TỔNG THUẬT CHIỀU 15/12: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT BÁO CÁO CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN CỦA QUỐC HỘI THÁNG 11/2022

15/12/2022

1917 lượt xem

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 18, tại Nhà Quốc hội, 14h00 chiều 15/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2022). Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung Phiên họp.

TỔNG THUẬT CHIỀU 14/12: UBTVQH XEM XÉT, THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2023 VÀ NGHỊ QUYẾT BAN HÀNH QUY CHẾ BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC, KỸ NĂNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐBQH

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành Phiên họp

Tại Phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo, đồng thời tiến hành thảo luận.

15h22: Nghỉ giải lao: Thời gian còn lại, theo chương trình phiên họp thứ 18, chiều ngày 15/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2022; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội.

15h14: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, tại phiên họp đã có ba ý kiến của Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và bốn ý kiến của đại diện các cơ quan dự họp để làm rõ một số nội dung báo cáo công tác dân nguyện đã nêu. Về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác dân nguyện tháng 10 và tháng 11 của Quốc hội.

Báo cáo được tổng hợp trên cơ sở báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và sự phối hợp cung cấp thông tin của các cơ quan Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an. Báo cáo đã khái quát, tổng hợp cơ bản về hoạt động dân nguyện của Quốc hội; cung cấp thông tin, đánh giá, nhận định tình hình việc triển khai công tác dân nguyện thuộc trách nhiệm của các cơ quan....

Trên cơ sở tình hình công tác dân nguyện tháng 10 và tháng 11, báo cáo cũng đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát một số vụ việc cụ thể và kiến nghị một số nội dung cụ thể thuộc trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao sự cố gắng của Ban dân nguyện trong việc theo dõi, đôn đốc, thống kê, tổng hợp, bảo đảm chất lượng các nội dung giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những nhận định, đánh giá xác thực tình hình. Qua thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ cần bổ sung những nội dung trong báo cáo dân nguyện về tình hình doanh nghiệp thiếu vốn, thanh khoản khó khăn, room tín dụng hạn chế, trái phiếu doanh nghiệp cũng đang khó khăn. Do đó đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn này.

Liên quan tới việc sửa đổi Luật Đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ cần quản lý các phương tiện thông tin đại chúng về việc tuyên truyền, tránh việc đề cao, tô hồng quá mức lợi ích, nhất là giá đất sau khi được sửa nhằm định hướng tâm lý, tư tưởng của người dân cho phù hợp. Đồng thời cần có chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt các quy hoạch; trong đó có quy hoạch đất cấp huyện, cấp tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia.

Cùng với đó bổ sung đánh giá hiệu quả của việc nghe báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng và việc giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giải quyết khiếu nại, tố cáo; hiệu quả của việc ban hành Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nêu rõ vấn đề thiếu việc làm, ngưng việc và thôi việc trong điều kiện sắp Tết nguyên đán cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ đúng đối tượng.

15h09: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu ý kiến

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, báo cáo công tác dân nguyện phản ánh hơi thở cuộc sống, việc thực hiện xem xét báo cáo dân nguyện tại phiên họp hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện. Quan tâm đến việc sử dụng thuốc lá điện tử và tình trạng sử dụng ma túy và chất cấm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Công Thương quan tâm hơn nữa đến vấn đề này để có giải pháp hữu hiệu, khả thi trong thực tế.

Với việc nhận bảo hiểm xã hội một lần, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong các báo cáo hàng năm, Ủy ban Xã hội đã thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, trong đó đều có nội dung về vấn đề này. Năm 2022, Ủy ban cũng có giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội trong giai đoạn 2016-2021. 

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có tăng cao so với trước vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề này. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng cần quan tâm hơn nữa đối với vấn đề này khi xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.

15h06: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu ý kiến

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2022) đã phản ánh hầu hết kiến nghị của cử tri, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo; chất lượng báo cáo của Ban Dân nguyện được nâng lên.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh thêm về tình hình kiến nghị cử tri trong đó nổi lên thực trạng công nhân phải nghỉ việc do thiếu đơn hàng tại khu vực phía Nam, cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

Bên cạnh đó là tình trạng chất ma túy tràn vào học đường qua thuốc lá điện tử, qua bánh kẹo, qua nước giải khát… Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định đây là vấn đề nghiêm trọng nếu chỉ dừng ở việc phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa đủ, cần giải pháp quyết liệt hơn nữa, trong đó có thể cấm học sinh hút thuốc lá điện tử. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu tình trạng các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ở các trường học, nhất là các trường bán trú, có trường hợp có hàng nghìn học sinh ngộ độc tập thể do ăn ở bếp ăn như tại Khánh Hòa, học sinh tử vong do ngộ độc thực phẩm. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị rà soát lại và kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, các trường học, nơi tập trung đông người…

