QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN
Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều ngày 21/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Toàn cảnh Phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện tại Kỳ họp thứ 4.
Phát biểu tại Kỳ họp, đề cập về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Ngày 14/10/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo đầy đủ số 337/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo tiến hành rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, bảo đảm tính hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình doanh nghiệp trong sử dụng tần số thương mại phục vụ phát triển kinh tế
Tại Kỳ họp, đa số các đại biểu thống nhất cho rằng, cần sử dụng tần số vô tuyến điện một cách hiệu quả, đảm bảo an ninh quốc phòng của quốc gia. Ngoài ra, các đại biểu tập trung cho ý kiến về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế (điểm c khoản 17 Điều 1).
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng- Đoàn ĐBQH Bà Rịa Vũng Tàu cơ bản thống nhất với các nội dung của dự án Luật Tần số vô tuyến điện. Qua nghiên cứu các điều khoản về sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề xuất không bổ sung Khoản 4, Điều 45 vì:
Thứ nhất, tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất đặc thù, bảo mật nghiêm ngặt, nếu kết hợp phát triển kinh tế sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ lọt bí mật quốc phòng, an ninh và bí mật Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng- Đoàn ĐBQH Bà Rịa Vũng Tàu nêu quan điểm tại Kỳ họp.
Thứ hai, khi sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế rất có thể sẽ bị lạm dụng, dẫn đến thiếu minh bạch trong hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện.
Thứ ba, băng tần được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh là băng tần bí mật. Nếu kết hợp phát triển kinh tế thì các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ khó tiếp cận để kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp thuộc lực lượng công an, quân đội khi sử dụng băng tần trên tầng dẫn đến tình trạng có vùng mờ, vùng cấm trong hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp này.
Đối với nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau là việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế tại Điểm c, khoản 17, Điều 1 của dự án luật, đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đồng tình với giải pháp cấp quyền sử dụng tần số thương mại cho doanh nghiệp Nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh để khi cần có thể huy động tần số thương mại này sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh. Theo đó, đại biểu Lưu Bá Mạc đề xuất lựa chọn phương án 1 tại Khoản 6, và Điểm c Khoản 17 dự thảo luật, tức là bổ sung Điểm d Khoản 4, khoản 5 Điều 18 và không bổ sung Khoản 4 Điều 45 của Luật tần số vô tuyến điện năm 2009. Lý do Phương án 1 này phù hợp với hai quy định tại Nghị quyết số 23 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, bởi:
Thứ nhất, về định hướng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên là ưu tiên phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh kết hợp với công nghiệp dân sinh. Nghĩa là huy động năng lực công nghiệp quốc phòng tham gia những hoạt động kinh tế thích hợp, sử dụng một bộ phận lực lượng đảm nhận xây dựng một số công trình công nghiệp dân sinh. Do vậy, phương án 1 nêu trên sẽ huy động được năng lực công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng cho việc sử dụng hai loại tần số nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc sử dụng tần số phân bổ cho quốc phòng, an ninh cho riêng mục đích quốc phòng, an ninh và sử dụng tần số thương mại cho riêng mục đích phát triển kinh tế. Hơn nữa, nội dung này cũng phù hợp với quy định hiện hành về quy hoạch tần số vô tuyến điện quốc gia tại Khoản 2, Điều 11 Luật Tần số vô tuyến điện 2009.
Thứ hai, về quan điểm chỉ đạo Nhà nước giữ vai trò định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế cho phát triển công nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh. Nghĩa là phương án 1 nêu trên sẽ tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình doanh nghiệp trong hoạt động viễn thông, đặc biệt là đối với việc sử dụng tần số thương mại phục vụ phát triển kinh tế.
Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đóng góp ý kiến.
Cũng tại Kỳ họp, đại biểu Trần Văn Tiến- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã cho ý kiến về đấu giá tần số vô tuyến điện. Theo đó, khi đã đấu giá thì tiêu chí về thời gian sử dụng là một trong những tiêu chí quan trọng và phải có trong nội dung đấu giá nên trong nội dung đấu giá chưa đề cập tới thời hạn sử dụng băng tần thì cần bổ sung và không cần quy định nội dung này vào dự thảo luật.
Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, khi đã đấu giá thì tiêu chí về thời gian sử dụng là một trong những tiêu chí quan trọng và phải có trong nội dung đấu giá nên trong nội dung đấu giá chưa đề cập tới thời hạn sử dụng băng tần thì cần bổ sung và không cần quy định nội dung này vào dự thảo luật.
