HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN SỞ HỮU ĐỐI VỚI TÀI SẢN ẢO

07/10/2022

Tại hội thảo “Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới về quyền sở hữu đối với tài sản ảo và khuyến nghị cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào sáng 6/10 tại Hà Nội, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền sở hữu đối với tài sản ảo tại Việt Nam để phòng ngừa những rủi ro pháp lý có thể xảy ra.

KINH NGHIỆM MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VỀ QUYỀN SỞ HỮU ĐỐI VỚI TÀI SẢN ẢO VÀ KHUYẾN NGHỊ CHO VIỆT NAM

Hội thảo “Kinh  nghiệm một số quốc gia trên thế giới về quyền sở hữu đối với tài sản ảo và khuyến nghị cho Việt Nam” 

Tài sản ảo được nhận định là một loại tài sản phi truyền thống và thế giới ảo là nơi thử nghiệm các lý thuyết pháp lý mới. Trạng thái quyền sở hữu tài sản ảo trong thế giới ảo thay đổi tuỳ theo trò chơi. Mặc dù trong thế giới thực chưa có quy định pháp luật nào ghi nhận quyền sở hữu tài sản ảo nhưng trên thực tế các nhà phát triển trò chơi trực tuyến vẫn cung cấp cho người chơi khả năng chiếm hữu, sử dụng và chuyển nhượng tài sản ảo, đồng thời hạn chế quyền sở hữu đối với đối tượng này bằng “thoả thuận cấp phép người dùng cuối” ( được viết tắt là EULA).

Trên thế giới, hoạt động giao dịch tài sản ảo, tài sản kỹ thuật số đang diễn ra rất sôi động có giá trị cao. Thực tế đã diễn ra nhiều vụ kiện tụng, tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản ảo. Vì vậy, nhiều nước đã xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự này như Luật Phát triển và Bảo vệ viễn thông của Hàn Quốc quy định rõ về hành vi ăn cắp “tài sản ảo”. luật Bảo vệ lợi ích của người sở hữu “tài sản ảo” của Trung Quốc

Các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Canada…đều đã xây dựng khung pháp lý, chính sách quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng tài sản ảo; trong đó tập trung vào bốn vấn đề là xây dựng khung pháp lý quản lý, ban hành chính sách thuế đối với đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, có chính sách bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu và các giao dịch bị cấm.

 “Tiền ảo” có là tài sản dưới góc độ pháp lý hay không?

Phát biểu tại hội thảo, Ths.Nguyễn Thị Long, Giảng viên khoa pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội cho biết, cùng với sự phát triển của những học thuyết pháp lý khái niệm quyền sở hữu nói chung và quyền sở hữu tài sản ảo nói riêng có thể được hiểu dưới góc độ:

Theo nghĩa chủ quan, quyền sở hữu tài sản ảo là quyền của chủ sở hữu bằng hành vi của mình tác động lên tài sản ảo theo ý chí của chủ thể này một cách hợp pháp nhằm thoả mãn, nhu cầu và lợi ích của chủ sở hữu.

Theo nghĩa khách quan, quyền sở hữu tài sản ảo là tổng hợp các quy phạm pháp luật về căn cứ phát sinh, thực hiện, chấm dứt quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản ảo của mình; các quy định về nguyên tắc và giới hạn thực hiện quyền mà chủ sở hữu phải tuân thủ khi khai thác tài sản của mình, những biện pháp bảo vệ được thực hiện nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến tài sản. Theo định nghĩa này thì quyền sở hữu tài sản ảo là một chế định pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình xác lập, thực hiện, bảo vệ hoặc chấm dứt quyền sở hữu.

Do đó, Ths.Nguyễn Thị Long nêu quan điểm: "Quyền sở hữu tài sản ảo là quyền của chủ sở hữu đối với tài sản ảo được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện".

Cũng theo Ths.Nguyễn Thị Long, quyền sở hữu là một loại vật quyền quan trọng vì vậy quyền sở hữu hội tụ đầy đủ các đặc điểm chung của vật quyền như: tính luật định; tính đối vật; tính lâu dài; tính theo đuổi vật; việc thực hiện quyền không làm chấm dứt quyền; tính dịch chuyển được; ... Bên cạnh đó, so với các vật quyền khác quyền sỡ hữu có những đặc điểm đặc thù như: chủ sở hữu là chủ thể có toàn quyền đối với tài sản ảo của mình; quyền sở hữu tài sản ảo mang tính liên tục; chủ sở hữu tài sản ảo không bị giới hạn thời gian thực hiện quyền; giới hạn quyền sở hữu chỉ được đặt ra nếu có dấu hiệu gây tổn hại đến lợi ích cộng đồng, lợi ích toàn dân, sự tồn tại của loài người.

