HỌP BÁO CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 8/2022: NHIỀU TỔ CHỨC, CHUYÊN GIA UY TÍN QUỐC TẾ ĐÁNH GIÁ CAO KẾT QUẢ VÀ TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA VIỆT NAM

06/09/2022

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều ngày 06/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững

Chiều ngày 06/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình phát triển kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp báo còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và đông đảo phóng viên báo chí.


Toàn cảnh cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8.

Tại cuộc họp báo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, phiên họp Chính phủ tháng 8 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương.

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022; đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; 3 chương trình mục tiêu Quốc gia; tình hình giải ngân vốn đầu tư công; định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia; công tác phòng chống dịch.

Về kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tiếp nối đà phục hồi và phát triển, kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định. CPI tháng 8 tăng nhẹ (0,005% so với tháng trước), bình quân 8 tháng tăng 2,58% so với cùng kỳ; thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất, tỉ giá duy trì hợp lý; các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi; xuất đủ nhập; cung - cầu lao động, an ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm).

Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh. Chỉ số IIP tháng 8 tăng 2,9% so với tháng trước, tăng 15,6% so cùng kỳ và 8 tháng tăng 9,4%; 61/63 tỉnh, thành phố có chỉ số công nghiệp 8 tháng tăng. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Thủy sản tăng trưởng tích cực, sản lượng tháng 8 tăng 2,7% và 8 tháng tăng 2,4%. Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 8 tháng tăng 19,3% so với cùng kỳ. Khách quốc tế tới Việt Nam tháng 8 đạt trên 486.000 lượt, tăng 38% so với tháng trước. Xuất nhập khẩu 8 tháng tăng 15,5%.


Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại cuộc họp báo.

Đề cập về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam dưới góc nhìn của các tổ chức quốc tế, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin là nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,5% năm 2022. Sáng 6/9/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã nâng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ Ba3 (triển vọng tích cực) lên Ba2 (triển vọng ổn định).

Các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động được triển khai tích cực, hiệu quả. Các hoạt động kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và Khai giảng năm học mới được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, an toàn, thiết thực. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường. Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, những kết quả đạt được là nhờ nghiêm túc quán triệt, thực hiện đường lối lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có các Nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng, linh hoạt của các cấp, các ngành, các địa phương; sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt. Trong đó nổi lên là sức ép lạm phát cao. Tiến độ giải ngân đầu tư công chậm và chưa đạt mục tiêu. Thu hút vốn FDI chưa được như kỳ vọng. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là tại vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo và những người yếu thế. Diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, còn tâm lý chủ quan trong thực hiện tiêm vacccine...


Phóng viên báo chí đặt câu hỏi tại cuộc họp báo.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh những bài học kinh nghiệm quan trọng, trong đó nêu rõ, phải bám sát, cụ thể hóa kịp thời sự lãnh đạo, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; càng khó khăn, phức tạp càng phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, kiên trì đường lối nhưng linh hoạt trong điều hành; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền.

Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể về kinh tế-xã hội thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi; tiếp tục thực hiện đồng bộ, toàn diện, tổng thể, quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, đường lối, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tăng cường phân cấp, phân quyền, nắm tình hình, ứng phó diễn biến mới phát sinh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tiếp tục thực hiện các trọng tâm chỉ đạo, điều hành đã được phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua xác định, gồm: "4 ổn định" (ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội); 3 "tăng cường" (tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vaccine Covid-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước); "2 đẩy mạnh" (đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và công tác quy hoạch); "1 tiết giảm" là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết và "1 kiên quyết không" là không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột.

Ngoài ra, cần giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Xây dựng các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn. Bên cạnh đó là cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cương quyết cắt giảm các thủ tục rườm rà, các dự án dàn trải, điều chuyển vốn từ những dự án chậm, kém hiệu quả sang các dự án bảo đảm tiến độ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương 6, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, trong đó có đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2023; định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam; đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các Bộ ngành chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Tập trung rà soát, hòan thiện pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; ban hành trong tháng 9 các nghị định về tổ chức bộ máy của các bộ, các ngành. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển đất nước, nâng cao vị thế đất nước, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, công tác phòng, chống dịch bệnh, các thành tựu phát triển của đất nước.

Cũng tại cuộc họp báo, các thành viên của Chính phủ, đại diện  lãnh đạo các Bộ ngành đã giải đáp, làm rõ nhiều vấn đề dư luận xã hội và báo chí quan tâm, tập trung các nội dung: bảo vệ quyền lợi của người mua cổ phiếu FLC; đảm bảo bình ổn giá xăng dầu để không bị ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp và hoạt động vận tải; bảo hộ cho công dân Việt Nam sang Campuchia cũnng như các biện pháp phòng chống buôn bán người; giao dịch của người dân khi thu sổ hộ khẩu; tiêm vaccine cho trẻ em đến trường…/.

Một số hình ảnh tại cuộc họp báo:


Toàn cảnh cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8.


Các đại biểu tham dự cuộc họp báo.


Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. 


Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đề cập về bảo vệ quyền lợi của người mua cổ phiếu FLC.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí những vấn đề liên quan đến điều hành giá xăng dầu.


Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề cập về việc tăng lãi suất ngân hàng.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông trả lời câu hỏi của báo chí về bổ sung điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 



Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy thông tin về việc đảm bảo đúng tiến độ các dự án giao thông.


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trả lời về việc tiêm vaccine phòng chống Covid-19 cho trẻ em khi đến trường.


Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an làm rõ về đảm bảo giao dịch của người dân khi thu sổ hộ khẩu.

Bích Lan - Minh Thành