15h03: Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm làm rõ một số vấn đề 

Làm rõ một số vấn đề thuộc lĩnh vực Thanh tra trong Báo cáo công tác Dân nguyện tháng 10 và tháng 11 năm 2022, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, Ban Tiếp dân và Ban Dân nguyện thời gian qua đã có sự phối hợp rất tốt, các số liệu trong báo cáo đã thể hiện rõ, trung thực liên quan đến công tác khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua. 

Liên quan đến số liệu công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong tháng 10 và tháng 11 có chiều hướng tăng so với tháng 9/2022, nhất là các đoàn đông người, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, điều này thể hiện rõ Nghị quyết 632 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đã có hiệu quả rất tốt. Các địa phương, các bộ ngành đã quan tâm hơn đến công tác dân nguyện. 

Về các vụ việc khiếu nại tồn đọng phức tạp kéo dài, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp xử lý dứt điểm trong thời gian tới.

14h59: Đại diện Bộ Công thương phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, đến nay Bộ đã nhận được gần 150 kiến nghị của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ chuyển đến. Về cơ bản, Bộ Công thương đã trả lời đầy đủ. Còn các nội dung tập trung liên quan đến ngành công thượng và cử tri quan tâm, đại diện Bộ Công thương cho biết, chủ yếu liên quan đến vấn đề quản lý xăng dầu, về các sản phẩm hàng hóa thiết yếu, và liên quan đến phát triển năng lượng, điện, trong đó có vấn đề điện năng xuất phát từ năng lượng tái tạo.

Về cơ bản, Bộ Công thương đồng tình với Báo cáo của Ban dân nguyện. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, Báo cáo dân nguyện đã tổng hợp rất đầy đủ ý kiến của cử tri, trong đó tập trung vào 3 mảng lớn liên quan đến ngành công thương. 

Thứ nhất, về vấn đề xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thời gian qua, tình trạng xăng dầu có nhiều lí do, nguyên nhân được phân tích, mổ xẻ kỹ. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã cố gắng điều tiết, đảm bảo lượng cung xăng dầu trên thị trường. Đến nay, tình hình cung ứng xăng dầu cơ bản đã đảm bảo ổn định.

Thứ hai, liên quan đến vấn đề năng lượng tái tạo và sản xuất điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ Công thường bổ sung thêm 2 ý: việc thực hiện ưu đãi đến thời hạn 31/10/2021, ưu đãi để khuyến khích, động viên để phát triển năng lượng tái tạo, nhưng sau thời gian đó, nếu không đáp ứng thì về nguyên lý, sẽ áp dụng theo cách tính toán thông thường. Vì vậy, Bộ Công thương đã báo cáo với Chính phủ trên cơ sở cân nhắc lợi ích có thể tổn thất của doanh nghiệp, lợi ích của Nhà nước và đặc biệt lợi ích của người dân, quy đổi ở giá thành liên quan đến vấn đề giá điện. Do đó, chi cân đối lại, Bộ Công thương đã tính đến phương án có khung giá riêng đối với điện này, liên quan đến điện mặt trời, điện gió.

Vì vậy, ngày 5/10 vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 15 về phương pháp xác định đơn giá liên quan đến năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời.

Thứ ba, liên quan đến vấn đề quản lý thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hiện Bộ Công thương đã có chỉ đạo sát sao trong công tác quản lý thị trường, đặc biệt chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Thứ trưởng Bộ Công thương nêu rõ sẽ tiếp thu các ý kiến của Ban Dân nguyện để triển khai.

14h57: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong phần cuối báo cáo của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu kiến nghị đối với một số cơ quan như Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương… đề nghị đại diện lãnh đạo các cơ quan cho ý kiến về kiến nghị của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

14h49: Đại diện Bộ Công an báo cáo

Báo cáo làm rõ một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, đại diện lãnh đạo Bộ Công an cho biết: Về tình hình giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri, Bộ Công an đã nhận được 62 kiến nghị cử tri do Ban Dân nguyên và các cơ quan gửi đến. Bộ Công an đã giao các đơn vị chức năng rà soát giải quyết theo đúng thời hạn quy định.

