XÂY DỰNG LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ: ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ TRONG XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

17/10/2022

Theo chương trình lập pháp, dự án Luật Phòng thủ dân sự sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) tới đây. Tại Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Hải Hưng nêu rõ, việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, cơ quan, tổ chức.

UỶ BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 3

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: CHỈ LUẬT HOÁ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÃ CHÍN, ĐÃ RÕ VÀ THỐNG NHẤT CAO

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng thủ dân sự tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 do Uỷ ban Quốc phòng và An ninh tổ chức, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban nêu rõ, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ; đồng thời cho rằng, việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, cơ quan, tổ chức. Dự án Luật Phòng thủ dân sự đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội. Bên cạnh đó, ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW cũng đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự”.

Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật rộng, liên quan đến hoạt động, chính sách, biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm hoạ, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Nhiều nội dung có liên quan đã được điều chỉnh bởi nhiều luật chuyên ngành. Do đó, để bảo đảm phân định được phạm vi điều chỉnh, Uỷ ban cho rằng cần xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là văn bản pháp lý thống nhất, quy định những nguyên tắc, vấn đề chung, bao quát nhất về phòng thủ dân sự, không quy định lại các dạng thảm hoạ, sự cố và các hoạt động phòng, chống, khắc phục thảm hoạ, sự cố đã có.

Bên cạnh đó, Quy định của Luật Phòng thủ dân sự sẽ cùng với quy định của các luật chuyên ngành tạo thành cơ chế đồng bộ, thống nhất, có phân công, phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng, đặc biệt là vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp trong phòng, chống, khắc phục thảm hoạ sự cố. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo cần phân tích làm rõ sự khác nhau giữa quy định của dự thảo Luật và các luật liên quan, làm cơ sở để quy định những nội dung cụ thể nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

Toàn cảnh Phiên họp

Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, nội dung dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Việc xây dựng luật cần bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và các kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo hướng đây là đạo luật quy định các nguyên tắc, cơ chế chung về phòng thủ dân sự, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi.

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng, hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều nội dung được nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu. Cơ quan soạn thảo đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến tại các Thông báo kết luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh; rà soát thể chế hoá các chính sách tại Nghị quyết số 22-NQ/TW thành nhiều nội dung quan trọng tại dự thảo Luật; bổ sung thông tin, kinh nghiệm quốc tế.

Cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo Luật, tuy nhiên, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm cân đối các nội dung lớn, giữa các chương, mục; nghiên cứu bổ sung các nội dung để làm rõ hơn về các chính sách xây dựng luật và quy định đầy đủ các nội dung cần bãi bỏ, thay thế trong các luật hiện hành để dễ thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng nhấn mạnh, dự án Luật đã được chỉnh lý nhiều nội dung, thể chế hoá được quản điểm của Đảng, tiếp thu nhiều ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tuy còn những nội dung cần tiếp tục hoàn thiện nhưng cơ bản đã đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới./.

Minh Thành