TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC TRẺ EM

07/12/2022

Sáng ngày 7/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội tổ chức Hội thảo Phòng, chống đuối nước trẻ em nhằm lắng nghe những kinh nghiệm, giải pháp tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa và Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đồng chủ trì Hội thảo.

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ĐẶC BIỆT BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu của Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế thế giới; đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội một số địa phương; cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực trẻ em.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thảo về Phòng, chống đuối nước trẻ em ngày hôm nay thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực trẻ em đối với những vấn đề cử tri, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm; cũng là để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; thực hiện giám sát và đánh giá việc thực hiện các quy định về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong Luật Trẻ em năm 2016. Đặc biệt, sự có mặt của các đại biểu tại Hội thảo đã thể hiện sự quan tâm, cam kết và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các cấp, các ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ, tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan quản lý nhà nước và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế đối với công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại Việt Nam. Tuy vậy, trong thực tế công tác phòng, chống đuối nước trẻ em ở Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương, cơ sở; sự phối hợp giữa các Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo,... trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; giới thiệu các kinh nghiệm hay, đề xuất các giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, nhất là về bố trí, huy động các nguồn lực thỏa đáng cho công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Hơn 2.000 trẻ em tử vong mỗi năm do đuối nước

Theo Kết quả khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em” (giai đoạn 2016-2021), tại Việt Nam, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, tuy đã giảm dần qua các năm nhưng đuối nước luôn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên. Tỷ suất tử vong do đuối nước ở trẻ em từ 0-14 tuổi tại Việt Nam cao hơn so với tỷ suất tử vong ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu; thấp hơn các nước thu nhập thấp và cao gần gấp 10 lần các nước phát triển. Tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm khoảng 50% các ca tử vong do tai nạn, thương tích; xảy ra chủ yếu tại cộng đồng (76,6%), tại gia đình (22,4%) và tại trường học (1%); trong đó nhóm 0-4 tuổi có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất và trẻ em trai cao gấp đôi trẻ em gái. Trẻ em ở khu vực nông thôn có nguy cơ bị đuối nước cao gấp 2 lần trẻ em ở khu vực thành thị và 55% trẻ em tử vong do đuối nước thuộc các hộ gia đình nghèo ở nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà tại Hội thảo

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình trạng đuối nước trẻ em có xu hướng gia tăng, đã xảy ra nhiều vụ đuối nước trẻ em trên toàn quốc, trong đó tập trung xảy ra nhiều vào dịp chuẩn bị kỳ nghỉ hè và những tháng hè trẻ nghỉ học. Đặc biệt, năm 2022, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, trẻ em trở lại trường, bắt đầu tham gia các hoạt động vui chơi, theo gia đình đến các khu du lịch, đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra, khiến nhiều trẻ em bị tử vong, có những vụ là anh chị em trong một gia đình. Cho đến nay, tử vong do đuối nước là mối đe dọa lớn nhất tới trẻ em, trực tiếp ảnh hưởng tới hạnh phúc của các gia đình cũng như sự phát triển của đất nước.

Trong giai đoạn 2016-2021, các bộ, ngành, địa phương cũng đã quan tâm triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống đuối nước trẻ em. Các kế hoạch (đề án) của các tỉnh/thành phố đã có sự tăng đầu tư ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, xây dựng môi trường an toàn, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em, dạy bơi và đầu tư xây lắp các mô hình bể bơi phục vụ nhu cầu phổ cập bơi cho trẻ em.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội; làm thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động của trẻ em, các bậc phụ huynh, các cơ quan chức năng và cộng đồng về vai trò, lợi ích của việc học bơi và học kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước trong việc nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực trẻ em và bảo đảm an toàn, cứu sống tính mạng khi trẻ em bị rơi vào môi trường nước. Việc xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em được các tỉnh/ thành phố quan tâm triển khai và đã có những kết quả tốt tại nhiều địa phương.

Đáng chú ý, việc dạy bơi an toàn, hướng dẫn kỹ năng cứu đuối, an toàn trong môi trường nước cho trẻ em được quan tâm triển khai, với sự vào cuộc của nhiều ngành, đoàn thể. Số bể bơi được xây dựng, lắp đặt tại các địa phương tăng nhanh so với năm 2016. Công tác phối hợp liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em được tăng cường, bảo đảm triển khai toàn diện, đa ngành, đa lĩnh vực; huy động được sự tham gia của cộng đồng, sự hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế trong công tác phòng chống đuối nước trẻ em.

Khó khăn trong dạy bơi cho trẻ

Tuy nhiên qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tử vong do đuối nước trẻ em đã có chiều hướng giảm nhưng giảm chậm trong những năm qua và số trẻ đuối nước vẫn còn cao, cao gấp 10 lần các nước phát triển.  Việc dạy bơi cho trẻ em các địa phương, đặc biệt dạy bơi trong các trường học còn gặp nhiều khó khăn, nhất các tỉnh miền núi nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở không có bể bơi tại trường, ngoài cộng đồng phần lớn ao, hồ, sông, suối thì ô nhiễm không sử dụng để dạy bơi được.