Về nội dung này, TS.Đỗ Giang Nam, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, xét nghĩa chung nhất, “tiền ảo” có thể được coi là loại “tài sản” phi truyền thống được hình thành trên công nghệ chuỗi khối và kỹ thuật mã hoá. “Tiền áo” năm đặc trưng cơ bản là: tính vô hình; tính được xác thực bằng mã hoá; sử dụng công nghệ sổ cái phân tán (DLT); tính phi tập trung; và được vận hành bằng nguyên tắc đồng thuận.

TS.Đỗ Giang Nam nhấn mạnh, từ phương diện pháp luật dân sự, sự xuất hiện của “tiền ảo” trên nền tảng công nghệ chuỗi khối đặt ra câu hỏi mấu chốt, đó là: “tiền ảo” có là tài sản dưới góc độ pháp lý hay không? Đây không chỉ là vấn đề lý thuyết, mà còn là vấn đề cấp bách đang đặt ra trong thực tiễn ở Việt Nam.

TS. Đỗ Giang Nam, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

Khung pháp lý của tài sản ảo theo pháp luật Việt Nam hiện nay

Phân tích về khung pháp lý của tài sản ảo theo pháp luật Việt Nam hiện nay, Ths. Nguyễn Huy Hoàng Nam, Khoa Pháp luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây, Nhà nước Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong quá trình nghiên cứu, tiến tới xây dựng một khung pháp lý về tài sản ảo. Một số văn bản của các Bộ, ngành, cơ quan đưa ra nhiều đề xuất trực tiếp liên quan đến vấn đề quản lý tài sản ảo, tài sản mã hóa như Báo cáo số 255/BC-BTP ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Bộ Tư pháp về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế, nhận diện và đề xuất các định hướng hoàn thiện; Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28 tháng 2 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030…

Ths.Nguyễn Huy Hoàng Nam, Khoa Pháp luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội

Cho ý kiến về nội dung này, ThS. Nguyễn Thị Long, Giảng viên khoa pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội nêu rõ, về pháp luật Việt Nam hiện hành, Điều 105, Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Trong đó, quyền tài sản được định nghĩa là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác (điều 115, Bộ Luật Dân sự năm 2015). Bộ Luật Dân sự năm 2015 điều chỉnh các vấn đề chung và không liệt kê các tài sản chi tiết nhưng từ định nghĩa về tài sản, quyền tài sản có thể thấy pháp luật Việt Nam hiện hành không loại trừ việc coi tài sản ảo là tài sản mà tài sản ảo nếu đáo ứng các điều kiện luật định hoàn toàn có thể là tài sản ở dạng quyền tài sản.

"Việc không có quy định cụ thể về tài sản ảo cũng khiến nhiều giao dịch liên quan đến đối tượng này chưa được xác thực tính hợp pháp, nhiều chủ thể được xác lập lợi ích lớn từ việc trao đổi tài sản ảo nhưng nhà nước chưa có cơ sở pháp lý để tính thuế. Bên cạnh đó, còn rất nhiều các vấn đề pháp lý phát sinh chưa thể giải quyết do Việt Nam chưa có quy định pháp luật về nội dung này. Do đó, trong thời gian tới cần xây dựng lộ trình hoàn thiện, chính sách pháp luật về quyền sở hữu đối với tài sản ảo", ThS. Nguyễn Thị Long lưu ý.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền sở hữu đối với tài sản ảo

Góp ý tại hội thảo, Ths.Nguyễn Huy Hoàng Nam, Khoa Pháp luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội đề nghị, cần khẩn trương, chủ động nghiên cứu, đưa ra một khái niệm phù hợp về “tài sản mã hóa” theo hướng, công nhận đây là một loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Bên cạnh đó, để kiểm soát các hoạt động huy động vốn sử dụng tài sản mã hóa biến tướng (như lừa đảo theo hình thức đa cấp) cần khẩn trương hình thành cơ quan quản lý Nhà nước về tài sản ảo, tài sản mã hóa.

