TRÁCH NHIỆM THU HỒI SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CÓ KHUYẾT TẬT: CẦN LÀM RÕ BẢN CHẤT ĐẶC THÙ CỦA LOẠI TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG

30/11/2022

Đưa ra ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật này. Đồng thời đề nghị cần rà soát các quy định về trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, đảm bảo làm rõ bản chất đặc thù của loại trách nhiệm bồi thường.

 QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT BẢO VỀ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Qua nghiên cứu Dự thảo luật đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhận thấy các quy định về sản phẩm hàng hóa có khuyết tật chưa được thể hiện đầy đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu chính sách đã nêu của Chính phủ, đó là phải hoàn thiện các quy định về hàng hóa có khuyết tật và thu hồi hàng hóa có khuyết tật nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực thi của các quy định có liên quan. Cùng với đó, cách tiếp cận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại hiện nay mới chỉ dừng lại trách nhiệm bồi thường thiệt hại thông thường nói chung, chưa làm rõ được bản chất đặc thù của loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại sản phẩm hàng hóa có khuyết tật, cụ thể như sau: Khái niệm hàng hóa sản phẩm có khuyết tật và phân loại hàng hóa sản phẩm có khuyết tật vẫn được giữ nguyên như luật hiện hành và cũng không có quy định Chính phủ quy định chi tiết về việc phân loại các sản phẩm khuyết tật. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quy định phạm vi, nội hàm khái niệm này bảo đảm rõ ràng, bao quát và khả thi.

Đối với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bồi thường thiệt hại, do sản phẩm khuyết tật chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bồi thường đối với từng loại khuyết tật, do đó đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định rõ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với từng loại khuyết tật ngay tại trong Dự thảo luật.

Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Liên quan đến về vấn đề hàng hóa có khuyết tật, đại biểu Hà Ánh Phượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ chỉ ra rằng, quy định như trong Dự thảo còn thiếu thống nhất, trùng lặp trong cách giải thích cùng một từ ngữ. Cụ thể, khoản 4 Điều 3 dự luật giải thích sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gồm 3 loại dựa trên nguồn gốc phát sinh khuyết tật, nhưng Điều 33 dự luật về trách nhiệm thu hồi sản phẩm hàng hóa có khuyết tật lại tiếp tục giải thích, phân loại các sản phẩm hàng hóa này dựa trên khả năng gây thiệt hại đến tài sản hay sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Ngoài ra,theo đại biểu, còn thiếu thống nhất về khái niệm sản phẩm hàng hóa có khuyết tật với văn bản quy phạm pháp luật khác. Cụ thể, Dự thảo luật quy định tại khoản 3 Điều 34 về việc bồi thường thiệt hại do sản phẩm hàng hóa có khuyết tật gây ra thực hiện theo pháp luật dân sự, tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 lại không có quy định nào về sản phẩm hàng hóa có khuyết tật mà chỉ có quy định về hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, trong khi 2 khái niệm này lại không đồng nhất với nhau. Vì vậy, đề nghị rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất trong việc giải thích các từ ngữ, khái niệm ngay trong dự luật, đồng thời đối chiếu dự thảo luật với các văn bản pháp luật khác có liên quan về sản phẩm hàng hóa có khuyết tật để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không gây vướng mắc, khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn.

Đối với trách nhiệm về hàng hóa có khuyết tật được quy định tại Điều 32, 33, 34 và 35 trong dự luật. Đại biểu chỉ ra rằng, việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật còn được quy định ở một số văn bản pháp luật như Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2018, Luật Dược năm 2016, Luật Thủy sản năm 2017, Luật An toàn thực phẩm năm 2018 và một số luật khác. Dự thảo luật tuy đã có các quy định về trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhưng những quy định trên được thể hiện còn chung chung mà chưa tính đến trường hợp nhà sản xuất, nhà cung cấp cố tình chậm trễ trong việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật thì trách nhiệm pháp lý đặt ra như thế nào. Vì vậy, cần có các quy định cụ thể nhưng lại bao quát các loại hàng hóa đặc thù được quy định ở các luật chuyên ngành từ góc độ là luật chung, luật gốc về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung biện pháp xử lý hình sự trong trường hợp chậm trễ hoặc không thực hiện việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, quy định việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về Luật Dân sự. Dẫn chiếu điều này, tại Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại được áp dụng dựa trên 4 nguyên tắc. Đại biểu quan tâm đến nguyên tắc trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại thực tế xảy ra. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung vào Dự thảo luật việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế, chỉ cần có căn cứ chứng minh thiệt hại đó chắc chắn sẽ xảy ra.

Bên cạnh đó, liên quan đến miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa khuyết tật gây ra tại khoản 1 Điều 35. Đại biểu cho biết, khi các tổ chức, cá nhân kinh doanh chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm cung cấp cho người tiêu dùng. Như vậy, doanh nghiệp sẽ không phải bồi thường thiệt hại khi trình độ khoa học kỹ thuật không chứng minh được khuyết tật của hàng hóa tại thời điểm mà doanh nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng. Đại biểu băn khoăn vấn đề này, đó là thời điểm chúng ta xác định khi doanh nghiệp không phải bồi thường, bởi vì sau khi sản phẩm được đưa vào lưu thông sau thời điểm cung cấp, doanh nghiệp phát hiện ra hàng hóa của mình sản xuất có nguy cơ gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì doanh nghiệp không phải bồi thường, cũng không phải thu hồi sản phẩm đó.

Minh Hùng