GS.TS NGUYỄN VĂN ĐỆ: QUỐC HỘI SẼ CÓ CÁI NHÌN TOÀN DIỆN VỀ HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG Y TẾ THÔNG QUA CHUYÊN ĐỀ GIÁM SÁT

03/10/2022

Theo GS.TS Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, thông qua đợt giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, Quốc hội sẽ có cái nhìn toàn diện về hiện trạng hệ thống y tế Việt Nam, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Từ đó có ý kiến với Chính phủ, các địa phương ban hành chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho ngành y tế phát triển ổn định.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông cần trên sự lắng nghe kiến nghị của cử tri, giáo viên và học sinh

Dịch bệnh COVID-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 01/2020. Đặc biệt, trong năm 2021 và nhất là quý III/2021, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc đã lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, gây nhiều mất mát, đau thương cho toàn xã hội. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp cũng đã tác động lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội và đời sống của người dân.

Để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống và nhanh chóng phục hồi nền kinh tế-xã hội, với tinh thần chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa”, Quốc hội khóa XV đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất. Kỳ họp nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.


Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất với nhiều nội dung hết sức quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; được đồng bào, cử tri, dư luận trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm. Tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới.

Trước tình hình đó, Quốc hội cần phải có các quyết sách kịp thời nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân.

Điểm lại các kết quả của Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã nhất trí rất cao ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023, tập trung cho các lĩnh vực: Y tế, phòng, chống dịch COVID-19; An sinh xã hội, lao động và việc làm; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…

Thông qua kết qủa của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, nhiều chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi nền kinh tế-xã hội được ban hành đã giữ vững được niềm tin trong Nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quốc hội; đồng thời góp phần đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất.

Với những Nghị quyết, chính sách kịp thời, chưa từng có tiền lệ của Quốc hội để đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh COVI-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, trong những Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, nhiều đại biểu cho rằng, cần có những tổng kết, đánh giá và giám sát lại những kết quả, việc làm mà các Bộ ngành, địa phương đã thực hiện trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tại Nhà Quốc hội mới đây, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 và xung đột, bất đồng chính trị giữa các nước, khu vực trên thế giới, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định chưa từng có tiền lệ nhằm phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, kinh tế - xã hội phục hồi và phát triển; kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, hoạt động giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, y tế, thể thao… đã trở lại bình thường; an sinh xã hội được quan tâm chú trọng.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ngừng thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, trong đó đã chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, hướng dẫn về hoạt động giám sát, đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội dự kiến những nội dung giám sát để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022; làm căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 266/2021/UBTVQH15 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Kế hoạch số 80/KH-UBTVQH15 ngày 01/11/2021 triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, tạo sự thống nhất, chủ động trong tổ chức thực hiện. Phát huy những thành quả của công tác giám sát chuyên đề, năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.


Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Đóng góp ý kiến vào chuyên đề giám sát trên, trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, GS.TS Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam nêu quan điểm: Thông qua đợt giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, Quốc hội sẽ nắm bắt rõ hơn, kỹ hơn, có cái nhìn thực tế và toàn diện về hiện trạng hệ thống y tế Việt Nam, nhất là hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Từ đó có ý kiến với Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương ban hành chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho ngành y tế phát triển ổn định. Ngoài ra, thông qua chuyên đề giám sát này, Nhân dân, cử tri, doanh nghiệp và các đơn vị tham gia ủng hộ, tài trợ cũng cần được biết kết quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 như thế nào.

Phóng viên: Theo Chương trình giám sát của Quốc hội, năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Xin ông cho biết ý kiến của mình về việc giám sát đối với chuyên đề này?

