NGHỊ QUYẾT 30/2021/QH15: SÁNG KIẾN LẬP PHÁP CHƯA TỪNG CÓ TIỀN LỆ

14/12/2022

Theo Chương trình Phiên họp thứ 18, sáng 14/12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến việc tổng kết, đánh giá thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (gọi tắt là Nghị quyết số 30). Đây là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành;...

TỔNG THUẬT CHIỀU 13/12: UBTVQH XEM XÉT CHO Ý KIẾN, QUYẾT ĐỊNH VIỆC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh, được sự đồng ý của Bộ Chính trị; chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét đưa nội dung về phòng, chống dịch COVID-19 vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khóa XV để có cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp chủ trì 02 Phiên họp để cho ý kiến chỉ đạo về nội dung, thủ tục trình Nghị quyết. Đồng thời, các cơ quan của Quốc hội đã rất quyết liệt, khẩn trương để trình Quốc hội điều chỉnh chương trình, thảo luận, biểu quyết thông qua, chỉnh lý hoàn thiện trong 01 tuần, thể hiện rõ nét tinh thần chống dịch như chống giặc.

Nghị quyết số 30 được ban hành đã thống nhất việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được chủ động, linh hoạt quyết định triển khai các giải pháp cấp bách đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch COVID-19. Với quyết định quan trọng này, Quốc hội đã nhận được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội, của cử tri và Nhân dân cả nước.

Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành; huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh; thể hiện sự tin tưởng, đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống dịch.

Nghị quyết đã tạo điều kiện giúp Chính phủ chủ động thực hiện các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc trong chỉ đạo, lãnh đạo hiệu quả các biện pháp chống dịch ở mức cao như trong tình trạng khẩn cấp mà vẫn bảo đảm ổn định tâm lý người dân. Đặc biệt, việc Quốc hội cho phép triển khai các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đã đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để huy động tối đa nguồn lực vắc xin, thuốc, trang thiết bị, hóa chất, bệnh viện dã chiến, nhân lực, tài chính, quyết định những biện pháp đặc cách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý do có những nội dung chưa được luật quy định và do những hệ lụy của dịch bệnh COVID-19 gây ra góp phần quan trọng quyết định kiểm soát được đợt dịch thứ 4, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn của người dân và linh hoạt chuyển trạng thái vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, góp phần từng bước phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với những quyết sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Quốc hội đã phát huy vai trò là người đại diện của Nhân dân, tích cực, chủ động đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt thể chế, cùng Chính phủ triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách phòng, chống dịch theo phương châm đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. Đây là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

Phiên họp bất thường của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 24.9.2021 cho ý kiến về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Trong quá trình triển khai, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổ công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 30, các Cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã chủ động đồng hành, giải quyết kịp thời các đề xuất của Chính phủ và tổ chức giám sát, phát hiện, phản ánh kịp thời nguyện vọng, kiến nghị của cử tri về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30, Quốc hội đã ban hành kịp thời nhiều quy định tại 06 Nghị quyết của Quốc hội (Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021, Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13/11/2021, Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13/11/2021, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022,...), 10 Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 268/2021/NQ-UBTVQH15 ngày 06/8/2021, Nghị quyết số 285/NQ-UBTVQH15 ngày 27/8/2021, Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021, Nghị quyết số 296/NQ-UBTVQH15 ngày 07/9/2021, Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 ngày 30/9/2021,...).

Kết quả thực hiện cho thấy, đến nay đã có 05 Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành việc triển khai, gồm: Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 ngày 30/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bổ sung dự phòng ngân sách trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 296/NQ-UBTVQH15 ngày 07/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia đã xuất cấp để viện trợ, cứu trợ và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19; Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Nghị quyết số 406/2021/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 ngày 11/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15.

Đại dịch COVID-19 là đại dịch nguy hiểm, chưa có tiền lệ nên việc áp dụng các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách của Quốc hội là một sáng tạo của Việt Nam. Quốc hội đã bám sát tình hình thực tế và kịp thời quyết định bổ sung Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19, kịp  thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đây là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Từ khi được ban hành, Nghị quyết 30 được triển khai khẩn trương cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác nhằm kiểm soát dịch COVID-19, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia./.

Lê Anh

Các bài viết khác