UBTVQH THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO

13/09/2022

Sáng 13/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021". Sau khi thảo luận, UBTVQH đã thông qua về mặt nguyên tắc Nghị quyết về "Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo".

Kết quả giám sát tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo: Dự báo khiếu nại, tố cáo lĩnh vực đất đai, kinh doanh thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp

Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016-2021 có chuyển biến tích cực

Kết quả giám sát cho thấy, từ 01/7/2016 đến 01/7/2021 là giai đoạn cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội thì tình hình khiếu nại, tố cáo cũng diễn biến phức tạp, nhất là khi đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, nhận thức pháp luật của người dân có những chuyển biến rõ rệt. Theo báo cáo của Chính phủ, so với giai đoạn 2011-2016: số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2% nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước giảm 16,1%. Trong đó, khiếu nại giảm 4,8% số đơn và 25,7% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước; tố cáo tăng 112,5% số đơn và 31,3% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát trình bày báo cáo của Đoàn giám sát 

Trong lĩnh vực hành chính, đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phát sinh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai và việc thực hiện thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án (chiếm trên 69,5%); các kiến nghị, phản ánh, tranh chấp liên quan đến việc quản lý, vận hành nhà chung cư thương mại có xu hướng gia tăng và phát sinh nhiều vụ việc phức tạp.

Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực hành chính có nội dung khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đất đai trước thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây có phát sinh thêm các vụ việc đông người, phức tạp liên quan đến lĩnh vực môi trường, nhất là đối với việc thực hiện dự công viên nghĩa trang, Khu xử lý rác thải tập trung, các cơ sở chăn nuôi tập trung, hoạt động của một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Số lượng vụ án tranh chấp dân sự (chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân), tranh chấp kinh tế (chủ yếu trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng), có xu hướng gia tăng, nhất là các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Qua hoạt động giám sát, đến nay, Đoàn giám sát ghi nhận việc thực hiện thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được UBND các địa phương thực hiện nghiêm túc hơn, nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, các cơ quan có thẩm quyền trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và sự phối hợp của cơ quan hành chính với cơ quan tòa án, viện kiểm sát trong việc giải quyết vụ việc khiếu kiện hành chính và vụ việc dân sự khi có yêu cầu. Năm 2022, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trực tiếp tiếp công dân chiếm 79,3% so với quy định. Trong đó Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp 77% so với quy định, cao hơn 21% so với bình quân 05 năm trước đó. Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan hành chính các cấp trong 05 năm (2016-2021) đã chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ việc nhưng riêng đối với năm 2022, đã chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự 31 vụ việc, 34 đối tượng, trong đó có 13 cán bộ, công chức có sai phạm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đây là chuyên đề giám sát được dư luận, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo sát sao, cụ thể ngay cả trong quá trình giám sát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 3 lần cho ý kiến về kế hoạch, đề cương giám sát, kết quả bước đầu trước khi làm việc với Chính phủ. Đoàn giám sát đã xây dựng 14 bộ đề cương để gửi đến các đối tượng giám sát. Giám sát có sự tham gia của  63 Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố rồi phân công. Thường trực Đoàn sát, Tổ công tác thường xuyên phối hợp làm việc với các cơ quan để chuẩn bị cho đoàn làm việc, nhất là đối với 8 bộ ngành và 6 địa phương mà Đoàn khảo sát và làm việc trực tiếp. Đến nay, Đoàn giám sát nhận về tổng số 469 báo cáo. Ngoài hoạt động khảo sát, giám sát trực tiếp tại 8 bộ và 6 địa phương, giám sát chung, Đoàn giám sát cũng đã giám sát một số vụ việc khiếu nại đông người kéo dài.

Tại phiên họp, bám sát mục đích, yêu cầu của cuộc giám sát, để tiếp tục hoàn thiện báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết sau giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung xem xét các nội dung trọng tâm, trọng điểm, các nhận định, đánh giá việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo; những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế; nguyên nhân và những khó khăn, vướng mắc trong cả 3 lĩnh vực này; đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực về thực hiện chính sách pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.

Cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc lựa chọn chuyên đề là đúng, trúng. Trong quá trình tổ chức giám sát chuyên đề được quan tâm chỉ đạo sát sao. Đoàn giám sát cũng phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, hoàn thành được mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Đánh giá bổ sung, làm rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Chia sẻ đây là một chuyên đề giám sát khó, phức tạp, liên quan đến tổ chức, cá nhân đến người dân, đội ngũ cán bộ, những người thẩm quyền, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao kết quả và nỗ lực của Đoàn giám sát không quản ngày đêm, tích cực, trách nhiệm để hoàn thành chuyên đề giám sát.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, kết quả, số liệu giám sát cho thấy nhiều nội dung cơ bản đều tốt và tốt hơn nhiều so với kỳ trước. Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu đặt vấn đề khi kết quả tốt hơn trước thì có nguyên nhân từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương, trong đó có vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết và báo cáo chưa thể hiện rõ nội dung này.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, với trách nghiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cùng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, phát huy vai trò để làm nên sự chuyển biến tích cực công tác này trong thời gian vừa qua. Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung thêm và rõ hơn nguyên nhân để có được kết quả trong giai đoạn tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo công dân...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, báo cáo kết quả giám sát cần hệ thống hóa trong giai đoạn vừa qua, Quốc hội đã triển khai nhiều nhiệm vụ liên quan đến tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như hoàn chỉnh hệ thống pháp luật sửa đổi, bổ sung rất nhiều luật, cả về luật chuyên ngành về luật, luật nội dung, luật hình thức. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hàng năm đều xem xét các báo cáo về tiếp công dân khiếu nại, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát và đưa có kết luận, chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều hòa, phối hợp hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và của đại biểu Quốc hội này. Ngoài ra, cũng làm rõ mối quan hệ giữa tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, phân tích tình hình từ đó đề ra giải pháp sẽ bảo đảm thiết thực hơn.

Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải thực hiện tốt ngay từ cơ sở

Chỉ rõ, phạm vi thời gian giám sát từ 1/7/2016 đến 1/7/2021 là chọn một nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị báo cáo làm rõ bối cảnh tình hình ảnh hưởng đến kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, trong giai đoạn 5 năm này thì có đên 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến hoạt động tiếp công dân bị đình trệ, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng bị chậm lại.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị thể hiện theo hướng: đối với là các quy định hiện hành còn phù hợp phải thực hiện nghiêm; nếu không nghiêm sẽ có chế tài. Đối với các quy định không còn phù hợp thì rà soát và sửa đổi. Trong đó lưu ý việc liên thông dữ liệu tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, thực hiện tốt công tác báo cáo định kỳ theo quy định của Luật. Những điều này phải làm tôt ngay từ cơ sở, cơ sở phải đi trước thì tình hình sẽ chuyển biến, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, thời gian vừa qua là cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là trong năm 2022, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hàng tháng đều xem xét báo cáo công tác dân nguyện, khẳng định Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Cử tri và Nhân dân mong đợi giải quyết khiếu nại tố cáo có hiệu quả, tạo động lực cho việc là lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng chính quyền các địa phương.

Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, dù công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có cố gắng nhưng tình hình chưa chuyển biến căn bản, còn nhiều nan giải, phức tạp và khó lường. Cho biết công tác tiếp công dân xử lý đơn ở một số nơi chưa cao; việc giải quyết một số vụ việc còn chậm, sai sót nhất là giải quyết lần đầu rồi tỷ lệ giải quyết vụ việc, khiếu kiện theo thẩm quyền của một số địa phương là đạt thấp… Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị báo cáo cần bổ sung rõ địa chỉ rõ vụ việc, rõ trách nhiệm nhất là những nơi chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu.

Khẳng định nhiệm vụ chính mà Đảng, chính quyền, mặt trận, các ngành, các cấp, các địa phương phải quan tâm là niềm tin của Nhân dân, sự đồng thuận xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị thời gian tới phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các cấp trong công tác giải quyết khiếu nại, tiếp công dân; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch thực hiện trách nhiệm giải trình, quản lý nhà nước thi hành công vụ, nhất là những lĩnh vực công việc liên quan trực tiếp đến người dân; tiếp tục quan tâm, giải quyết kịp thời có lý, có tình khiếu kiện tố cáo ngay từ cơ sở nơi phát sinh vụ việc.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ: trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giao Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện báo cáo và dự thảo Nghị quyết.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua về mặt nguyên tắc Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bảo Yến - Phạm Thắng