GS.TS Nguyễn Văn Đệ: Tôi cho rằng, Quốc hội quyết định lựa chọn chuyên đề này rất đúng và trúng, bởi đây là chủ đề nóng, mang tính thời sự cấp thiết, được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh đất nước ta vừa trải qua đợt phòng, chống dịch COVID-19. Thực tế công tác phòng chống dịch COVID-19 qua các đợt 1, 2, 3 và đợt 4 vừa qua đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, những bài học có giá trị sâu sắc, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Cụ thể, thực tế khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, một số địa phương thiếu chủ động, chưa sẵn sàng công tác thu dung, điều trị ca bệnh nặng. Năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực ở nhiều địa phương vừa yếu và thiếu, chưa đủ khả năng đáp ứng với kịch bản biến chủng “siêu lây nhiễm”. Tình trạng thiếu bệnh viện, thiếu giường bệnh, thiếu nhân lực diễn ra rộng khắp ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, gần như chưa có địa phương nào có thể “tự lực cánh sinh” điều trị COVID-19 mà không cần sự hỗ trợ từ Trung ương và sự tăng cường từ các tỉnh bạn. Lực lượng y tế cơ sở còn mỏng, năng lực hạn chế cũng đã trở thành gánh nặng, áp lực thêm cho tuyến trên. Chính sách y tế còn nhiều vướng mắc, bất cập, chồng chéo, nên việc triển khai ở nhiều nơi còn lúng túng, tạo cơ hội, kẽ hở cho tham nhũng, lợi ích nhóm lợi dụng.


GS.TS Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam.

Đặc biệt là qua công tác phòng, chống dịch COVID-19, từ diễn đàn Quốc hội, chúng ta đã thấy rõ vai trò, vị trí và nguồn lực hỗ trợ của khối y tế tư nhân trong hệ thống y tế như thế nào. Những chính sách pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khối y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch và phát triển, đóng góp cho ngành y tế cũng đã bộc lộ, chưa cụ thể, thậm chí ở nhiều địa phương còn nặng tính phân biệt, xem y tế tư nhân là doanh nghiệp, xem cán bộ y tế làm việc trong cơ sở y tế tư nhân không phải là nhân viên y tế nên không được ưu tiên các chính sách về phòng, chống dịch,… Một số doanh nghiệp muốn đăng ký đầu tư bệnh viện, xây dựng khu điều trị bệnh nhân COVID-19, nhưng vẫn còn tư tưởng công tác phòng, chống dịch là việc của Nhà nước, không phải việc của y tế tư nhân, khiến cho nhiều cơ sở y tế tư nhân nản lòng, từ chỗ mong muốn sang không muốn và không dám tham gia.

Tôi hy vọng rằng, thông qua đợt giám sát chuyên đề này, Quốc hội sẽ nắm bắt rõ hơn, kỹ hơn, có cái nhìn thực tế và toàn diện về hiện trạng hệ thống y tế Việt Nam, nhất là hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Từ đó, Quốc hội có ý kiến với Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương ban hành chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho ngành y tế phát triển ổn định.

Phóng viên: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhận được sự quan tâm rất lớn từ Nhân dân. Theo ông, quá trình giám sát phải triển khai ra sao để thực sự công khai, minh bạch, khách quan?

GS.TS Nguyễn Văn Đệ: Thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội sẽ nghe, thấy rõ hơn thực trạng của hệ thống y tế hiện nay, từ đó sẽ có những định hướng trong việc xây dựng chính sách phù hợp hơn. Tuy nhiên theo tôi, Đoàn giám sát nên tập trung giám sát toàn bộ quy trình pháp luật và thực tiễn triển khai thực hiện như thế nào. Nghĩa là từ lý luận cơ chế chính sách đến thực tiễn được các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện như thế nào, có đúng với quy định pháp luật hay không? Phải công khai, minh bạch trước truyền thông để Nhân dân, cử tri được biết, nắm rõ, tránh tình trạng né tránh, nể nang. Bởi khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, Nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức đã tích cực tham gia quyên góp, ủng hộ công tác phòng, chống dịch, vậy thì Nhân dân, cử tri, doanh nghiệp và các đơn vị tham gia ủng hộ, tài trợ cũng cần được biết kết quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 như thế nào.