Ở góc tiếp cận khác, ThS.Nguyễn Thị Long, Giảng viên khoa pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội nêu đề xuất, Việt Nam cần sớm hoàn thiện chính sách, học lý về tài sản từ đó có nền tảng lý thuyết vững chắc định hướng xây dựng khung pháp luật hiệu quả về tài sản nói chung và tài sản ảo nói riêng. Qua đó, đảm bảo quá trình sửa đổi, xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật về tài sản ảo nói riêng tác động tích cực đến nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro pháp lý.

Liên quan đến vấn đề chính sách đối với quyền sở hữu tài sản ảo, ThS. Nguyễn Thị Long lưu ý, cần có sự phối hợp, tham vấn, đối thoại trực tiếp giữa các chuyên gia pháp lý, kinh tế và chuyên gia công nghệ thông tin để đảm bảo những quy định về tài sản ảo có tính khả thi.

Ths.Nguyễn Thị Long, Giảng viên khoa pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội 

Trên cơ sở tổng hợp kinh nghiệm quản lý tiền mã hóa của một số quốc gia trên thế giới, Ths. Phan Minh Anh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất hoàn thiện công tác quản lý tiền mã hóa đối Việt Nam trong tương lai. Theo đó, trong quá trình xây dựng khuôn khổ chính sách quản lý tiền mã hóa, tiền ảo, Việt Nam cần tập trung làm rõ những khái niệm, linh hoạt trong việc tiếp cận các vấn đề hiện tại và tương lai. Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan cũng như các tổ chức quốc tế trong các vấn đề liên quan tới tiền mã hóa, tiền ảo.

Cũng tại hội thảo, TS.Đỗ Giang Nam, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm, ngay cả khi Việt Nam chọn lựa cách tiếp cận cẩn trọng chờ đợi và theo sau học hỏi các quốc gia khác khi xây dựng quy chế phù hợp nhất cho “tiền ảo”, thì trước hết vẫn phải công nhận “tiền ảo” là tài sản.

Theo TS.Đỗ Giang Nam cần coi “tiền ảo” là tài sản để khai thác tối đa nhằm khuyến khích phát triển các doanh nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ, và là căn cứ để thu thuế đối với lợi nhuận kiếm được từ hoạt động đầu tư, khai thác “tiền ảo”. Đồng thời, việc công nhận này cũng mở ra khả năng áp dụng được ngay một số cơ chế pháp lý chung có sẵn của các lĩnh vực pháp luật khác vào việc quản lý “tiền ảo” để giải quyết các vấn đề có liên quan trong thời gian gần đây.

“Sự phức tạp của “tiền ảo” rõ ràng đã đặt ra thách thức nội tại không nhỏ đối với hệ thống luật tài sản của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, và đòi hỏi phải cập nhật quan niệm mới về phân loại tài sản, về khái niệm quyền sở hữu”, TS.Đỗ Giang Nam nhấn mạnh.

TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Trước đó, phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, ở Việt Nam pháp luật chưa công nhận quyền sở hữu đối với tài sản ảo, tài sản kỹ thuật số. Tuy nhiên, trên thực tế, các giao dịch trao đổi, mua bán, sử dụng các sản phẩm trên môi trường mạng, đang diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt từ khi có dịch Covid-19. Đồng thời, các tranh chấp liên quan đến trao đổi, mua bán sản phẩm kỹ thuật số liên tục phát sinh.

Vì vậy, Việt Nam cần thiết có những nghiên cứu nhằm đưa ra các khuôn khổ pháp lý phù hợp về quyền sở hữu tài sản ảo, tài sản kỹ thuật số nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xác định các giao dịch liên quan đến tài sản ảo với tư cách là tài sản trong giao dịch dân sự để có thể xác lập quyền sở hữu. Đồng thời, tạo cơ sở để giải quyết các tranh chấp dân sự cũng như hành vi phạm tội đối với tài sản ảo khi các vụ án hình sự đối với hành vi trộm cắp, lừa đảo tài sản ảo ngày càng gia tăng. ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại hội thảo.

Cho rằng, nội dung Đề tài có tính cấp thiết, ứng dụng cao, TS.Lê Hải Đường yêu cầu, Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham luận, tiếp tục hoàn thiện nội dung Đề tài đảm bảo chất lượng cao, trong đó, lưu ý đưa ra những kiến nghị thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ tốt quyền dân sự của công dân./.

Lan Anh