Chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV - Đáp ứng mong mỏi của cử tri, Nhân dân cả nước
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20/11/2015. Luật quy định 7 hình thức giám sát tối cao của Quốc hội, trong đó Điều 15 quy định về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội. Đồng thời, Luật cũng quy định 10 hình thức giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, Điều 26 quy định về chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa hai kỳ họp Quốc hội.
Nhìn lại hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2022, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã có nhiều đổi mới, mang tính đột phá. Kết quả các phiên chất vấn cho thấy tinh thần sát thực tế, thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm cao của người chất vấn và người trả lời chất vấn.
Nội dung chất vấn bám sát thực tiễn
Tại kỳ họp thứ 3, đã có 266 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, 131 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, trong đó có 34 đại biểu chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ, 28 lượt đại biểu tranh luận. Tại 02 phiên chất vấn thứ 9 và thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 93 đại biểu chất vấn và 28 đại biểu tranh luận. Qua hoạt động chất vấn cho thấy, việc lựa chọn, quyết định nội dung chất vấn đã bám sát thực tiễn, “đúng”, “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, đều là những nội dung vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.
Theo dõi các phiên chất vấn, ông Nguyễn Túc - Nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã có nhiều đổi mới trong công tác giám sát, đặc biệt là trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung các phiên chất vấn đã bám sát thực tiễn, là vấn đề cử tri quan tâm. Không chỉ vậy, không khí tranh luận/chất vấn lại cho thấy, quyết tâm truy vấn, theo đuổi đến cùng của đại biểu Quốc hội,..
Ông Nguyễn Túc - Nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam
Nhiều năm theo dõi hoạt động của Quốc hội, cử tri Lưu Huy Vinh cư trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội chia sẻ: “Các phiên chất vấn luôn là nội dung được cử tri chúng tôi đặc biệt quan tâm chờ đợi. Thông qua, các phiên chất vấn rất nhiều vấn đề nổi cộm của xã hội như: tín dụng đen, sách giáo khoa, tiêu thụ nông sản, hàng giả, hàng kém chất lượng ,… đã làm rõ trách nhiệm, kịp thời tháo gỡ”.
Trong năm 2022, với tinh thần đổi mới, chú trọng hoạt động giám sát lại, nhiều vấn đề đã được giám sát, thể hiện tại nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề, nghị quyết chất vấn được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm lựa chọn, tiếp tục đưa ra chất vấn như: công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị ; liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi ; thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị, tổ chức, tiến hành chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục được quan tâm, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội họp trù bị để nghe các cơ quan, người trả lời chất vấn báo cáo về công tác chuẩn bị của hoạt động chất vấn, về các kiến nghị, đề xuất nhằm kịp thời chỉ đạo, xử lý các vướng mắc phát sinh; phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp, tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại đầu cầu nhà Quốc hội, kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu trên cả nước.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn DDBQH tỉnh Đồng Tháp nội dung được lựa chọn chất vấn là những vấn đề rất sát với thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Do vậy, thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, cử tri đều bày tỏ vui mừng và đánh giá cao những đổi mới và kết quả mang lại thông qua hoạt động chất vấn của Quốc hội.
Từng nhiều năm gắn bó với hoạt động nghị trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Viết Chức cho rằng, hoạt động chất vấn ngày càng hiệu quả, thực sự phát huy được vai trò là một trong những hình thức giám sát tối cao tối cao của Quốc hội. “Theo dõi các phiên truyền hình trực tiếp, có thể khẳng định, không khí nghị trường thực sự dân chủ, trách nhiệm; các vị đại biểu Quốc hội chất vấn không chỉ dừng lại là nêu vấn đề mà là truy đến cùng vấn đề, rõ trách nhiệm, rõ giải pháp,…” ông Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Tại phiên chất vấn, các vị đại biểu Quốc hội thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, nghiên cứu kỹ tài liệu, bám sát thực tiễn và nhóm vấn đề chất vấn, đặt các câu hỏi ngắn gọn, súc tích, tranh luận sắc bén, đi vào chiều sâu. Thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trả lời chất vấn thẳng thắn, tâm huyết, cầu thị, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, đúng trọng tâm, ngắn gọn, chất lượng; giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu, đồng thời sẵn sàng, nghiêm túc nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành và đưa ra nhiều giải pháp, lời hứa, cam kết, có lộ trình rõ ràng để khắc phục những tồn tại, yếu kém hoặc tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Chủ tọa điều hành linh hoạt, khoa học, đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đã yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành làm rõ nội dung cần trả lời, dành thời gian thỏa đáng để các đại biểu được chất vấn, tranh luận, làm sáng tỏ vấn đề; hướng nội dung thảo luận, chất vấn đúng trọng tâm, trọng điểm, tăng tính dân chủ trong hoạt động Quốc hội song vẫn bảo đảm sự nghiêm túc, kỷ luật, tạo hiệu ứng tích cực, nâng cao hiệu quả rõ rệt đối với hoạt động chất vấn.