Về những vấn đề tình sử dụng chất ma túy trong trường học, Bộ Công an đã kí quy chế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh sinh viên để chủ động phòng ngừa. Thời gian qua có tiền chất ma túy mới được các đối tượng sử dụng, Bộ Công an đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân.

Về giải quyết tội phạm nói chung, đại diện Bộ Công an cho biết trong 11 tháng của năm 2022 đã giải quyết 39.755 vụ án hình sự, so với năm 2019 trước thời kỳ COVID-19 thì đã giảm 13,71%. Các đơn vị đã tập trung đấu tranh triệt phá 590 băng nhóm tội phạm, giảm 54,96% so với năm 2019 trước thời kỳ COVID-19.  Về cơ bản các chỉ tiêu đều dự kiến đạt và vượt so với chỉ tiêu Quốc hội giao.

14h48: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu điều hành

Phát biểu điều hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải quyết khiếu nại tố cáo đã cảnh báo với UBND tỉnh Kiên Giang về tình trạng các băng nhóm tội phạm hoạt động phức tạp, chính quyền dựa vào doanh nghiệp, doanh nghiệp dựa vào các băng nhóm tội phạm... Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo Bộ Công an làm rõ có tình trạng này hay không và giải trình thêm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

14h41: Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo một số vấn đề được nêu tại Báo cáo công tác dân nguyện

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong những năm qua, với các chính sách khuyến khích của Chính phủ, năng lượng tái tạo của nước ta tăng trưởng tốt. Tổng công suất lắp đặt hệ thống điện Việt Nam đứng đầu trong số các nước ASEAN. Trong năm 2022, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 11 đến 12% so với tổng điện phát vào hệ thống điện.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo đã kết thúc, cụ thể, chính sách về điện mặt trời đã kết thúc vào ngày 31/12/2020, chính sách về điện gió kết thúc vào ngày 31/10/2021. 

Theo quyết định của Thủ tướng, hiện nay, các hệ thống điện đều được đấu nối vào lưới điện quốc gia, vận hành an toàn, ổn định. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang phối hợp với các chủ đầu tư để tiếp tục rà soát các thủ tục liên quan đến quá trình vận hành của các nhà máy điện. 

Về vấn đề liên quan đến nhà máy điện tại Ninh Thuận, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, hợp đồng mua bán điện mặt trời giữa EVN và Trung Nam - Thuận Nam được ký theo hợp đồng mẫu ban hành năm 2016 theo quy định của Bộ Công Thương. Thời gian qua, tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để hoàn thiện các cơ chế chính sách để tháo gỡ những vấn đề liên quan đến giá điện.

14h35: Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo một số vấn đề được nêu tại Báo cáo công tác dân nguyện

Báo cáo tại phiên họp, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với các nội dung trong báo cáo công tác dân nguyện tháng 11, đặc biệt là liên quan tới tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.

Báo cáo cụ thể về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, qua số liệu giải quyết bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2021, toàn quốc có trên 4 triệu người được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần chưa tính số lượng người lao động do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an giải quyết. Số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%; số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo điều kiện ngừng đóng bảo hiểm xã hội sau một năm chiếm 98,8% tổng số cái lượt người hưởng một lần trong giai đoạn 2016-2021, số người hưởng một lần theo các điều kiện khác thì chiếm ít hơn. ..

Thời gian vừa qua, tốc độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần có chiều hướng tăng qua các năm. Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng trên là do các chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động. Đồng thời còn do tác động tiêu cực của các dịch bệnh hơn hai năm qua khiến đời sống của người dân cũng như người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp chỉ còn trông chờ vào số tiền rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống. Như vậy, trong năm năm qua bình quân khoảng trên 800.000 người một năm rút bảo hiểm một lần. 

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người hưởng bảo hiểm xã một lần ước năm 2022 là 895.500 người, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. So với bình quân các năm vừa qua, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng mức tăng ước của năm 2022 không phải bất thường. Việc hưởng bảo hiểm một lần tăng nhanh liên quan mật thiết đến sự phát triển của kinh tế xã hội. Do đó trong thời gian tới, Nhà nước cần có những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để tăng thu nhập cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. 

Đồng thời, khi đề xuất sửa Luật Bảo hiểm xã hội cần có những chính sách tăng quyền lợi đối với người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội chưa được hưởng một lần, giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhiều cơ hội để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.

