TỔNG THUẬT SÁNG 11/10: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023
Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Theo đó, sáng ngày 11/10/2022, tại Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Kết luận phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Năm 2022, vượt qua khó khăn thách thức, kinh tế - xã hội Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ; được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng; 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; phục hồi kinh tế diễn ra đồng đều giữa các địa phương; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tiếp tục duy trì tăng ở mức cao; lĩnh vực văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống Nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.
Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Báo cáo của Chính phủ cần phân tích rõ thêm phần nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của các thành tích, kết quả đạt được, trong đó nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp; vai trò của đổi mới thể chế, giám sát, cải cách thủ tục hành chính; sự năng động của các ngành, các địa phương, người dân và doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp
Bên cạnh kết quả đã đạt được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 vẫn còn một số hạn chế, bất cập, cụ thể như sau:
- Tồn tại, bất cập nội tại của nền kinh tế chậm được cải thiện như: Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, năng lực, tính tự chủ, khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao; doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất thấp, phụ thuộc nhập khẩu đầu vào; chưa có nhiều tập đoàn mạnh, quy mô lớn đóng vai trò dẫn dắt, tổ chức các chuỗi cung ứng, hệ sinh thái sản xuất nội địa; liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa với nhau và với doanh nghiệp FDI còn hạn chế; chất lượng lao động, năng suất lao động chưa cao; việc đổi mới, phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu; thu nhập của người dân ở mức trung bình thấp.
- Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như công tác lập, triển khai quy hoạch chậm; thiếu hụt lao động cục bộ, chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực tư có chiều hướng gia tăng; nguy cơ thiếu nhân lực tại cơ sở y tế công lập do tình trạng xin thôi việc; vướng mắc trong mua sắm công, thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được xử lý dứt điểm. Mục tiêu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư xã hội hỗ trợ nền kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu; Quy hoạch điện VIII chậm được phê duyệt. Cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xử lý các dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém còn chậm, chưa rõ nguyên nhân và trách nhiệm.
- Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; thủ tục của một số chính sách bất cập, chưa rõ ràng, khó tiếp cận; giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia chậm; hỗ trợ lãi suất, giảm lãi vay chưa đạt mục tiêu đề ra.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế nêu trên; đồng thời báo cáo bổ sung một số nội dung: Ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại trước tình hình nợ xấu gia tăng và hiện tượng bất ổn ở một ngân hàng thương mại gần đây; thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản và mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng, an ninh tài chính; tác động của việc neo giữ tỷ giá đô la Mỹ đối với xuất, nhập khẩu, dự trữ ngoại hối; thực trạng, khả năng kiểm soát lạm phát; nguyên nhân, giải pháp khắc phục việc thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài giảm; tác động đến thu hút đầu tư khi năm 2023 các nước dự kiến áp dụng Quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu và giải pháp tháo gỡ; vai trò của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong ban hành các quyết sách để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô.
Năm 2023, dự báo có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó như: Tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, bất định; sản xuất kinh doanh, sức khỏe doanh nghiệp bị bào mòn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt dòng tiền, giá xăng dầu, vật tư đầu vào tăng cao; đã có tình trạng người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ sản xuất nông nghiệp, sản lượng khai thác thủy sản giảm; du lịch đối diện với nhiều thách thức, lượng khách quốc tế giảm…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như Chính phủ trình. Tuy nhiên đề nghị thuyết minh rõ hơn căn cứ xác định tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,5%, chỉ tiêu số bác sỹ, số giường bệnh trên một vạn dân, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế; nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị. Đồng thời đề nghị tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, lưu ý ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và một số nội dung sau:
- Theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại đầu tư chính, tình hình giá cả, lạm phát để chủ động có giải pháp phù hợp; xây dựng kịch bản để ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát của kinh tế thế giới; đảm bảo ổn định trong điều kiện bất định.
- Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chủ động để ứng phó với tình hình thế giới, sự gia tăng của lạm phát và việc mở rộng chính sách tài khóa để tạo nguồn hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tính toán kỹ tác động, hiệu quả khi điều hành lãi suất, tỷ giá; điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường phù hợp để ổn định hệ thống tín dụng, cung cấp đủ tín dụng cho nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu; bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả, đúng pháp luật của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại phiên họp.
- Xây dựng giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để khắc phục những hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực như giải ngân vốn đầu tư công. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia.
- Triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá lại một số chính sách cho phù hợp tình hình mới; ứng phó kịp thời với dịch bệnh; tháo gỡ các vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; nâng cao năng lực hệ thống y tế, tăng cường khả năng điều trị bệnh.
- Kiểm soát chặt chẽ lạm phát, lưu ý rủi ro lạm phát đến từ phía cầu do nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ và đến cả từ phía cung do đứt gãy nguồn cung, giá năng lượng tăng cao; có giải pháp ổn định giá cả hàng hóa, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng và dầu.
- Tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số; nâng cao chất lượng lao động, năng suất lao động xã hội; phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; hoàn thành Quy hoạch Tổng thể quốc gia, hệ thống các quy hoạch, sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII.
- Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động; chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực khác; có giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, quan tâm đến y tế, văn hóa, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, phòng chống tội phạm, tham nhũng; phòng chống thiên tai diễn biến phức tạp.
- Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn; thực hiện, phân cấp, phân quyền, ủy quyền nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao kỷ cương, kỷ luật và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước để hoàn chỉnh Báo cáo chính thức, dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra. Ủy ban Kinh tế khẩn trương hoàn thiện Báo cáo thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV./.