MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI)
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 Chương và 56 Điều, tập trung vào 5 nhóm vấn đề mới. Theo đó phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, nhóm đối tượng được áp dụng tương tự. Thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng thể hiện tại các quy định đã được sửa đổi, bổ sung về thông tin, truyền thông, giáo dục, tư vấn, hòa giải, tiếp nhận tin báo, tố giác… Sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình. Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.
Quan tâm đến Luật này, ThS.Ls Lại Xuân Cường cho rằng việc ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) là hoàn toàn phù hợp; đồng thời với nhiều bổ sung về các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm, vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình sẽ đạt được nhiều kết quả khả thi trong thực tiễn.
ThS.Ls Lại Xuân Cường
Phóng viên: Thưa Luật sư, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức buổi Họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 6 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, trong đó có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Luật sư có bình luận gì về những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật?
ThS.Ls Lại Xuân Cường: Trước tiên cần khẳng định, gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt được hình thành, xác lập, duy trì, củng cố và phát triển dựa trên cơ sở hôn nhân, huyết thống và những quan hệ đặc biệt khác. Gia đình là là “tổ ấm”, nơi yêu thương, che chở, bình an của mỗi con người. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “tổ ấm” chưa thực sự êm ấm, hạnh phúc bởi vấn nạn bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đã, đang và tiếp tục là một vấn đề nan giải ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trước hiện thực có xu hướng gia tăng và ngày càng trầm trọng, phức tạp của “vấn nạn" bạo lực gia đình, việc Quốc hội vừa thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ 4 để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh xử lý vấn đề này là điều hoàn toàn phù hợp.
Ngay từ quy định đầu tiên, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã nêu rõ, Luật này quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Như vậy, ngay ở phạm vi điều chỉnh của Luật của đã cho thấy, việc thực hiện phòng chống bạo lực gia đình cần có tính chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng. Đây có thể coi là một trong những điểm mới của Luật ban hành.
Để thực hiện điểm mới này, Luật đã quy định một cách chi tiết, thống nhất xuyên suốt về các nội dung như: bổ sung quy định về thông tin, truyền thông, giáo dục; rà soát, bổ sung nội dung tư vấn, bổ sung đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với người thực hiện tư vấn ở cộng đồng; sửa đổi quy định về hòa giải trong phòng, ngừa bạo lực gia đình nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành chính hoặc hình sự; bổ sung quy định về sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình…
Phóng viên: Ngoài Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), có một số Luật hiện hành cũng quy định về vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình. Luật sư có nhận xét gì về sự tương thích giữa Luật này trong hệ thống pháp luật?
ThS.Ls Lại Xuân Cường: Vấn đề phòng chống, bạo lực gia đình được đề cập đến ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Ở cấp độ Luật, có thể chỉ ra một số Luật có liên quan cũng quy định về vấn đề này.
Ví dụ trong Luật Bình đẳng giới năm 2006 khẳng định mục tiêu xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong giới tính, tạo ra, bảo đảm sự bình đẳng về giới. Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng còn có một số quy định khác mang tính phòng ngừa bạo lực gia đình qua việc quy định về sự bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình; các con có quyền bình đẳng, không bị phân biệt về giới tính; quy định cả về trách nhiệm san sẻ các công việc.
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định một số vấn đề trong phòng, chống bạo lực gia đình như: nguyên tắc của chế độ hôn nhân và gia đình vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con; quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, tôn trọng nhau.
Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định chế tài đối với hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình với khung hình phạt từ 6 tháng đến 5 năm.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Luật Trẻ em 2016 xác định bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động chưa thành niên phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Như vậy có thể thấy, các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hoàn toàn thống nhất, tương thích trong hệ thống pháp luật hiện hành; tạo nên cơ chế đồng bộ, hữu hiệu trong phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trở thành cơ sở pháp lý quan trọng nhằm huy động sức mạnh của cộng đồng, xã hội tham gia vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Phóng viên: Nghiên cứu các quy định của Luật sửa đổi lần này, cá nhân Luật sư cho rằng những nội dung thay đổi quan trọng nào sẽ tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn công tác phòng, chống bạo lực gia đình?
ThS.Ls Lại Xuân Cường: Một trong những điểm mới và được đánh giá cao của Luật sửa đổi lần này là các quy định đồng bộ, chặt chẽ về bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình được thể hiện tại Chương III.
Tại Điều 19 của Luật đã quy định rất chi tiết về việc báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.
Việc báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình đến địa chỉ quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo các hình thức sau đây: Gọi điện, nhắn tin; Gửi đơn, thư; Trực tiếp báo tin.
Như vậy, địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình tương đối rộng, bao quát đầy đủ một số cơ quan chức năng, tạo điều kiện cho việc thực hiện tin báo tố giác về vấn đề này được thực hiện một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 22 quy định liệt kê các biện pháp có thể được áp dụng trong phòng, chống bạo lực gia đình và hầu hết các biện pháp này vừa nhằm ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, vừa bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình như buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; cấm tiếp xúc; bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu; chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình; trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình…
Đồng thời, tại Điều 24 của Luật đã quy định rõ căn cứ và trường hợp Trưởng Công an xã yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc; bỏ quy định về thời gian người bị bạo lực gia đình làm việc tại trụ sở Công an xã và quy định về trình tự, thủ tục đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nếu họ không đến.
Luật cũng quy định rất rõ rằng người bị bạo lực gia đình được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Người bị bạo lực gia đình được cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, để bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình, tại Điều 34 của Luật có quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức các biện pháp bảo vệ người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người báo tin, tố giác.
Ngoài những nội dung trên, để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tôi cho rằng, cần đảm bảo công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của Luật. Đồng thời, Chính phủ cần kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật; nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!