LUẬT SƯ PHAN KẾ HIỀN: CẦN CHÚ TRỌNG CÔNG KHAI THÔNG TIN, DỮ LIỆU VỀ ĐẤT ĐAI

16/10/2022

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là kỳ họp cuối năm với trọng tâm là công tác lập pháp sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới đây. Trong đó, dự án luật Đất đai (sửa đổi) với phạm vi tác động sâu rộng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Góp ý vào lần sửa đổi này, Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) cần chú trọng đến việc công khai thông tin dữ liệu, tiến tới đơn giản hoá các thủ tục hành chính cũng như nghiêm chỉnh chấp hành các thủ tục về tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai.

PGS.TS NGUYỄN THỊ NGA: 07 NHÓM VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM CẦN LƯU Ý KHI SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI

PGS. TS VŨ QUANG: CẦN CHÚ TRỌNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẢM BẢO PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

Phóng viên: Theo chương trình lập pháp, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, Luật sư có đánh giá như nào sau gần 10 năm triển khai thực hiện?

Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín: Kể từ khi Luật đất đai 2013 ra đời, thay thế Luật đất đai cũ (năm 2003), sau gần 10 năm triển khai thực hiện, ta đã thấy được những điểm tích cực và hạn chế.

Về mặt tích cực, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã được cụ thể hóa; thể hiện được vai trò của Nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng đất. Hệ thống thông tin về đất đai, hồ sơ địa chính tại các địa phương đã và đang được đẩy mạnh, kiện toàn giúp cho người dân trong việc khai thác thông tin và sử dụng đất đai. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những bất cập tồn tại. Theo đó, tình hình khiếu nại, khiếu kiện về đất đai có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như: Việc xác định giá đất theo quy định pháp luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thấp hơn nhiều so với giá đất thị trường dẫn đến khi Nhà nước có chủ trương thu hồi đất đã ảnh hưởng tới quyền lợi của người sử dụng đất. Ngoài ra, ngay cả lý do thu hồi đất cũng là một trong những vấn đề nóng làm bức xúc trong dư luận.

Phóng viên: Luật Đất đai được đánh giá là đạo luật quan trọng, phức tạp và có tác động đến mọi mặt trong đời sống và kinh tế - xã hội. Tuy vậy, đây cũng là đạo luật có tần suất sửa đổi khá nhiều. Theo Luật sư, vì sao tính ổn định của Luật Đất đai vẫn còn hạn chế như vậy?

Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín: Không chỉ riêng trong lĩnh vực đất đai, các văn bản luật trong lĩnh vực khác như Dân sự, Doanh nghiệp, Lao động… cũng thường xuyên có sự thay đổi theo chu kỳ khoảng 10 năm. Lĩnh vực đất đai là một trong những lĩnh vực được sự quan tâm đặc biệt, rất quan trọng, trong Hiến pháp cũng ghi nhận rất rõ nội dung này: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước – Điều 54 Hiến pháp 2013” và “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân…- Điều 53 Hiến pháp”. Mỗi khi ban hành một văn bản luật mới, các nhà lập pháp đã cố gắng xây dựng và bao quát các tình huống. Tuy nhiên, sau khoảng tầm 10 năm triển khai thực hiện, rõ ràng có sự thay đổi rất lớn, có những điểm nằm ngoài dự liệu trước đó.

Tôi cho rằng không nên nhìn đây là sự hạn chế, nhìn dưới một góc độ tích cực thì sự phát triển mạnh của xã hội dẫn đến giữa luật và thực tế còn khoảng cách, do đó cần phải có điều chỉnh. Điều quan trọng là các nhà lập pháp đã nhìn thấy những điểm còn chênh để điều chỉnh luật có chất lượng cao, giúp cho việc quản lý xã hội thuận lợi hơn, giúp cho xã hội phát triển hơn.

Phóng viên: Luật sư có nhìn nhận tổng quan như nào về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này?

Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín: Dự thảo Luât đất đai (sửa đổi) lần này gồm 16 chương - 237 Điều; còn Luật đất đai 2013 thì có 14 chương – 212 Điều. Có thể thấy, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã có nhiều bổ sung, thậm chí là điểm mới mà Luật đất đai 2013 không có. Qua nghiên cứu, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã có những sửa đổi, bổ sung về: Đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ; Bỏ khung giá đất, sửa quy định về bảng giá đất, giá đất cụ thể; Bổ sung khoản thu tài chính từ đất đai; Bổ sung trường hợp thu hồi đất; Bổ sung quy định về thời hạn sử dụng đất; Sửa đổi, bổ sung quy định người sử dụng đất; Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai …. Bên cạnh đó còn quy định về Ngân hàng đất nông nghiệp – Điều 106 Dự thảo Luật đất đai sửa đổi.