Tại Điểm c và d Khoản 1, Điều 22 sửa đổi, bổ sung có quy định về thời hiệu, thời hạn hiệu lực của giấy phép được gia hạn đang có sự mâu thuẫn tại điểm c quy định thời hạn hiệu lực của giấy phép được gia hạn không vượt quá thời hạn của giấy phép viễn thông theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại điểm b quy định tổng thời hạn cấp lần đầu và các lần gia hạn không được vượt quá tối đa cho từng loại giấy phép, trừ trường hợp cấp lần đầu bằng thời hạn tối đa quy định cho loại giấy phép tương ứng thì được chỉ được xem xét gia hạn tối đa là 1 năm. Như vậy, quy định tại Điểm c và Điểm đ đang có sự mâu thuẫn. Trên quy định không được vượt quá giới hạn nhưng dưới lại được vượt quá giới hạn là 1 năm. Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa lại Điểm d là khi đã cấp lần đầu với thời hạn tối đa theo quy định của pháp luật thì không được xem xét gia hạn.
Giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh
Thay mặt cơ quan soạn thảo một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm và có những ý kiến đóng góp sâu sắc, toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm đối với lĩnh vực tần số vô tuyến điện. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu.
Về vấn đề quy định sử dụng tần số quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tại Báo cáo số 337 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba. Ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách có đưa ra 02 phương án xin ý kiến của đại biểu Quốc hội. Về cơ bản, cả hai phương án mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất là phương án 1 và phương án 2 do Chính phủ đề xuất đều cho phép việc sử dụng tần số kết hợp giữa mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế. Thứ tự của 2 phương án này chỉ có khác nhau ít. Phương án 1 cấp tần số cho doanh nghiệp quốc phòng, an ninh để làm nhiệm vụ kinh tế, có thể dùng tần số này để phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh. Phương án 2 là cấp tần số cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Nếu mà dung lượng dư thừa sử dụng một phần cho mục đích kinh doanh, đều là kết hợp nhưng mà theo hai cách tiếp cận khác nhau, tức là kỹ thuật xử lý khác nhau.
Sự khác nhau giữa 02 phương án nằm ở chỗ: Phương án 1 sử dụng tần số được phân bổ cho phát triển kinh tế do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Còn phương án 2 sử dụng băng tần được phân bổ riêng cho mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý để cấp trực tiếp cho doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Chính phủ đề xuất phương án 2 vì một số lý do:
Thứ nhất, trong cả hai phương án thì lượng tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh là chính; phục vụ các nghiệp vụ quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Do đó, tần số này phải do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý như phương án 2 là phù hợp, thống nhất với nguyên tắc là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý tần số được phân bổ riêng cho mục đích quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 45, 46 của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009. Tức là tần số mà Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh thì hai Bộ này sẽ phải quản lý.
Thứ hai, trong quá trình sử dụng thì cần có sự giám sát của cơ quan quản lý để đảm bảo doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phải dành tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh là chính. Sự giám sát này này phải đảm bảo các yêu cầu bảo vệ bí mật Nhà nước, hoạt động nghiệp vụ quốc phòng, an ninh. Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý tần số dân sự, không có vai trò giám sát đối với sử dụng tần số quốc phòng, an ninh. Do đó, việc giám sát này do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện với vai trò là đơn vị được phân bổ tần số vụ quốc phòng, an ninh cho doanh nghiệp như phương án 2 thì phù hợp hơn.
Thứ ba, theo quy định về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh tại Nghị định số 47/CP năm 2021 quy định chi tiết thì doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đảm bảo đủ nguồn lực đầu tư, vốn điều lệ để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao. Như vậy, Bộ chủ quản là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phân bổ nguồn lực, trong đó có tài nguyên, tần số, tài sản công cho doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sử dụng như phương án 2 phù hợp với quy định chi tiết tại Luật Doanh nghiệp. Từ những lý do trên, Chính phủ cho rằng, việc giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phân bổ và quản lý sử dụng tần số kết hợp mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế như phương án 2 trong dự thảo Luật là phù hợp.
Ngoài nội dung chính trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ quan soạn thảo còn nhận được nhiều ý kiến rất chi tiết, xác đáng và tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đoàn đại biểu Quốc hội. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự án Luật với chất lượng tốt nhất để trình Quốc hội trong kỳ họp này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải Phát biểu kết luận tại Kỳ họp về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Phát biểu kết luận Phiên thảo luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận đã có 3 đại biểu phát biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã giải trình, làm rõ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đã nêu. Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia ý kiến để hoàn thiện dự án Luật về một số nội dung: giới hạn băng tần, khái niệm văn tần có giá trị cao quy hoạch về đấu giá thi tuyển, giấy phép trực tiếp cấp giấy phép sử dụng băng tần; kiến nghị hoàn thiện luận Luật để thực hiện đấu giá được tần số vô tuyến điện; quy định về xử lý vi phạm cam kết triển khai mạc viễn thông, đảm bảo an ninh quốc phòng, đảm bảo quản lý Nhà nước đối với các nội dung đặc thù trên lĩnh vực tần số vô tuyến điện. Các đại biểu tham gia ý kiến về việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế.
Những ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Một số hình ảnh tại phiên họp
Toàn cảnh Phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện tại Kỳ họp thứ 4.
Các đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghiên cứu dự án Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Kỳ họp.
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho ý kiến về đấu giá tần số vô tuyến điện.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu tại Kỳ họp về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải Quốc hội phát biểu kết luận và cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.