HOẠT ĐỘNG CỦA NỮ ĐBQH NGÀY CÀNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG VÀO THÀNH CÔNG CHUNG CỦA QUỐC HỘI

19/10/2022

Qua từng nhiệm kỳ Quốc hội, số lượng và chất lượng các nữ đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhận định, vai trò của các nữ đại biểu Quốc hội đã được phát huy rất tốt. Đặc biệt, các nữ đại biểu Quốc hội đã tích cực nghiên cứu tài liệu, có sự hiểu biết sâu sắc, có nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng cao tại các Phiên họp, đóng góp rất nhiều cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội.

NHÓM NỮ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI: KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ, BẢN LĨNH, ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG VÀO TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

Các nữ đại biểu Quốc hội thảo luận bên lề Phiên họp 

Từ Quốc hội khóa I chỉ với 10 nữ đại biểu, đến nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XV chiếm 30,26%. Đây là một tỷ lệ được đánh giá là cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể: Quốc hội Khóa XV có 151 đại biểu nữ. Trong đó, có 44 đại biểu nữ là người dân tộc thiểu số, bằng 29,14% tổng số đại biểu nữ; 27 nữ đại biểu trẻ. Đây là một trong những khóa Quốc hội có số lượng đại biểu nữ nhiều nhất từ trước đến nay.

Tất cả nữ đại biểu Quốc hội đều có trình độ đại học trở lên, trong đó có 119 đại biểu có trình độ trên đại học, bằng 78,8% tổng số nữ đại biểu, trong số này có 98 Thạc sĩ, 21 Tiến sĩ, 1 Giáo sư - Tiến sĩ, 4 Phó Giáo sư - Tiến sĩ; có 54 đại biểu có chuyên môn pháp luật, bằng 35,76% tổng số nữ đại biểu Quốc hội;... Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có 18 nữ đại biểu tham gia lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (chiếm 40% tổng số lãnh đạo các cơ quan này).

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại Hội trường

Trong quá trình hoạt động, các nữ đại biểu Quốc hội đã không ngừng nâng cao bản lĩnh, trình độ, kỹ năng hoạt động nghị trường. Qua quan sát, các nữ đại biểu thường xuyên gắn bó, gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhiều vấn đề bức xúc trong thực tiễn đã được các nữ đại biểu phát hiện và nêu vấn đề tại nghị trường. Trên diễn đàn Quốc hội, đặc biệt trong các Phiên thảo luận cũng như chất vấn, nhiều nữ đại biểu đã có những phát ngôn rất mạnh mẽ, trách nhiệm và chất lượng.

Qua thực tiễn tại các nhiệm kỳ Quốc hội có thể thấy, trong các lĩnh vực về giáo dục và đào tạo; y tế; văn hoá, thể thao và du lịch; lao động thương binh và xã hội;... các nữ đại biểu đã có nhiều tiếng nói, đóng góp tích cực, thiết thực, tạo chuyển biến trong thực tế. Bên cạnh đó, các nữ đại biểu cũng có rất nhiều  hoạt động tích cực phối hợp với các cấp các ngành, chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả hơn trong lĩnh vực bình đẳng giới và sự tiến bộ, phát triển của phụ nữ, trẻ em.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội 

Đánh giá cao vai trò cũng như những đóng góp của các nữ đại biểu trong hoạt động nghị trường, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong xã hội, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục hay khoa học công nghệ, mà còn trong lĩnh vực rất quan trọng là chính trị. Chính sự tham gia tích cực, chủ động của phụ nữ đã giúp xã hội có thêm nguồn lực, đặc biệt là cách tiếp cận, giải quyết mới, khác biệt, đa dạng và phù hợp để giải quyết những vấn đề xã hội. Chính vì thế, tiếng nói của các đại biểu nữ đã không chỉ đại diện cho nữ giới mà còn giúp có thêm những cách tiếp cận cho những vấn đề quan trọng, từ đó, Quốc hội có thêm giải pháp phù hợp cho sự phát triển đất nước.

Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, sự tham gia tích cực, ngày càng nhiều của nữ đại biểu cũng một lần nữa khẳng tính tính ưu việt của chế độ chính trị của nước ta trong việc tạo điều kiện cho mọi đối tượng đều có cơ hội tham gia vào đời sống chính trị, đặc biệt là đối với phụ nữ và người dân tộc thiểu số.

“Khi những tiếng nói đa dạng của cuộc sống được thể hiện ở Quốc hội, đó cũng là lúc chúng ta tin tưởng ở bầu không khí dân chủ, trách nhiệm, không để ai bị bỏ lại phía sau, sẽ giúp chúng ta sớm đạt mục tiêu thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Chia sẻ về hoạt động cũng như những đóng góp của các nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng các nữ đại biểu Quốc hội đã phát huy trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của những người phụ nữ ưu tú, là đại diện cho tiếng nói của cử tri. Tại nghị trường, các nữ đại biểu Quốc hội hết sức trách nhiệm, mạnh dạn bày tỏ chính kiến, truyền tải kiến nghị của cử tri, Nhân dân. Đồng thời, tham gia thảo luận sôi nổi các vấn đề trọng tâm đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa ra nhiều quan điểm tiếp cận mới, nhiều giải pháp căn cơ, toàn diện,... góp phần quan trọng vào những quyết sách chung của Quốc hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Ngoài ra, các nữ đại biểu đặc biệt là các nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đặc biệt quan tâm và có nhiều đóng góp sâu sắc tới vấn đề giới, lồng ghép giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong quá trình xây dựng luật, giám sát việc thực hiện,...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bày tỏ tin tưởng, nữ đại biểu Quốc hội Khóa XV với ưu thế về số lượng, về trình độ học vấn, trình đột chuyên môn, ... trên cơ sở kế thừa được kinh nghiệm quý báu của các đại biểu nhiệm kỳ trước, chắc chắn sẽ  tiếp tục cống hiến, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của Quốc hội trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Lãnh đạo Quốc hội, nguyên Lãnh đạo Quốc hội gặp mặt Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XV

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.. Do đó, tỷ lệ nữ tham gia vào hoạt động của Quốc hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mức độ tham gia của nữ giới trong các cơ quan dân cử sẽ bảo đảm các chính sách được hoạch định, ban hành và thực thi đáp ứng tốt hơn nhu cầu phổ quát của các tầng lớp xã hội.

Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XII) đã xác định rõ mục tiêu đến 2030 là “phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp uỷ viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%”. Quan điểm tăng cường công tác cán bộ nữ không chỉ là để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước./.

Lê Anh