UBTVQH THỐNG NHẤT TRÌNH QUỐC HỘI PHƯƠNG ÁN KÉO DÀI THỜI GIAN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 54/2017/QH14 VỀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CHO TP.HỒ CHÍ MINH

12/10/2022

Sáng 12/10, tại phiên họp thứ 16, cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM, UBTVQH cho biết do nhiều nguyên nhân mà có một số chính sách đến nay triển khai chậm, chưa thực sự phát huy đầy đủ tác động, hiệu quả như mong đợi. Do đó đề nghị báo cáo đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn nguyên nhân của việc chậm triển khai, sớm nghiên cứu đề xuất chính sách tiếp tục áp dụng, chính sách mới, chính sách cần được nâng lên quy định trong luật.

TỔNG THUẬT SÁNG 12/10: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 54/2017/QH14 VỀ THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP.HCM

Ngày 24/11/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết quy định: “Chính phủ sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết này báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020, tổng kết thực hiện Nghị quyết này báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2022 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm”. Do đó, Chính phủ báo cáo tổng kết việc thực hiện trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Chính phủ đề nghị kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 54, theo đó cho phép Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023.

Toàn cảnh phiên họp

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận, thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tích cực triển khai các cơ chế, chính sách mà Quốc hội cho thực hiện thí điểm đặc thù. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh COVID-19 rất nặng nề cho nên dù thành phố đã triển khai rất quyết liệt chính sách về đất đai, về đầu tư, tài chính, ngân sách, những cơ chế, chính sách cho tổ chức cán bộ nhưng thực tế chưa được phát huy hết tác dụng, hiệu quả, một số chính sách chậm triển khai. Kỳ vọng của Quốc hội muốn tạo ra cú huých, mở thêm dư địa để huy động các nguồn lực, tạo động lực phát triển cho đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng đến nay hiệu quả chưa cao.

Mục tiêu đề ra là sau thí điểm sẽ tiến hành tổng kết và đề xuất ra các cơ chế, chính sách có thể kéo dài, chính sách mới bổ sung. Tuy nhiên đến nay do nhiều nguyên nhân chưa thực hiện được, do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế bày tỏ ủng hộ việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết. Đồng thời lưu ý qua báo cáo tổng kết, đánh giá nhận thấy vẫn còn những chính sách cần thiết để cho Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khai thác, phát triển đồng thời cần có nghiên cứu đưa ra các cơ chế, chính sách mới đột phá hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích, về cơ chế, chính sách về đất đai, Nghị quyết 54 phân cấp cho Hội đồng nhân dân thành phố nhưng thực tế vướng ở nguồn gốc đất, các thông tin về đất và đặc biệt là cơ chế xử lý, thẩm định của các bộ, ngành đối với các dự án có sử dụng đất. Do đó đề nghị báo cáo làm rõ thêm điểm nghẽn, giải pháp xử lý để giúp cho Thành phố Hồ Chí Minh đánh trúng, giải quyết đúng các điểm nghẽn về đất đai, khai thác nguồn lực để phát triển trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp

Về phí, lệ phí, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết qua theo dõi nhận thấy có một số vấn đề. Trong đó, về phí cảng biển, khi cho thực hiện phí cảng biển đã tạo ra sự cạnh tranh chưa thực sự lành mạnh giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các cảng biển của các khu vực khác nên cần phải xem xét, đánh giá lại. Về phí để xử lý ùn tắc giao thông đến nay chưa thành phố nào tổ chức triển khai thực hiện được, đề nghị báo cáo rõ thêm có những vướng mắc gì trong thực hiện quy định về phí này để xử lý vấn đề ùn tắc giao thông. Đây cũng là vấn đề Hà Nội gặp phải. Cơ chế được giữ lại phần thu từ cổ phần hóa, thoái vốn, giữ lại khoản thu từ bán tài sản gắn liền với đất là chính sách triển khai thực hiện còn chậm và chưa phát huy tác dụng, đặc biệt là đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ bài toán ùn tắc giao thông, bài toán về chống ngập của Thành phố Hồ Chí Minh cần phải tiếp tục nghiên cứu để xử lý trong thời gian sắp tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng có chung nhận định về việc chậm triển khai một số cơ chế chính sách, thậm chí có chính sách chưa thể thực hiện và đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn đối với chính sách chậm, nguyên nhân tại sao, lý do của việc chưa thể triển khai một số chính sách. Báo cáo của Chính phủ có nêu việc chưa thu được một phần tiền từ bán tài sản công của các cơ quan trung ương trên địa bàn, vì các cơ quan chưa bán cho nên chưa có phương án xử lý các tài sản này nên không có nguồn thu. Cho biết, đó là về khách song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng đây cũng là bất cập trong quá trình xây dựng chính sách khi việc nghiên cứu và chuẩn bị những cơ chế, chính sách đặc thù nhưng chưa đánh giá thực tiễn khả năng áp dụng chính sách này trong thực tế dẫn tới chính sách ban hành nhưng không thể thi hành.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng bày tỏ cơ bản tán thành với đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết thêm một năm và sẽ báo cáo kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 54 này cùng với việc đề xuất cơ chế, chính sách mới đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh hoặc luật hóa những cơ chế, chính sách đang thực hiện thí điểm vào cuối năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng 

Cho biết trong 2 năm qua tác động của đại dịch COVID-19 là quá nặng nề, phải tập trung phòng, chống dịch bệnh, do đó việc khai thác tiềm năng của các cơ chế, chính sách còn hạn chế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhất trí với việc kéo dài thời gian tổng kết thực hiện Nghị quyết này thêm 1 năm. Trong 1 năm tiếp tục thực hiện Nghị quyết này cũng phải nghiên cứu và tổng kết thực tiễn ngay trong quá trình thực hiện để có đề xuất một cách tổng thể nhất là việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan. Hiện nay Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Đất đai thì các nội dung liên quan đến đất đai cần tổng kết ngay và có vấn đề cần đề nghị sửa luôn vào các luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, từ nay đến năm 2023 tiếp tục thực hiện Nghị quyết và đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện tốt những nội dung Quốc hội đã quyết định. Đồng thời, trong quá trình thực hiện thì nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách gắn với thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và cuối năm 2023 báo cáo tổng thể toàn bộ để Quốc hội thảo luận để đề xuất các chính sách mới.

