KHẨN TRƯƠNG TRIỂN KHAI DỰ ÁN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 VÙNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI THEO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

07/10/2022

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua là dự án trọng điểm quốc gia, kết tinh quyết tâm, tầm nhìn và khát vọng về vùng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, hiện đại. Nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, lãnh đạo thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đã ký cam kết tiến độ và giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện dự án này.

TRÁNH TÌNH TRẠNG TÁI LẤN CHIẾM KHU VỰC ĐÃ GIẢI TỎA TRONG DỰ ÁN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 VÙNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Dự án của quyết tâm, tầm nhìn và khát vọng phát triển

Ngày 16/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có chiều dài 112,8km đi qua thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, là vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại. Nghị quyết là kết tinh quyết tâm, tầm nhìn và khát vọng của Quốc hội, cử tri và nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

Phát biểu tại Kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô không chỉ tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thông giữa Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô mà còn tăng cường kết nối giao thương giữa các tỉnh phía Nam với phía Bắc. Một số đại biểu nhấn mạnh, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là một trục giao thông mang tính chiến lược, tạo ra những không gian tăng trưởng mới cho Hà Nội và các địa phương, đưa Hà Nội - Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục là động lực dẫn dắt nền kinh tế cả nước.

Các đại biểu Quốc hội cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được kỳ vọng tạo không gian phát triển mới mang tính chiến lược, giải quyết một số tồn tại hiện nay của Thủ đô; khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại. Việc triển khai thực hiện dự án quan trọng này chính là hiện thực hóa quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Việc thông qua chủ trương đầu tư dự án đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo cử tri, nhân dân. Quan tâm đến dự án này, nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tạo lợi thế về giao thông cho Hà Nội và các tỉnh, thành phố thuộc vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng. Không chỉ góp phần giảm giá thành vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, tuyến đường này sẽ mở hướng, tạo điều kiện hình thành các loại hình dịch vụ nông nghiệp; kết nối tiêu thụ nông sản, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội theo hướng nông thôn đô thị, hiện đại.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu văn hóa cũng cho biết, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua những vùng đất chứa đựng nhiều di tích, di sản văn hóa in đậm dấu ấn trong tâm thức của người Việt. Công trình sẽ mở ra cơ hội kết nối những không gian rộng lớn, đa chiều, hình thành những giá trị văn hóa mới, tạo động lực cho du lịch Thủ đô “cất cánh”. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội, mà còn giúp khai thác, quảng bá, lan tỏa những nét đẹp văn hóa Thăng Long, xứ Đoài. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa kỳ vọng, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khi hình thành sẽ kết nối những mạch nguồn văn hóa trong một không gian rộng lớn của Đồng bằng sông Hồng. Đây không chỉ là nơi lưu giữ một khối lượng “khổng lồ” di tích lịch sử, văn hóa, nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống…, mà còn chứa đựng những tâm thức nghìn đời của người dân nước Việt. Khai thác như thế nào để những giá trị này thật sự trở thành một động lực phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề đã và đang được đặt ra.

Cùng quan tâm đến dự án này, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch nhấn mạnh đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với năng lực liên kết Hà Nội và các địa phương Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ tạo động lực phát triển “ngành công nghiệp không khói”; đồng thời, thúc đẩy liên kết các ngành nghề, làng nghề trong một không gian phát triển mới, mang lại những giá trị văn hóa mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nơi đây.

Cam kết tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội

Nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ: Triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án) được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch. Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt các dự án thành phần được Quốc hội phân cấp làm cơ quan chủ quản. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo từng dự án thành phần.

Nghị quyết của Quốc hội đang được thúc đẩy thực hiện một cách khẩn trương và quyết liệt từ trung ương đến các địa phương liên quan. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các văn bản chỉ đạo, nghị quyết, kế hoạch triển khai bảo đảm đồng bộ từ thành phố xuống cơ sở. Gần đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13/9/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó yêu cầu 7 quận, huyện huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị. Gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng để ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án.

Thực hiện chỉ đạo này, ngày 14/9/2022, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Kế hoạch số 244/KH-UBND tổ chức triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thuộc trách nhiệm của thành phố. Trong đó, UBND thành phố yêu cầu về giải phóng mặt bằng, tới tháng 6/2023, bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng; tháng 12/2023 bàn giao toàn bộ mặt bằng. Hoàn thành các thủ tục khởi công công trình trong tháng 6/2023. Trong quá trình triển khai thi công, tập trung chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công, bảo đảm cơ bản hoàn thành dự án trong tháng 12/2026 và đưa vào sử dụng năm 2027.

Bên cạnh đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chủ động phối hợp với lãnh đạo hai tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh thống nhất các nội dung quan trọng, nhất là tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án lớn này. Thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch phối hợp của 3 địa phương để triển khai dự án. Mỗi tỉnh, thành đều đã ban hành kế hoạch của địa phương mình để triển khai thực hiện; trong đó, đã thống nhất xác định phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 để phục vụ khởi công dự án và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên ký cam kết tiến độ và giao ước thi đua thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

Vừa qua, Lãnh đạo thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đã ký cam kết tiến độ và giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Theo đó, các địa phương cùng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường cải cách hành chính, duy trì hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, chống tiêu cực, lãng phí trong sử dụng các nguồn lực; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện… nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện dự án theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Minh Hùng