Các đại biểu tại Hội thảo

Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật chưa có quy định riêng về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em: Luật Giao thông đường thủy chưa quy định rõ các điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy (như phương tiện chở khách giao thông đường thủy phải có áo phao cho trẻ em, quy định ưu tiên chỗ ngồi cho trẻ em, trẻ em nhỏ tuổi phải có người lớn đi kèm, …); chưa có quy định về tội danh, xử lý trách nhiệm, hình phạt cụ thể đối với một số trường hợp không bảo đảm môi trường an toàn để xảy ra đuối nước trẻ em (như các hố nước của các công trình xây dựng; hồ tưới tiêu của các gia đình, trang trại; các điểm nguy hiểm để xảy ra nhiều vụ đuối nước,…).

Nhiều địa phương chưa có văn bản chỉ đạo của cấp ủy, Hội đồng nhân dân về công tác trẻ em nói chung và phòng chống đuối nước trẻ em nói riêng. Kế hoạch triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng chống đuối nước trẻ em của một số tỉnh/thành phố còn chung chung, chưa có mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, chưa được quan tâm đầu tư các nguồn lực đúng mức... Công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em chưa được các cấp thực hiện thường xuyên, kịp thời; chưa gắn kết và huy động được sức mạnh, sự tham gia của người dân trong cộng đồng. Việc theo dõi thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm, báo cáo kết quả cụ thể. Chưa xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm gây tai nạn đuối nước trẻ em...

Chủ động nhiều giải pháp

Theo PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế Công cộng, cho tới hiện nay, dạy bơi cho trẻ là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống đuối nước, từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Tại Mỹ, có 54% đối tượng nghiên cứu cho rằng dạy bơi cho trẻ sẽ hạn chế được đuối nước, dạy bơi càng sớm càng tốt ngay khi trẻ chưa đến tuổi đi học. Tại Mỹ, nghiên cứu bệnh chứng đã chứng minh trẻ học bơi giúp giảm 88% nguy cơ đuối nước ở trẻ. Tại Trung Quốc, để phòng chống đuối nước có hiệu quả, chuyên gia khuyến cáo rằng chương trình dạy bơi trong các trường học phải được đưa vào thành môn học giáo dục thể chất bắt buộc cho học sinh học. Các nghiên cứu đã chứng minh ở các nước thu nhập thấp và trung bình như vùng nông thôn của Trung Quốc, Bangladesh, Thái Lan, Philippins, Malayssia dạy bơi cho trẻ em là biện pháp làm giảm nguy cơ đuối nước.

PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế Công cộng

Do vậy, để phòng chống đuối nước một cách có hiệu quả cho trẻ em ở Việt Nam, chúng ta cần triển khai chương trình dạy bơi an toàn một cách hiệu quả và độ bao phủ lớn hơn cho trẻ em Việt nam. Chính phủ, chính quyền địa phương cần cân nhắc, nghiên cứu áp dụng dạy bơi an toàn cho trẻ. Ưu tiên đầu tư, phân bổ kinh phí cho các hoạt động dạy bơi. Có thể nghiên cứu và gắn việc dạy bơi an toàn vào chương trình giáo dục thể chất cho học sinh tại từng khối lớp bao gồm dạy bơi ban đầu và các bổ sung khi trẻ lớn theo từng độ tuổi.

Bên cạnh đó, cần chuẩn hoá tài liệu hướng dẫn tổ chức dạy bơi an toàn cho trẻ em, trong đó chuẩn hoá chương trình dạy, tiêu chuẩn của giáo viên và hướng dẫn tổ chức dạy bơi (bao gồm: cơ sở vật chất, an toàn, đảm bảo vệ sinh…); nghiên cứu và đưa ra hướng dẫn lộ trình học bơi an toàn cho trẻ theo từng độ tuổi và các đào tạo nâng cao hàng năm; thiết lập hệ thống giám sát, theo dõi để bảo đảm chất lượng tại lớp bơi. Cần giám sát chặt chẽ việc dạy bơi trong đó đảm bảo việc an toàn cho trẻ khi dạy bơi, đảm bảo phòng tránh các bệnh truyền nhiễm;  xây dựng các qui định về các hình thức tham gia dạy bơi, xã hội hoá việc dạy bơi an toàn cho trẻ em tại cộng đồng.

