CHỦ TỊCH QUỐC HỘI: TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO LÀ THÀNH TỐ QUAN TRỌNG THỰC HIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN CỦA DÂN DO DÂN VÌ DÂN

13/09/2022

Tại phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021", nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị quyết giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ yêu cầu tập trung giải quyết những vụ việc đang có và làm hạn chế phát sinh những vụ việc mới. Chia sẻ những khó khăn vướng mắc thực tế, song Chủ tịch Quốc hội cho rằng điều quan trọng là phải có dũng cảm nhìn thẳng vào vấn đề, có lộ trình để tổ chức thực hiện, giải quyết dần dần hạn chế.

UBTVQH thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo

Kết quả giám sát tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo: Dự báo khiếu nại, tố cáo lĩnh vực đất đai, kinh doanh thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Khẳng định ý nghĩa của chủ đề giám sát lần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận nỗ lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, đề cương giám sát cụ thể, sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát và cơ quan thường trực là Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân. Do đó, phương châm của Đảng ta qua các kỳ đại hội và đặc biệt là Đại hội lần thứ XIII đã bổ sung và thể hiện đầy đủ phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội cũng đang trong quá trình hoàn thiện để xem xét biểu quyết thông qua dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những thành tố quan trọng để thực hiện phương châm này. Chuyên đề giám sát phải đặt trong bối cảnh này để từ đó có tư duy, tầm nhìn hoàn thiện hoàn thiện Báo cáo và dự thảo Nghị quyết để sau khi ban hành, Nghị quyết sẽ tạo ra chuyển biến cơ bản trong lĩnh vực này, là cơ sở để giám sát quá trình tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trên cơ sở chất liệu tương đối đầy đủ đã có, Đoàn giám sát biên tập nội dung dự thảo Nghị quyết theo hướng gọn hơn, rõ hơn những việc phải làm, chủ thể phải làm, làm như thế nào, thời hạn kiểm tra, báo cáo…

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng như quy định trong dự thảo Nghị quyết yêu cầu: “Thực hiện định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện rà soát lại việc giải quyết đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài để cập nhật, bổ sung đưa vào danh sách những vụ việc thuộc tiêu chí cần rà soát và có lộ trình giải quyết dứt điểm từng vụ việc, nhất là 24 vụ việc Đoàn giám sát đã có kiến nghị. Qua hoạt động rà soát cần chú trọng hơn nữa việc đề xuất cấp có thẩm quyền có giải pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc do chính sách, pháp luật.” Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định này Đoàn giám sát cần có sự phối hợp thống nhất với Chính phủ kiểm đếm trước các vụ việc, phải lập danh mục các vụ việc của Trung ương, của cấp tỉnh/thành phố, chứ không chỉ 24 vụ việc trong đợt giám sát lần này. Trên cơ sở đó, yêu cầu các cơ quan dần giải quyết hết và trong khi giải quyết những việc cũ thì hạn chế tối đa là việc phát sinh vụ việc mới. Các vụ việc cụ thể cần đưa vào danh mục phụ lục kèm theo, chỉ rõ trách nhiệm giải quyết.

Toàn cảnh phiên họp

Nhấn mạnh yêu cầu của ban hành Nghị quyết phải thiết thực, tập trung giải quyết những vụ việc đang có và làm hạn chế phát sinh những vụ việc mới, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết dứt điểm, triệt để các vụ việc nhưng điều quan trọng là chúng ta có dũng cảm nhìn thẳng vào việc. Người dân sẽ thông cảm, chia sẻ và đồng hành nếu như các cơ quan nhìn thẳng vào vấn đề và có lộ trình để tổ chức thực hiện, giải quyết dần dần hạn chế, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Liên quan đến tiếp công dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát các nội dung để bảo đảm tính khả thi. Trong quy định về trách nhiệm tiếp công dân của của các Bộ trưởng, Chủ tịch của UBND tỉnh, huyện, xã thực tế thực hiện còn hạn chế. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề quy định pháp luật không phù hợp hay do bản thân người thực hiện và cách nào để  tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu mà khả thi hơn. Đây là nội dung cần phải được tổng kết. Nếu luật pháp quy định đầy đủ, khả thi nhưng do điều kiện tổ chức thìphải tổ chức làm cho nghiêm. Nếu luật ban hành mà không thể thực hiện được, yêu cầu quá cao và chưa có phương thức cụ thể để giải quyết thì nên có nghiên cứu, đề xuất cụ thể.

Liên quan đến tiếp nhận, giải quyết đơn thư, Chủ tịch Quốc hội cho biết thực trạng hiện nay là đơn thư vượt cấp thì giải quyết vượt cấp như thế nào, đơn thư gửi lòng vòng thì ngoài cơ sở dữ liệu còn giải pháp nào để theo dõi giải quyết. Cùng với đó là trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với những vụ việc khiếu kiện đông người tập trung. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu Nghị quyết lần này đưa vào giải pháp nhằm giải quyết tình trạng khiếu kiện kéo dài, tập trung đông người thì sẽ tạo ra được chuyển biến thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần quan tâm đến phạm vi và xử lý mối quan hệ giữa đơn thư khiếu nại, tố cáo nhất là tin báo tố giác tội phạm, ranh giới giữa các nội dung này và việc tiếp nhận xử lý. Cùng với đó thực hiện tốt các cơ chế hòa giải, thương lượng trong giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục hoàn thiện thêm bước trước khi ký ban hành Nghị quyết để làm tốt hơn nữa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn hiện nay.

Bảo Yến