KỲ VỌNG KHƠI THÔNG ĐIỂM NGHẼN, ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

21/10/2022

Kỳ họp thứ 4 diễn ra sau Hội nghị Trung ương 6 là kỳ họp quan trọng quyết định nhiều vấn đề lớn của đất nước. Nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng Kỳ họp này sẽ phân tích kỹ lưỡng, làm rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp khả thi để khơi thông điểm nghẽn, đẩy mạnh triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

KỲ VỌNG QUYẾT SÁCH KỊP THỜI, TẠO BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Kỳ họp thứ 4 diễn ra sau Hội nghị Trung ương 6 là kỳ họp quan trọng quyết định nhiều vấn đề lớn của đất nước. Tại Kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 07 luật, 03 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến về 07 dự án luật khác; đồng thời, xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo của một số cơ quan; tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; xem xét, quyết định về nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.

Chia sẻ về nội dung Kỳ họp, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, các nội dung được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, quyết định tại Kỳ họp lần này đều rất quan trọng, có tầm tác động sâu rộng tới sự phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến trình phát triển trong thời gian sắp tới. Đại biểu đặc biệt quan tâm đến các chính sách phát triển kinh tế, triển khai Chương trình phục hồi kinh tế, xã hội.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Theo đại biểu, thời gian qua, dù đã có nhiều nỗ lực từ phía Quốc hội và Chính phủ, nhưng kết quả thực hiện việc triển khai các Chương trình phục hồi kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn khiêm tốn. Toàn bộ nguồn vốn dành cho gói hỗ trợ mới chỉ sử dụng ở cuối tháng 8 và chỉ sử dụng 20%. Riêng gói hỗ trợ lãi suất 2% thì mới giải ngân 1/3 kế hoạch.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu rõ, do gặp khó khăn, trung bình một tháng có 12.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đồng nghĩa với việc 12.500 ý tưởng kinh doanh đã không được hoàn thành, tương ứng với đó là một số vốn doanh nghiệp dự kiến đưa vào sản xuất kinh doanh không trở thành hiện thực. Trong khi đó, dù đã có nhiều cải thiện môi trường kinh doanh, song trong thực tế, doanh nghiệp vẫn rủi ro về mặt pháp lý do tồn tại không ít bất cập, nhất là từng câu, từng chữ trong các luật lại được các cơ quan nhà nước hiểu theo từng nghĩa khác nhau, khiến một số doanh nghiệp có tâm lý "e sợ", có chiều hướng co cụm, không mạnh dạn mở rộng kinh doanh.

Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong 21 ngày, ngoài việc xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, Quốc hội cũng dự kiến xem xét, thông qua 7 luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 7 dự án luật khác.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, trong 7 dự luật được lấy ý kiến, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những Luật được cả người dân và doanh nghiệp mong đợi với kỳ vọng sẽ gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản. Đại biểu nêu rõ, việc tiếp cận đất đai dễ dàng hơn đồng nghĩa các doanh nghiệp có thể có một loại tài sản thế chấp hữu hiệu trong trường hợp muốn vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Ngược lại, nếu không tiếp cận được tín dụng, thì nhiều doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội phục hồi sau đại dịch hoặc không thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, bỏ lỡ cơ hội đầu tư cho tài sản mới.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên 

Trao đổi bên lề phiên họp Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho biết, qua tiếp xúc cử tri, vấn đề tăng lương cơ sở đang được nhiều nhân dân hết sức quan tâm, mong đợi. Thời gian qua, có hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức nhất là trong ngành y tế bỏ việc, chuyển việc ra bên ngoài rất nhiều. Một trong những lý do là do áp lực công việc, nhưng không thể phủ nhận một trong những nguyên nhân là do mức lương chưa đáp ứng được. Việc tăng lương có ý nghĩa rất quan trọng, củng cố thêm lòng tin của người lao động, bù đắp được sức lao động của người lao động làm sao trang trải được cuộc sống, tiếp nối theo chương trình cải cách tiền lương mà chúng ta sẽ phải thực hiện. 

Với mức lương tối thiểu Chính phủ sẽ đề xuất sẽ tăng khoảng 20% từ 1.400.000 đồng lên 1.800.000 đồng, đại biểu Hoàng Anh Công cho rằng mức tăng tỉ lệ chưa được cao, nhưng cũng là một sự cố gắng trong bối cảnh ngân sách hiện nay. Theo đại biểu, thời gian tới cần tiếp tục tăng lương theo lộ trình để đảm bảo mức lương cơ bản phần nào đáp ứng được cuộc sống của người lao động nói chung, nhất là trong khối hành chính sự nghiệp Nhà nước.

Quan tâm đến nội dung Kỳ họp, TS.Bùi Đặng Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, điều mà người dân, doanh nghiệp mong muốn là các đại biểu Quốc hội đánh giá được tình hình những cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Từ đó đưa ra những chính sách phù hợp và kịp thời.

TS.Bùi Đặng Dũng kỳ vọng Chính phủ đề xuất đến Quốc hội những giải pháp để kinh tế Việt Nam có thể có thể tăng trưởng và phát triển, nhưng vẫn giữ được ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng của người dân đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và không thể dự báo. Ngoài ra, Quốc hội và Chính phủ cũng cần nghiên cứu chính sách về điều hành xăng dầu để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và đảm bảo quyền lợi của người dân.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh, xăng dầu được coi như là nguồn năng lượng để duy trì điều hành và phát triển mạch máu nền kinh tế. Tác động đến mọi người dân, đi làm, vận chuyển hàng hóa. Nếu xăng dầu giảm và đáp ứng nhu cần sẽ đảm bảo lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và đời sống nhân dân được đảm bảo hơn.

Minh Hùng