Các đại biểu cho rằng, phòng, chống đuối nước trẻ em cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và triển khai đồng bộ. Các chương trình, kế hoạch đề ra phải lượng hóa được các chỉ tiêu phấn đấu và phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các bên liên quan. Việc phòng ngừa đuối nước trẻ em phải đặt lên hàng đầu. Công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện cần được coi trọng; thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả các mô hình thí điểm, phát hiện những mô hình hiệu quả, những cách làm hay của các ngành, địa phương, cơ sở và có phương án giới thiệu, nhân rộng.

Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam

Đề xuất giải pháp, chính sách pháp luật về phòng chống đuối nước trẻ em, Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, chúng ta cần đẩy mạnh, đổi mới truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho các cấp, các ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ em, học sinh; phổ biến các tài liệu hướng dẫn, sản phẩm truyền thông đến từng người dân, hộ gia đình, lớp học, cộng đồng dân cư và thông qua môi trường mạng, các kênh báo chí. Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan đến Xây dựng môi trường an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế triển khai tại địa phương.

Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam cũng nhấn mạnh, việc làm cấp thiết là cần hoàn thiện và chuẩn hóa tài liệu hướng dẫn dạy bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em và dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em, an toàn trong môi trường nước trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thực tế triển khai tại địa phương, các mô hình thí điểm và khuyến nghị của quốc tế. Phổ biến hướng dẫn trên toàn quốc. Nghiên cứu ban hành các hướng dẫn sử dụng bể bơi thông minh, dạy bơi ở vùng nước mở và phổ biến trên toàn quốc. Nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung các văn bản quy định để đảm bảo thuận lợi cho việc dậy bơi trong trường học đối với các trường học đã được lắp đặt bể bơi.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống đuối nước trẻ em của các Bộ ngành theo chức năng nhiệm được giao. Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, mạng lưới phòng, chống đuối nước trẻ em. Đặc biệt triển khai có hiệu quả Kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai phát biểu kết luận

Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, qua các ý kiến phát biểu và tham luận tại Hội thảo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng như Bộ Lao động- Thương binh và xã hội đã lĩnh hội được rất nhiều nội dung, cách làm hay, mô hình hiệu quả, bài học thiết thực, cụ thể. Đặc biệt, các ý kiến đã làm rõ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; đề xuất những cơ chế, phối hợp thực hiện cụ thể. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, trên cơ sở đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp thu và cụ thể hóa trong chương trình hoạt động, công tác tham mưu của Ủy ban.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa mong muốn các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện tốt những quy định pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em, trong đó có phòng, chống đuối nước. Cụ thể là Luật Trẻ em 2016, Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2030… “Hành động phải cụ thể, thiết thực. Những giải pháp đưa ra phải được cụ thể hóa bằng kế hoạch hàng năm, ở từng việc làm, ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương; phải nỗ lực, quyết tâm làm”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ, nhiều giải pháp đã được nêu ra, nhưng đó không phải là ý tưởng mà cần cụ thể hóa bằng kế hoạch hàng năm của từng bộ ngành, các cấp, gắn với tinh thần quyết tâm thực hiện, quyết tâm hành động. Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan, bộ, ban ngành trong lĩnh vực liên quan cũng cần được thể hiện rõ hơn. Đặc biệt, “cần huy động các nguồn lực thỏa đáng cho công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, để công tác phòng, chống đuối nước được thực hiện đồng bộ, lâu bền, hướng tới sự công bằng cho trẻ em ở tất cả vùng miền”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội tổ chức Hội thảo Phòng, chống đuối nước trẻ em nhằm lắng nghe những kinh nghiệm, giải pháp tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ, tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan quản lý nhà nước và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế đối với công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại Việt Nam

Các đại biểu tại Hội thảo

Vụ Phó Vụ Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thanh Hải Chia sẻ tóm tắt Báo cáo kết quả khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em”

 Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Nguyễn Nho Huy phát biểu

Các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tử vong do đuối nước trẻ em đã có chiều hướng giảm, nhưng giảm chậm và số trẻ đuối nước vẫn còn cao, cao gấp 10 lần các nước phát triển

Đại diện Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu của Hoa Kỳ nêu ý kiến

Để phòng chống đuối nước một cách có hiệu quả cho trẻ em ở Việt Nam, các đại biểu cho rằng, cần triển khai chương trình dạy bơi an toàn một cách hiệu quả và độ bao phủ lớn hơn cho trẻ em Việt nam

Các ý kiến cho rằng, Chính phủ, chính quyền địa phương cần cân nhắc, nghiên cứu áp dụng dạy bơi an toàn cho trẻ

Đồng thời, ưu tiên đầu tư, phân bổ kinh phí cho các hoạt động dạy bơi; nghiên cứu và gắn việc dạy bơi an toàn vào chương trình giáo dục thể chất cho học sinh tại từng khối lớp bao gồm dạy bơi ban đầu và các bổ sung khi trẻ lớn theo từng độ tuổi

 Các đại biểu tại Hội thảo

Thu Phương – Nghĩa Đức