PGS.TS VŨ THỊ PHƯƠNG HẬU: PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA LÀ NGUỒN LỰC NỘI SINH QUAN TRỌNG

30/11/2022

Khẳng định sự quan tâm nhất quán của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với vấn đề văn hóa, PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để phát huy đúng vai trò của văn hóa với tư cách là nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững đất nước thì cần phải phát huy những lợi thế, khơi thông những điểm nghẽn, xử lý hài hòa những mối quan hệ cơ bản trong phát triển văn hóa.

ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: HỘI THẢO VĂN HÓA 2022 SẼ CHỈ RA NGUY CƠ LÀM BÀO MÒN, LỆCH CHUẨN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG ĐỂ CÓ GIẢI PHÁP TỪ SỚM, TỪ XA

Quan tâm đến Hội thảo Văn hóa 2022 sẽ diễn ra trong tháng 12 tới đây do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội xoay quanh tầm quan trọng của Hội thảo này cũng như bày tỏ quan điểm cần làm gì để tạo bước phát triển mạnh mẽ cho văn hóa, nhưng vẫn giữ gìn được bản dân tộc.

PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Phát huy lợi thế, khơi thông điểm nghẽn, xử lý hài hòa những mối quan hệ cơ bản trong phát triển văn hóa

Phóng viên: Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức sẽ diễn ra trong tháng 12 tới đây. Mục tiêu quan trọng, xuyên suốt của Hội thảo là tiếp tục quán triệt và triển khai các quan điểm, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Theo bà, Hội thảo có tầm quan trọng như thế nào trong bối cảnh nước ta hiện nay?

PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vấn đề văn hóa, con người Việt Nam là một điểm nhấn quán trọng.

Để triển khai tinh thần Văn kiện Đại hội XIII về phát triển văn hóa, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 tiếp tục làm rõ những nội dung, nhiệm vụ, yêu cầu trong phát triển văn hóa Việt Nam hiện nay. Và tới đây, Hội thảo Văn hóa 2022 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức sẽ tiếp nối tinh thần ấy, nhưng tập trung vào một chủ đề, được xem là yếu tố then chốt, định hướng, dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển văn hóa hiện nay, đó là “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Hội thảo một lần nữa khẳng định sự quan tâm nhất quán của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với vấn đề văn hóa. Đồng thời, cũng khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước. Bối cảnh thời đại và đất nước đang đặt ra nhiều thời cơ, nhưng đồng thời cũng ẩn chứa cả những thách thức đối với sự phát triển văn hóa dân tộc.

Tôi cho rằng, để phát huy được đúng vai trò của văn hóa với tư cách là nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững đất nước thì cần phải phát huy những lợi thế, khơi thông những điểm nghẽn, xử lý hài hòa những mối quan hệ cơ bản trong phát triển văn hóa như bảo tồn và phát huy, dân tộc và thời đại, Nhà nước và thị trường, xã hội… Và tất cả những vấn đề rất quan trọng cho sự phát triển văn hóa dân tộc ấy phải bắt đầu từ “Thể chế, chính sách và nguồn lực”.

Phóng viên: Thể chế, chính sách là những yếu tố rất quan trọng để phát triển văn hóa. Vậy chúng ta cần làm gì để có một hành lang pháp lý đủ thông thoáng, đủ tiến bộ để tạo bước phát triển mạnh mẽ cho văn hóa, nhưng vẫn giữ gìn được bản dân tộc, thưa bà?

PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Để kiến tạo một hành lang pháp lý thông thoáng, tiến bộ cho phát triển văn hóa dân tộc hiện nay, tôi cho rằng cần phải chú ý tới một số điểm sau:

Một là, hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa phải tiếp tục được nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện.

Hai là, thể chế văn hóa phải tương thích với thể chế kinh tế, thể chế chính trị. Các chính sách văn hóa phải được đặt trong tổng thể chính sách phát triển của quốc gia.

Ba là, hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa phải tiếp cận với hệ thống chính sách, pháp luật quốc tế về văn hóa.

Bốn là, tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học phải là tinh thần xuyên suốt của các chính sách, pháp luật về văn hóa. Và trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về văn hóa, cần phát huy hơn nữa sự tham gia của người dân, từ khâu hoạch định chính sách, tổ chức triển khai, giám sát triển khai và phản hồi chính sách.

Đẩy mạnh chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa

Phóng viên: Phát triển văn hóa là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung chứ không phải chuyện riêng của ngành văn hóa. Theo bà, chúng ta cần làm gì để khơi dậy tối đa các nguồn lực trong xã hội quan tâm và phát triển văn hóa?

PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Xã hội hóa các hoạt động văn hóa là một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa đã huy động được nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển văn hóa; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các giai tầng trong xã hội tham gia vào sáng tạo, sản xuất, phân phối, lưu thông các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Có thể nói, chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã góp phần làm cho đời sống văn hóa của nhân dân có sự khởi sắc, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân được đáp ứng. Thời gian tới, tôi nhận thấy cần tiếp tục đẩy mạnh chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa. Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu ban hành các chính sách cụ thể hơn nữa để khuyến khích, thu hút các nguồn lực trong xã hội đầu tư phát triển văn hóa.

Bên cạnh các biện pháp hành chính, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tôi thiết nghĩ cần có những biện pháp kinh tế đủ “hấp dẫn” để tạo ra những xung lực mới cho phát triển văn hóa.

Phóng viên: Từ những phân tích nêu trên, bà kỳ vọng và gửi gắm điều gì ở Hội thảo Văn hóa 2022 sắp diễn ra?

PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức một Diễn đàn Văn hóa có quy mô, tầm vóc lớn như vậy. Tôi rất kì vọng vào trí tuệ và trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học cùng toàn thể quý vị đại biểu tham dự Hội thảo này.

Tôi mong rằng, Hội thảo sẽ tập trung xác định đúng, trúng những điểm nghẽn, những vấn đề đang đặt ra trong phát triển văn hóa hiện nay. Bên cạnh đó, tôi cũng mong rằng, Quốc hội lắng nghe ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia tại Hội thảo để có cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng, ban hành những chính sách văn hóa thiết thực cũng như phân bổ hợp lý nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Và ngay sau Hội thảo này, tôi hy vọng các chính sách văn hóa được triển khai, các nguồn lực được huy động để phát triển văn hóa dân tộc tương xứng với chính vai trò và vị thế của nó.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Bích Ngọc