Cũng thống nhất với việc trình với Quốc hội cho phép kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 thêm khoảng một năm nữa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian kéo dài thực hiện này sẽ có quỹ thời gian và có điều kiện để nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thấu đáo hơn để đề xuất chính sách cần được tiếp tục thực hiện, chính sách cần được thể chế hóa trong luật hay chính sách cần thí điểm thêm. Chủ tịch Quốc hội cho rằng tại kỳ họp này cần có báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54, có báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội và trình với Quốc hội cho phép đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp một khoản quy định về việc cho kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 54. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ nếu lần này trình nhưng không có tổng kết thực hiện thì sẽ không có cơ sở để Quốc hội xem xét quyết định có kéo dài thời gian thực hiện được hay không. Khi đó, trong lần trình sau sẽ không cần thiết phải tổng kết lại toàn bộ mà cần tập trung vào đề xuất chính sách.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Báo cáo làm rõ việc chậm triển khai một số chính sách, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 thì hai năm đầu Thành phố tập trung xây dựng các quy định cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết. Hai năm sau đáng lẽ sẽ tập trung thực hiện nhưng lại vướng dịch COVID-19 dẫn đến có những nội dung chưa triển khai được. Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, ở đây có nguyên nhân chủ quan từ phía Thành phố, có những việc Thành phố muốn làm nhưng còn phải cân nhắc vì mới, khó, có những vấn đề còn ý kiến trái chiều.

Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh làm rõ như vấn đề thu hồi đất lúa trên 10 hécta thì Thành phố làm được, nhưng thực hiện dự án trên 10 hécta và có quy mô dân số từ 10.000 đến 15.000 hoặc khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu kinh tế lại vướng thủ tục về đầu tư, quy định của Luật Đầu tư. Đó là vấn đề khó, cho nên chậm triển khai. Hay như vấn đề liên quan đến cổ phần hóa, Thành phố chậm có phương án cổ phần hóa, nhưng để có phương án cổ phần hóa thì lại phải chờ hướng dẫn phương án sử dụng đất, không có phương án sử dụng đất cho nên cũng không làm được. Hay như vấn đề về tài sản công của các cơ quan Trung ương trên địa bàn chưa có phương án sắp xếp nên Thành phố cũng không có cơ hội để triển khai thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 54. 

Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan báo cáo làm rõ một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm

Hiện nay Thành phố đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới trình Quốc hội mang tính toàn diện hơn để huy động nhiều nguồn lực hơn, không chỉ nguồn lực của Nhà nước, có tính đến mở rộng huy động nguồn lực bên ngoài; kiến nghị để Quốc hội xem xét cho phép thực hiện PPP trong lĩnh vực văn hóa và thể thao; kiến nghị cho phép các nhà đầu tư bỏ vốn để triển khai thực hiện các dự án, trước hết là phục vụ cho họ và sau đó là phục vụ cho cộng đồng dân cư. Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh bày tỏ Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn cố gắng làm tốt để có nhiều kinh nghiệm góp ý cho quy định pháp luật của cả nước nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện để thành phố phát triển và có nhiều nguồn thu hơn để đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá việc ban hành Nghị quyết 54 là quyết sách đúng đắn của Quốc hội, đồng thời đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh, các bộ, cơ quan trung ương đã khắc phục nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 để triển khai thực hiện nghị quyết, bước đầu đóng góp vào sự phát triển của Thành phố. Bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế trong tổ chức thực hiện, phát huy các nguồn lực được phân cấp thí điểm do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện báo cáo. Trong đó, tập trung phân tích, đánh giá thêm kết quả thực hiện Nghị quyết, hiệu quả mang lại về kinh tế - xã hội, đời sống của cán bộ, công nhân viên chức và của người dân; việc đáp ứng mục tiêu, yêu cầu khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết; đánh giá kỹ hơn các cơ chế, chính sách thí điểm, kết quả và tác động cụ thể của từng chính sách đã được thực hiện, nêu rõ chính sách nào thực hiện hiệu quả, hết thời gian thí điểm có thể nhân rộng áp dụng cho toàn quốc, khó khăn, vướng mắc và giải pháp để triển khai các chính sách chưa thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao, cụ thể các chính sách không nên triển khai tiếp; đánh giá kỹ hơn khâu tổ chức thực hiện, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến nhiều cơ chế, chính sách trong Nghị quyết 54 chưa thực hiện được hoặc đã thực hiện nhưng hiệu quả thấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết 31/12/2023, đưa nội dung này vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV; đề nghị Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung nguồn lực, nhân lực để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 54, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Khi kết thúc các cơ chế, chính sách thí điểm, tổng kết toàn diện các cơ chế, chính sách cho Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng cho đến khi hết thời hạn thực hiện Nghị quyết 54./.

Bảo Yến - Phạm Thắng