ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2023

15/12/2022

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 18, chiều 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, dự kiến năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức 12 phiên họp thường kỳ và sẽ có các phiên họp chuyên đề.

TỔNG THUẬT CHIỀU 14/12: UBTVQH XEM XÉT, THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2023 VÀ NGHỊ QUYẾT BAN HÀNH QUY CHẾ BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC, KỸ NĂNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐBQH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung phiên họp

Mở đầu phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bám sát các nguyên tắc gồm: Tuân thủ đúng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình tự, thủ tục trong xem xét, quyết định, cho ý kiến về các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, bảo đảm tính toàn diện, khoa học, hợp lý và khả thi trong việc bố trí các nội dung thuộc Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được các cơ quan đề xuất nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 thì cần được cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trước khi bố trí trong Chương trình công tác.

Theo nguyên tắc này, tại phiên họp tháng 5 và tháng 10/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến đối với các nội dung sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp; không bố trí cho ý kiến đối với các dự án luật trình Quốc hội lần đầu do 2 phiên họp này sát ngày khai mạc Kỳ họp thứ 5, thứ 6 của Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, dự kiến trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 12 phiên họp thường kỳ và các phiên họp chuyên đề, xem xét, cho ý kiến, quyết định hơn 80 nội dung tại phiên họp, cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về cách thức tổ chức xây dựng chương trình công tác, kèm theo đó là xây dựng dự thảo nghị quyết về nội dung này; việc bố trí thời gian các phiên họp, dự kiến nội dung và các biện pháp để thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội trong việc chuẩn bị chương trình công tác năm 2023 công phu, bài bản, quy mô, bảo đảm bao quát, đầy đủ. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, có được điều này một phần là từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã có nhiều quy chế, nội quy mới, đề án mới được cập nhật nên chương trình công tác tương đối toàn diện, bao quát và được chuẩn bị rất chu đáo. Cùng với đó, các cơ quan đã tham gia đóng góp ý kiến đầy đủ cho thấy sự nỗ lực, cố gắng lớn và có đổi mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị bổ sung thêm trong Nghị quyết Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phần đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác năm cũ, mức độ hoàn thành các công việc đã đề ra, việc xử lý những vấn đề phát sinh mới, đánh giá sự tham gia của cơ quan liên quan, rút ra một số kinh nghiệm để xây dựng chương trình năm mới.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, năm 2022, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều đổi mới, đã tổ chức nhiều phiên họp, các phiên chuyên đề, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách, phối hợp với Chính phủ, Đảng, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc. Tất cả các lĩnh vực đều có đổi mới và kịp thời thể chế hóa nhiều nội dung theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các Nghị quyết Trung ương, phối hợp có hiệu quả ứng phó với tình hình COVID-19, tình hình quốc tế, trong nước, v.v..

Về dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, các căn cứ, nguyên tắc xây dựng nghị quyết được thể hiện đầy đủ, đồng thời đề nghị thể hiện nội dung Nghị quyết một cách ngắn gọn, chắt lọc theo nhóm các chức năng nhiệm vụ chính về công tác lập pháp, giám sát , xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, cùng với đó là công tác dân nguyện, hướng dẫn hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế và các công tác khác.

Về biện pháp thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nhấn mạnh và làm rõ nét hơn nội dung phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời tiếp tục đổi mới theo hướng chuẩn bị “từ sớm, từ xa” các cơ quan phối hợp thật tốt cùng chuẩn bị qua đó tiết kiệm thời gian họp tập trung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Làm rõ hơn vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, nhiều đề án được chuẩn bị kỹ từ phía cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì và các cơ quan có liên quan. Việc chuẩn bị kỹ và sớm đã giúp các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thêm nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu trước phiên họp, từ đó các ý kiến được tập trung, sâu sắc, chất lượng. Do đó, trong biện pháp thực hiện cần đề cao vấn đề nghiên cứu tài liệu và phối hợp chuẩn bị từ sớm, từ xa, làm rõ các vấn đề đề khi trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đưa những vấn đề lớn, có ý kiến khác nhau, giảm thời gian đọc tờ trình. Đồng thời, khi đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải kèm theo văn bản, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết phải có dự thảo nghị quyết, trình ban hành thông báo kết luận phải có dự thảo thông báo kết luận có như vậy sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết xong có thể sớm phát hành từ đó giúp nhanh giải quyết công việc.

Đối với những vấn đề đã đồng thuận cao và mang tính nội bộ có thể trình bằng văn bản, dành thời gian cho ý kiến vào những vấn đề lớn; giảm thời gian đọc tờ trình… giúp tiết kiệm thời gian họp tập trung và nâng cao chất lượng các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận trong năm 2021 và 2022, do bối cảnh tình hình đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải họp đột xuất nhiều để quyết định các vấn đề về phòng, chống dịch. Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thêm phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật bảo đảm bám sát chức năng, nhiệm vụ. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung thảo luận

Cơ bản tán thành với khối lượng công việc như Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị, Chủ tịch Quốc hội lưu ý điều chỉnh số lượng phiên họp chuyên đề pháp luật ít hơn, chủ yếu nhằm phục vụ cho 2 kỳ họp Quốc hội. Thời gian mỗi phiên họp ít nhất 1 ngày và có 1 ngày dự phòng. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết ngắn gọn, rõ ràng./.

Bảo Yến - Phạm Thắng