Phóng viên: Từ những mặt tích cực và bất cập đã chỉ ra, qua nghiên cứu, Luật sư quan tâm đến vấn đề nào của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022)?

Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín: Tôi có đặt sự quan tâm tới quy định về Ngân hàng đất nông nghiệp – Điều 106 Dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Theo đó,  Điều 106. Ngân hàng đất nông nghiệp quy định: Ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Ngân hàng đất nông nghiệp có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp. Hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Kinh phí hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp được cấp từ ngân sách nhà nước; ứng từ Quỹ phát triển đất hoặc Quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác được ủy thác; vay từ các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để thực hiện việc tạo lập quỹ đất quy định tại khoản 2 Điều này. Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Hiện tại, tôi chưa thể đánh giá chi tiết về điểm mới này vì chưa có Nghị định, Thông tư…ban hành hướng dẫn chi tiết nội dung trên. Nhưng nhìn tổng quan có thể thấy, đây là quy định cần thiết vì hiện nay chúng ta đang có sự lãng phí về nguồn đất nông nghiệp. Việc ra đời của Ngân hàng đất nông nghiệp sẽ là kênh kết nối giữa những người có nhu cầu sản xuất nông nghiệp với người sử dụng đất không còn nhu cầu sản xuất nữa. Hiện nay tôi được biết, Nhật Bản và Trung Quốc đã có mô hình Ngân hàng đất nông nghiệp, qua đó nâng cao được hiệu quả khai thác, sử dụng đất, chúng ta đã nhìn thấy và có sự tham khảo, nghiên cứu làm theo là một điều rất tiến bộ.

Ngoài ra, vấn đề luôn nóng và gây bức xúc trong dư luận hiện nay là việc thu hồi đất, tái định cư cho người dân bị thu hồi. Một trong những nguyên nhân gây ra bức xúc với người dân là mức giá bồi thường chưa thỏa đáng, quá thấp so với thị trường khiến cho người bị thu hồi khó khăn trong ổn định cuộc sống, trong khi đất đó lại giao cho các doanh nghiệp làm ăn kinh doanh. Cho nên, quy định về bảng giá đất và mục đích thu hồi đất vì lý do phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cũng được tôi quan tâm.

Theo tôi, các nội dung trên phải được hướng dẫn quy định chặt chẽ tại các Nghị định, Thông tư để việc thu hồi phải thực sự phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế, không thể cứ lấy lý do phát triển kinh tế xã hội để thu hồi rồi sau đó xuất hiện các chung cư, nhà ở thương mại bữa bãi, phá nát quy hoạch về nguồn đất, giao thông địa phương. Người dân có thể hy sinh quyền lợi nếu việc thu hồi đất vì lợi ích, mang lại sự phát triển cộng đồng nói chung nhưng sẽ không bao giờ chấp nhận việc thu hồi đất để tạo điều kiện cho tham nhũng, tư túi và lợi ích nhóm.

Phóng viên: Để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tại lần sửa đổi này, theo Luật sư đâu là những nội dung trọng tâm cần chú trọng?

Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín: Theo tôi, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần chú trọng các vấn đề sau:

Thứ nhất, thủ tục hành chính là một trong những vấn đề người dân rất quan ngại vì tính phức tạp, do đó cần tiến tới đơn giản hoá các thủ tục hành chính về đất đai như thủ tục cấp mới, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rút ngắn thời hạn tiếp nhận và xử lý hồ sơ;

Thứ hai, nghiêm chỉnh chấp hành các thủ tục về tiếp nhận khiếu nại, giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai của người dân, qua đó góp phần hạn chế các vụ việc bị khiếu kiện tới Tòa án.

Thứ ba, Luật đất đai (sửa đổi) cần chú trọng tới việc công khai thông tin, dữ liệu về đất đai như thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; bảng giá đất đã được công bố; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

Phóng viên: Qua thực tiễn triển khai thực hiện gần 10 năm qua, Luật sư có kỳ vọng như nào trong lần sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW?

Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín: Trên tinh thần chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW, tôi kỳ vọng rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần triển khai, thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật vào thực tiễn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Hiện đại hoá công tác quản lý, dịch vụ công về đất đai. Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý đất đai tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tập trung, đồng bộ, thống nhất. Bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Khắc phục được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hoá, ô nhiễm, suy thoái. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Minh Thành

(Thành - Cổng TTĐT)