14h30: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu ý kiến

Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Báo cáo dân nguyện tháng 10 và tháng 11 phản ánh kiến nghị của nhân dân khá đầy đủ. Tuy nhiên qua tiếp xúc cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận thấy, mảng của doanh nghiệp cần bổ sung thêm vào trong Báo cáo. Vì tháng 10 và tháng 11, tình hình doanh nghiệp thiếu vốn, thị trường thiếu thanh khoản, đây là vấn đề doanh nghiệp đang đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xử lý giải quyết.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới nới room tín dụng ngân hàng, còn trong tháng 10 và tháng 11, tiếp cận tín dụng trên thị trường tiền tệ của ngân hàng, các tổ chức tín dụng rất khó khăn, thị trường chứng khoán thời điểm đó xuống dưới mức 1000 điểm, trái phiếu doanh nghiệp thắt chặt, bất động sản bán tháo. Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, trước tình trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã giải quyết các khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng thêm 1,5-2%. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Tổ công tác để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc các khó khăn cho các dự án bất động sản, chỉ đạo sửa đổi Nghị đinh 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 

Các doanh nghiệp đề nghị tháo gỡ cho các thị trường bất động sản, tiền tệ, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp cần sớm được giải quyết. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nếu kéo dài tình trạng này thì một số doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, thậm chí có thể dẫn đến phá sản.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nêu rõ, các dự án hiện tại không giải phóng được mặt bằng và ách tắc trong việc chậm triển khai. Ngoài ra, còn vướng mắc về các quy hoạch kèm theo trong Luật Quy hoạch, các địa phương gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án mới. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, đây là hai nhóm vấn đề cần bổ sung trong báo cáo dân nguyện./.

14h25: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung cử tri quan tâm như: tình trạng thiếu xăng dầu; thiếu thuốc men, vật tư y tế; tình trạng hàng giả, quảng cáo sai sự thật; ngộ độc thực phẩm ở trường học; tình trạng cắt việc, buộc thôi việc khi Tết Nguyên Đán gần kề; việc rút bảo hiểm xã hội một lần diễn biến phức tạp; tình hình thiên tai có diễn biến bất ngờ…

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua, cụ thể, số lượng khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ việc đông người gia tăng. Ngoài ra, có tình trạng sử dụng băng nhóm xã hội đen để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân. Vấn đề này cần được cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng xem xét kỹ lưỡng để có giải pháp căn cơ, khả thi và hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về kết quả thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thực hiện những giải pháp tạo chuyển biến trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là sau giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

14h01: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và tháng 11 năm 2022

Báo cáo kết quả thực hiện công tác dân nguyện tháng 10 và tháng 11 năm 2022 của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, dịch bệnh được kiểm soát tốt, quốc phòng, an ninh chính trị đảm bảo ổn định; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Tư, nhất là việc triển khai chính sách tài khóa tiền tệ; việc thực hiện tăng lương cơ sở,  tăng lương hưu… Cử tri cũng đánh giá cao kết quả hoạt động chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư và mong muốn những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực sớm được khắc phục trong thời gian tới. 

Cử tri và Nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng nhiều cây xăng dừng bán hàng, bán cầm chừng trong thời gian qua; tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học; tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động; tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng…

Qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Tư, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.484 kiến nghị của cử tri do các Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương chuyển đến. Ban Dân nguyện đã chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trong tháng 10 và tháng 11 năm 2022, Ban Dân nguyện đã nhận thêm 461 văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Ba. Tính đến nay, đã có 2.632 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Ba đã được giải quyết, trả lời.

Tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 9/2022, nhất là các đoàn đông người. Đáng lưu ý trong thời gian qua trên địa bàn cả nước còn xảy ra một số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, trong số đó có nhiều vụ việc xuất phát từ tranh chấp dân sự, kinh tế liên quan đến đất đai… (còn tiếp)

Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh, trong 2 tháng qua, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã tiếp 617 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 625 vụ việc và có 17 lượt đoàn đông người. 

Từ đó, Ban Dân nguyện kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cần chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự.

Đồng thời kiến nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH quan tâm, lựa chọn, có kế hoạch và tổ chức giám sát chuyên đề theo lĩnh vực phụ trách trong chương trình hoạt động năm 2023.

Ban Dân nguyện cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, thực hiện và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp thiết thực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành thị trường xăng dầu, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm, bếp ăn tập thể không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; quan tâm, đảm bảo đời sống cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến…

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu mở đầu Phiên họp

Phát biểu điều hành phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tiếp tục Phiên họp thứ 18, theo chương trình chiều ngày 15/12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 nội dung: Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2022); Đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2022; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội.

Mở đầu phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022.

 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội