ĐẨY NHANH GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, ĐÁP ỨNG TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG VÀNH ĐAI 3 TP.HCM THEO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

17/10/2022

Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương, sở, ngành của Thành phố đã ký giao ước thi đua thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh.

QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 3 THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 16/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Theo các đại biểu Quốc hội, việc sớm đầu tư Dự án sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với khu vực nội đô, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời, việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3 khép kín cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ tạo giải pháp hữu hiệu phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ khu vực nhằm phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai.

Theo Nghị quyết, chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang đầu tư, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tích cực triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP, triển khai Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Nghị quyết này, Chính phủ quyết nghị triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh được Quốc hội khoá XV quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa

Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022, chia thành 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn 03 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An) và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 04 dự án thành phần bồi thường hỗ trợ tái định cư. Mỗi dự án là một dự án thu hồi đất trên địa bàn của 01 tỉnh mà không phải là dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Đất đai năm 2013.

Theo Nghị quyết của Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư các dự án thành phần. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo các dự án thành phần.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong 02 năm kể từ khi Nghị quyết số 57/2022/QH15 được Quốc hội thông qua. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Nghị quyết cũng nêu cụ thể dự kiến tiến độ, kế hoạch triển khai. Theo đó, lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án thành phần: Bắt đầu từ 5/8/2022, hoàn thành 15/11/2022. Lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi cho từng dự án thành phần: Bắt đầu từ 10/8/2022, hoàn thành 30/11/2022. Bàn giao hồ sơ và cọc GPMB cho địa phương: Bắt đầu từ 10/8/2022, hoàn thành 30/9/2022. Địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng: Bắt đầu từ 1/10/2022, hoàn thành 30/3/2024. Lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; lựa chọn nhà thầu xây lắp, Tư vấn giám sát,... và khởi công: Bắt đầu từ 30/11/2022, hoàn thành 30/6/2023. Tổ chức thi công bắt đầu từ 30/6/2023, hoàn thành 30/6/2026.

Chính phủ cho phép UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Nhằm thúc đẩy việc thực hiện giải phóng mặt bằng, chiều 16/10, Ủy ban Nhân dân các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi và thành phố Thủ Đức cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã ký giao ước thi đua thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh.

Lễ ký giao ước thi đua thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh

Theo giao ước thi đua, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh trong việc thẩm định và trình Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án. Thành phố Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi thi đua hoàn thành xuất sắc tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo kế hoạch đề ra, phấn đấu tháng 6/2023 bàn giao 70% mặt bằng; tháng 12/2023 bàn giao 100% mặt bằng.

Tại lễ ký kết, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị các sở ngành, địa phương tiến hành điều tra xã hội học để nắm chắc thông tin, hiểu được tâm tư tình cảm của người dân; từ đó tiến hành đền bù, hỗ trợ thực hiện tái định cư, giải quyết các vấn đề phát sinh khác phù hợp với nguyện vọng của người dân.

Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng đề nghị các địa phương nỗ lực để đến ngày 30/6/2023 phải có ít nhất 70% mặt bằng sạch. Với giao ước thi đua này, các địa phương phải cơ bản bàn giao mặt bằng, đủ điều kiện khởi công dự án và nỗ lực tới cuối quý III/2023 hoàn thành giải phóng mặt bằng./.

Minh Hùng