Thực tế thời gian qua, từ vụ việc Việt Á cho thấy rõ những lỗ hổng trong quy trình thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống dịch. Câu hỏi đặt ra là liệu còn những Việt Á khác tồn tại hay không, hay chưa được tìm ra. Tất cả phải được đưa ra công luận, đảm bảo công khai, minh bạch trước Nhân dân.

Phóng viên: Bên cạnh nội dung triển khai giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng của Đoàn Giám sát của Quốc hội, ông có đề xuất kiến nghị khác đối với Đoàn Giám sát của Quốc hội về khối y tế tư nhân?

GS.TS Nguyễn Văn Đệ: Ngoài hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, tôi đề xuất Quốc hội cần tổ chức giám sát, làm việc với cộng đồng y tế tư nhân. Điều này rất ý nghĩa và vô cùng quan trọng. Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã rất quan tâm, ghi nhận, đánh giá cao sự phát triển lớn mạnh, đóng góp của khối y tế tư nhân trong quá trình phát triển chung của ngành y tế Việt Nam, gần đây nhất là phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đã thấy rõ hơn vai trò của khối y tế tư nhân. Tuy nhiên, để hiểu hơn về thực trạng chính sách pháp luật nhằm thu hút, khuyến khích, tạo điều kiện cho khối y tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa có lẽ còn hạn chế.

Y tế tư nhân dường như vẫn đơn độc trong quá trình thúc đẩy chính sách. Tôi lấy ví dụ, gần nhất là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã phải bám sát, theo dõi từ 5 năm qua, ngay từ khi bản dự thảo sơ khai lần đầu tiên được công bố, cho đến nay, không biết bao nhiêu văn bản góp ý, phản biện, y tế tư nhân mới được xác định rõ phần nào trong hệ thống y tế Việt Nam. Quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về y tế ở đâu đó vẫn còn mang nặng tư tưởng phân biệt công – tư, xem “con Nuôi – con Đẻ”, cố tình kéo lùi sự phát triển của khối y tế tư nhân, xem nhẹ vai trò của y tế tư nhân trong hệ thống y tế Việt Nam. Nhiều chính sách khuyến khích, huy động, nguồn lực từ y tế tư nhân bị bóp méo, bó khung, lạc hậu, bẻ ghi, nhất là Thông tư, Nghi định khi được xây dựng, ban hành không đúng với quan điểm, chủ trương của Đảng, của Luật. Thậm chí, quá trình xây dựng chính sách, một bộ phận cơ quan tham mưu không tham khảo, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, chủ quan, duy ý chí, khiến cho chính sách khi ban hành không đi vào cuộc sống, tạo nên sự bất bình đẳng xã hội, trong đó có cả những chính sách y tế có lợi cho Nhân dân, cho người nghèo, dù chúng tôi đã kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ nhiều lần, trong nhiều năm nhưng vẫn không được giải quyết.

Do vậy, song song với hoạt động giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, tôi đề nghị Quốc hội cần quan tâm, giám sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng y tế tư nhân. Qua hoạt động giám sát này sẽ nắm bắt được nhiều thông tin hơn, đầy đủ khách quan từ những người ngoại đạo có tâm huyết và sống chết với ngành y. Từ đó, Quốc hội có bước đột phá mạnh mẽ, truyền thông cho những người có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về y tế phải thay đổi tư duy trong xây dựng cơ chế, chính sách y tế, đừng nghĩ chỉ có y tế công mới làm được, mà làm sao phải tạo thuận lợi nhiều hơn nữa để khuyến khích y tế tư nhân mạnh dạn bỏ vốn, khơi dậy nguồn lực để đầu tư phát triển quy mô, tham gia đảm nhiệm những kỹ thuật chuyên môn sâu, mũi nhọn, chia sẻ gánh nặng với nhà nước, đáp ứng nhu cầu và xu thế phát triển của xã hội.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bích Lan