Trực tiếp tham gia vào hoạt động chất vấn, Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, vai trò chủ toạ điều hành phiên chất vấn vô cùng quan trọng, sự linh hoạt, khoa học của chủ tọa phiên họp đã giúp các phiên chất vấn tại Kỳ họp và phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đạt hiệu quả cao, đẩy các nội dung chất vấn đi đến tận cùng vấn đề.
Dưới góc độ nghiên cứu, theo dõi hoạt động chất vấn của Quốc hội thời gian qua, PGS.TS Doãn Hồng Nhung cũng cho rằng, vai trò điều hành của chủ tọa thực sự là điểm nhấn trong các phiên chất vấn vừa qua. Đây là nhân tố quan trọng tạo nên thành công và sức “nóng” của các phiên chất vấn.
Lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn
Kết thúc các phiên chất vấn, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn, trong đó đặt ra yêu cầu, giải pháp cụ thể và thời hạn hoàn thành để các cơ quan, tổ chức thực hiện. Đây cũng là một trong những đổi mới quan trọng, giúp cho việc giám sát thực hiện lời hứa sau chất vấn được kịp thời, khả thi và có căn cứ. Đặc biệt, tại phiên họp thứ 9, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn để nâng cao hiệu lực thi hành và làm cơ sở giám sát việc thực hiện.
Theo đó, đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15, nêu rõ “Khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 (trong đó, quan tâm rà soát, phân bổ chỉ tiêu đất ở phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất gắn với xây dựng nhà ở, tránh lãng phí đất, lãng phí nguồn lực xã hội đầu tư vào đất), kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh 5 năm 2021-2025 trước 31 tháng 12 năm 2022”;…
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Tiếp đó, ngay sau phiên chất vấn thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Tại Nghị quyết này, đối với lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xác định rõ thời hạn “Chậm nhất là ngày 30/9/2022, hoàn thành việc cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử theo yêu cầu của công dân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm dữ liệu khi đưa vào khai thác phải chính xác, đầy đủ và kịp thời….”.
Như vậy, việc xác định rõ thời hạn tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn chính là căn cứ, cơ sở giúp cho việc giám sát thực hiện lời hứa sau chất vấn được kịp thời, khả thi.
Triển khai Nghị quyết về hoạt động chất vấn, Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã triển khai nhiều biện pháp, có nhiều chỉ đạo cụ thể để thực hiện nghị quyết chất vấn cũng như các vấn đề đã hứa tại phiên chất vấn. Thực tế, cho thấy rất nhiều chuyển biến, lời hứa, giải pháp đã được hiện thực hóa, bước đầu tháo gỡi được khó khăn, vướng mắc, đáp ứng mong mỏi của cử tri.
Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, chương trình, kế hoạch nhiệm kỳ của Quốc hội;… Theo đó, năm 2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tất cả các khâu từ dự kiến nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn; dự thảo nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; theo dõi, tổng hợp và đôn đốc việc thực hiện nghị quyết về chất vấn;… đều phải được chú trọng, quan tâm và tiếp tục đổi mới.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn cần xác định rõ trách trước Quốc hội, trước Nhân dân về vấn đề mình phụ trách. Người trả lời chất vấn phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, phải đối thoại, thảo luận với các đại biểu để cùng giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích của Nhân dân, thảo luận những vấn đề mà xã hội đặc biệt quan tâm để đưa ra các biện pháp, giải pháp tháo gỡ, các cách thức ứng phó kịp thời đối với những vấn đề có thể ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.../.