch bệnh, Quốc hội Việt Nam với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ đã có sự nhìn nhận một cách toàn diện, từ sớm, từ xa quyết đáp một số cơ chế chính sách để giải quyết những tình huống, thách thức về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước đang đặt ra trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID -19. Hiệu quả và kịp thời của các chính sách này đã đưa đến kết quả tốt đẹp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 cũng như trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh trong 3 năm vừa qua.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm.

Tôi cho rằng, tất cả cơ chế chính sách trong Nghị quyết 43/2022/QH15 đều đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, đã kịp thời hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn trong cuộc sống, trong sản xuất kinh doanh. Đã có cơ chế hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, có các chính sách kịp thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đã có chính sách kích thích, thúc đẩy phù hợp cho phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế.

Đi đôi với đó là giải quyết các vấn đề về xã hội, về đời sống của người dân, về an ninh trật tự và đưa đến một cái thành tựu trung tổng thể rất tốt đẹp về phát triển kinh tế - xã hội chúng ta đạt được cho đến thời điểm này.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Tôi cho rằng, Nghị quyết 43/2022/QH15 như một “Thượng phương bảo kiếm”, Quốc hội đã trao quyền cho Chính phủ chủ động, linh hoạt, kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó và thích ứng an toàn với COVID-19, đồng thời duy trì phát triển kinh tế - xã hội.

Thành quả của Việt Nam trong năm 2022 có một dấu ấn rất quan trọng của Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, theo đó đã đạt được mục tiêu kép trong bối cảnh khó khăn, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được đảm bảo; về căn bản dịch bệnh đã được kiềm chế và tiếp tục có những biện pháp để hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội chính là nền tảng quan trọng, đánh dấu sự đồng hành giữa Quốc hội với Chính phủ trong bối cảnh khó khăn.

Quốc hội năng động, hành động, trách nhiệm, vì người dân, vì đất nước.

Phóng viên: Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15,  Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện. Theo đại biểu việc triển khai này đã quyết liệt và hiệu quả thực tế từ Nghị quyết trong cuộc sống như thế nào?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm: Chính phủ đã rất tích cực từ khâu chuẩn bị các nội dung để báo cáo trình Quốc hội các vấn đề liên quan đến Nghị quyết 43/2022/QH15 cũng như các vấn đề khác ngoài phạm vi của Nghị quyết nhưng có liên đới, Chính phủ đều có sự chuẩn bị rất nhanh nhạy, kịp thời đề xuất cơ chế chính sách thuộc phạm vi thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, các chính sách đưa ra đảm bảo về chất lượng, kịp thời về thời gian, gắn với đó là quá trình triển khai thực hiện rất quyết liệt, tích cực, chủ động và có sự sáng tạo nên đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội đi cuộc sống thông qua các chương trình hành động, các biện pháp, giải pháp của Chính phủ. Bởi chỉ có Nghị quyết này mới cho phép Chính phủ được triển khai những biện pháp chưa từng có tiền lệ và có thể là không phù hợp với các quy định của pháp luật. Nhờ vậy, Chính phủ có thể đưa ra một loạt các giải pháp chỉ đạo, điều hành như thời gian vừa qua, từ việc mua sắm thiết bị y tế, mua vaccine, triển khai việc tiêm chủng vaccine toàn dân, hay thực hiện những biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp…

Kết quả đi vào cuộc sống của Nghị quyết 43/2022/QH15 thể hiện thông qua chương trình hành động của Chính phủ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, suy giảm kinh tế diễn ra phổ biến, áp lực lạm phát đang tăng rất cao, khó khăn trong nền kinh tế thế giới tác động rất mạnh đến nền kinh tế Việt Nam nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phát triển, vẫn hồi phục khá mạnh mẽ, có thể nói mức độ hồi phục cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định và các chỉ tiêu khác như giá như tỷ giá, lãi suất vẫn được đảm bảo tốt trong bối cảnh khó khăn. Các kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của cả năm nay cho thấy đã phản ánh hiệu quả của các chương trình hành động của Chính phủ, với sự mở đường, những nhiệm vụ được Quốc hội giao trong Nghị quyết 43/2022/QH15. Như vậy, cả Chính phủ và Quốc hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong bối cảnh khó khăn.

Phóng viên: Qua việc ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Quốc hội trong việc đồng hành với Chính phủ từ sớm, từ xa?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm: Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước, quyết đáp những vấn đề quan trọng nhất của quốc gia tại mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn. Trong những thời khắc khó khăn, Quốc hội đã thể hiện bản lĩnh bằng việc chủ động định hướng, phối hợp cùng với Chính phủ xây dựng, nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách để dẫn dắt, điều hành các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước một cách hiệu quả, kịp thời. Điều này thể hiện một Quốc hội năng động, hành động, trách nhiệm, vì người dân, vì đất nước.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV mở ra một giai đoạn, hợp tác, đồng hành rất chặt chẽ giữa Quốc hội, Chính phủ. Tôi đánh giá rất cao vai trò của Quốc hội. Quốc hội không chỉ chờ Chính phủ đưa ra những sáng kiến, trình lên dự án, hay kế hoạch trong chương trình, mà Quốc hội còn chủ động đưa ra những sáng kiến về luật pháp hay các sáng kiến về phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 43/2022/QH15 chính là một sáng kiến theo hướng đó để Chính phủ chủ động đưa ra các biện pháp tạm thời trong bối cảnh rất đặc biệt, mở đường cho các hoạt động của Chính phủ.

Kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022 chính là bức tranh phản ánh kết quả điều hành của Chính phủ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó Chính phủ đã hoàn thành 14/15 chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương

Các bài viết khác